VNTB – Công đoàn ở đâu trong Công ty Bkav?

VNTB – Công đoàn ở đâu trong Công ty Bkav?
Cát Tường

 

(VNTB) – Người ta không thấy bóng dáng tổ chức công đoàn cơ sở khi Công ty Bkav nợ lương nhân viên.

 

Bkav Pro thành lập ngày 12-3-2019 với số vốn đăng ký 120 tỷ đồng. Đây được xem là một pháp nhân lõi trong hệ sinh thái Bkav của ông Nguyễn Tử Quảng (sinh năm 1975). Vị doanh nhân này đang đảm nhận vai trò tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Giữa năm 2021, VNDIRECT đã đứng ra làm tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán, đại diện người sở hữu trái phiếu cho lô trái phiếu mã BKPCB2124001 phát hành ngày 26-5-2021, có tổng giá trị 170 tỷ đồng của Bkav Pro. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 26-5-2024 tới đây. Lãi suất năm đầu cố định 10,5%/năm, các năm sau lãi suất tính bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 4,5% và không thấp hơn 10,5%/năm, trả lãi 6 tháng một lần.
Theo thông báo thì Bkav cho biết nguồn tiền từ phát hành trái phiếu BKAV Pro sẽ được dùng để mở rộng và phát triển camera AI View; đầu tư chuyển đổi số, và một phần dành cho phát triển các dòng Bphone giá tốt với mục tiêu phổ cập thị trường và tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng hơn.
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này bao gồm hơn 5,44 triệu cổ phiếu Bkav Pro do Công ty cổ phần Bkav sở hữu và 4,99 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Bkav thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tử Quảng. Đáng chú ý, 5,44 triệu cổ phiếu Bkav Pro được Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân định giá gần 970 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, nếu tính theo mức này, định giá Bkav Pro đạt khoảng 2.137 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV-2023 của VNDIRECT bất ngờ phát sinh khoản phải thu khó đòi hơn 31,5 tỷ đồng (tại ngày 31-12-2023) đối với khách hàng là Công ty cổ phần Bkav Pro.
Cùng bối cảnh về khoản nợ khó đòi đó, theo phản ánh từ người lao động thì còn là vấn đề nợ lương kéo dài ở doanh nghiệp này. Đơn cử trường hợp ông TCS, bắt đầu làm việc tại Công ty cổ phần Bkav từ năm 2019. Sau khi Công ty cổ phần Điện tử BHS (viết tắt của Bkav Hardware Solution) được thành lập vào tháng 5-2022, ông chuyển sang làm việc tại công ty này với vị trí quản lý. Tháng 6-2023, thấy công ty có dấu hiệu chậm trả lương cho người lao động, ông quyết định xin thôi việc chính thức từ ngày 16-7-2023. “Công ty hứa trả lương tháng 6 và lương tháng 7 cho nhân viên. Sau khi tôi nghỉ việc, công ty đã trả khoảng 40% lương tháng 6-2023. Số còn lại công ty vẫn còn đang nợ và nợ cả lương tháng 7” – ông chia sẻ.
Trước đó, ông TCS đã cố gắng liên hệ với các nhân sự liên quan đến vấn đề trả lương của BHS và Bkav nhưng công ty mới trả thêm cho ông lần gần nhất là 1 triệu đồng, vẫn còn nợ của ông gần 20 triệu đồng.
Diễn biến chung của hai công ty con nằm trong hệ sinh thái của Bkav đều gặp những vấn đề khó khăn về dòng tiền được viện dẫn cho nợ nần về lương của người lao động. “Tôi đã bị công ty chậm lương ngay từ tháng đầu vào làm việc. Việc này được công ty thông báo tại website nội bộ chứ không thông qua một cá nhân nào” – một công nhân cho biết vậy khi bắt đầu nhận việc thiết kế vào tháng 3 năm ngoái ở Công ty BHS.
Tháng 11-2023, người lao động nói trên cảm thấy mất niềm tin vào doanh nghiệp nên quyết định xin nghỉ việc sau thi công ty nợ ông hai tháng lương…
Trong các lùm xùm về quyền lợi người lao động kể trên, tiếc thay người ta chưa thấy thể hiện vai trò của công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp này; bởi theo xác nhận của Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy (Hà Nội) thì Công ty cổ phần Bkav có thành lập tổ chức công đoàn, còn

Công ty cổ phần Điện tử BHS thì.. không có tổ chức công đoàn.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)