(VNTB) – Thủ tướng lại tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp…
Hô hào đẩy mạnh “phân cấp – phân quyền”
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy Nhà nước đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước giữa trung ương và địa phương” – trích Điều 2.1, Nghị quyết 04/NQ-CP.
Nhưng thế nào là “phân cấp – phân quyền” thì chưa ai hình dung ra?
Về lý luận thì hiện nay, các quy định của pháp luật hiện hành chưa giải thích rõ thuật ngữ thế nào là phân quyền, phân cấp, mà chỉ quy định một số nội dung cụ thể của phân quyền, phân cấp. Theo Từ điển luật học của Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, thì phân quyền có nghĩa là “phân cho một tập thể hay một đơn vị hành chính – lãnh thổ tự quản lý, có tư cách pháp nhân, có những quyền hạn và những nguồn lực nhất định, dưới sự kiểm tra của Nhà nước”; còn phân cấp có nghĩa là “chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện thường xuyên, lâu dài, ổn định trên cơ sở pháp luật”.
Trong góc nhìn phản biện, vấn đề đặt ra là thay vì loay hoay với “Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng”, thì tại sao không thực thi theo bài bản mà hiện nay một số nước trên thế giới quan niệm đơn giản hơn đó là về phân quyền là phân chia quyền lực hay tam quyền phân lập.
Trong khi đó thì mặc dù là độc đảng toàn trị, nhưng nhiệm kỳ của Đảng lại tùy nghi vào chủ ý của người đứng đầu Đảng ở khóa đó cho các hành xử ở “phân cấp – phân quyền”. Chính điều này dẫn đến gần như câu cửa miệng quen thuộc của quan chức được lặp đi lặp lại song vẫn là dọ dẫm trong tìm kiếm của “phân cấp – phân quyền”.