Định Tường
(VNTB) – Bên mời thầu đưa ra các điều kiện, tiêu chí mà nhìn qua cũng thấy “nhà thầu nào sẽ trúng”.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu thực tế hiện nay, nhiều gói thầu công bố công khai, rộng rãi nhưng hồ sơ bên mời thầu đưa ra các điều kiện, tiêu chí mà nhìn qua cũng thấy “nhà thầu nào sẽ trúng”.
Lương y N.Đ.N., một thầy thuốc tên tuổi trong làng dược liệu ở Việt Nam, đại khái nói rằng trong chuyện đấu thầu dược liệu còn nặng nề hơn, khi hồ sơ dự thầu sẽ được “chọn” qua một cú phôn từ văn phòng “anh hai – chị ba” nào đó ở “triều đình”.
Cậu cháu đấu nhau
Một nghi vấn được nhắc đến, theo hồ sơ, tài liệu đấu thầu, tháng 9-2020 bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh mời gói thầu “Mua sắm vật tư phẫu thuật cột sống lưng, thắt lưng” với giá gói thầu là 8.535.000.000 đồng. Kết quả mở thầu cho thấy, gói thầu này chỉ có 02 đơn vị tham gia là Công ty TNHH Thành An – Hà Nội (Công ty Thành An Hà Nội) và Công ty TNHH Thiết bị Y tế Danh (Công ty TBYT Danh). Trong đó, Công ty Thành An Hà Nội dự thầu với giá 8.390.700.000 đồng, Công ty TBYT Danh dự thầu với giá 8.474.607.000 đồng.
Tại phần đánh giá tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật, Công ty Thành An Hà Nội đạt cả 3 tiêu chí. Ngược lại Công ty TBYT Danh không được đánh giá ở cả 3 tiêu chí nêu trên. Kết quả Thành An Hà Nội được mời vào thương thảo hợp đồng.
Có thể phán đoán, tại gói thầu này, phía Công ty Thành An Hà Nội trúng thầu do bỏ thầu với giá thấp hơn Công ty TBYT Danh.
Sẽ chẳng có gì phải bàn luận nếu như người ta không thấy có hiện tượng Công ty Thành An Hà Nội và Công ty TBYT Danh thường xuyên song hành với nhau trong các gói thầu. Trong đó, rất nhiều gói thầu chỉ có mỗi hai doanh nghiệp này tham dự thầu. Và phần lớn kết quả sẽ là Công ty TBYT Danh trượt, Công ty Thành An Hà Nội trúng thầu. “Điệp khúc” này đã trở nên quen thuộc tại các gói thầu mua sắp thiết bị y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn cả nước.
Đơn cử, đầu năm 2020, bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An mở gói thầu số 01 “Mua sắm 12 máy thở và 12 Monitor 05 thông số tại bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An”. Giá gói thầu là 9.780.000.000 đồng. Tại gói thầu này, cũng chỉ có Công ty Thành An Hà Nội và Công ty TBYT Danh tham gia thầu.
Như lần trước, Công ty TBYT Danh cũng bỏ giá dự thầu cao hơn Công ty Thành An Hà Nội. Cụ thể, Công ty TBYT Danh bỏ giá 9.762.000.000 đồng, trong khi Công ty Thành An Hà Nội chỉ bỏ giá 9.750.000.000 đồng. Kết quả, Công ty Thành An Hà Nội đạt ở cả 3 tiêu chí tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật. Trong khi đó, Công ty TBYT Danh không đạt tại tiêu chí năng lực, kinh nghiệm và không xét ở tiêu chí kỹ thuật…
Chủ tịch thành phố chỉ đạo thầu
Một vụ án đình đám hơn, lộ liễu hơn đó là vụ án được cho là có sự hậu thuẫn đắc lực lúc ông Nguyễn Đức Chung còn ngồi ghế quyền lực ở UBND thành phố Hà Nội. Liên danh nhà thầu Nhật Cường – Đông Kinh đã dùng nhiều chiêu trò để che mắt dư luận và dễ dàng thắng liên tiếp các gói thầu giá trị lớn.
Theo kết luận điều tra, trong gói thầu Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016, từ tháng 5-2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, với tư cách chủ đầu tư đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, kế hoạch đấu thầu rộng rãi để tìm kiếm nhà thầu thực hiện gói thầu trị giá gần 43 tỷ đồng. Thời điểm này đã có 6 nhà thầu đăng ký mua hồ sơ dự thầu, không có Công ty Nhật Cường.
Tuy nhiên, từ mối quan hệ cá nhân với Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, ngày 15-5-2016, ông Nguyễn Đức Chung, khi đó là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đã gọi điện yêu cầu lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phải tạm dừng cuộc đấu thầu này khi thời gian mở thầu, xét thầu dự kiến là ngày 16-5-2016.
Từ chỉ đạo đột ngột này, Giám đốc Sở khi đó là ông Nguyễn Văn Tứ (bị can trong vụ án) đã phải gặp mặt các nhà thầu “xin thông cảm” vì Chủ tịch thành phố đã chỉ đạo…
Tuy nhiên trong nhiều lần hầu tòa ở các phiên từ sơ thẩm đến phúc thẩm, người ta dường như không ai tin trong chuyện thầu này chỉ có mỗi một bàn tay che trời là ông Nguyễn Đức Chung. Cứ tưởng tượng nếu Quốc hội có nhiều ghế cho các đảng phái chính trị, ắt hẳn lá phiếu mà cử tri dành cho đảng của ông Nguyễn Đức Chung sẽ thảm hại đến chừng nào (!?)
[ads_color_box color_background=”#f7ebeb” color_text=”#444″]
Lãnh đạo của Công ty Thành An Hà Nội và Công ty TBYT Danh có mối quan hệ họ hàng giữa cá nhân những người đại diện pháp luật, thành viên góp vốn.
Cụ thể, theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Thành An Hà Nội (thay đổi lần 3, ngày 27/7/2010), danh sách thành viên góp vốn gồm Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Đăng Thuyết. Trong đó, người đại diện theo pháp luật của công ty là Nguyễn Đăng Thuyết.
Còn theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TBYT Danh (thay đổi lần 3, ngày 13/6/2014), danh sách thành viên góp vốn gồm Nguyễn Quý Khái, Nguyễn Quang Vĩnh. Trong đó, người đại diện theo pháp luật của công ty là Nguyễn Quý Khái. Cả hai ông Nguyễn Đăng Thuyết và Nguyễn Quý Khái đều có địa chỉ thường trú tại thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Trên thực tế ông Nguyễn Đăng Thuyết và Nguyễn Quý Khái có quan hệ cậu cháu ruột (ông Nguyễn Quý Khái là con của chị gái ruột ông Nguyễn Đăng Thuyết). Thông tin này được chính người trong họ của ông Nguyễn Đăng Thuyết xác nhận.
Theo Doanh nghiệp Việt Nam
[/ads_color_box]
1 comment
Bao bì: XHCN
Ruột: Tư bản thân hữu