Việt Nam Thời Báo

VNTB – Để thêm nguồn thu ngân sách, hãy cho tư nhân được quyền làm báo!

Khát vọng tự do báo chí

Cỏ May

(VNTB) – Ở hầu hết các nước, báo chí chủ yếu là của tư nhân và trên thực tế, chưa có trường hợp nào báo chí trở thành mối nguy hiểm đối với các chính thể “của dân, do dân, vì dân”.

 

Vậy thì – giả dụ như với riêng Việt Nam, một khi cho phép tư nhân được quyền tự do làm báo, liệu sẽ ‘trị’ về “mối nguy hiểm đối với chính thể” như thế nào?

Báo chí vẫn là “công – tư hợp doanh”?

Tính từ sau khi chế độ kinh tế bao cấp được xóa bỏ, đã có tiền lệ về báo chí tư nhân. Có thể nhắc tới Công ty Phát triển và Đầu tư công nghệ (FPT) là một doanh nghiệp tư nhân đã thành lập báo điện tử VnExpress từ năm 2001. Tờ báo tư nhân này kịp trở thành báo điện tử hàng đầu của Việt Nam, và nằm trong top 500 báo điện tử có nhiều độc giả nhất thế giới trước khi Thủ tướng Chính phủ giao nó cho Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý vào năm 2008.

Một số tên tuổi nổi tiếng khác trong báo giới Việt Nam như báo điện tử VietNamNet, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC do các doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam VNPT, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC) thành lập.

Khi các doanh nghiệp này được cổ phần hóa, đài và báo của họ không còn là của doanh nghiệp nhà nước nữa. Mãi đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ mới giao VietNamNet và Đài truyền hình VTC cho Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.

Ngoài ra, do thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, một số cơ quan cấp tổng cục đã chuyển thành tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Hàng không dân dụng Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam,… Các doanh nghiệp này này cho đến nay vẫn tiếp tục xuất bản những ấn phẩm báo chí chuyên ngành của cơ quan nhà nước trước đây.

Tư nhân cần sự chính danh để bảo đảm đồng vốn đầu tư

Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn giữ thái độ dè dặt, chỉ chấp nhận sự tham gia của tư nhân vào hoạt động báo chí dưới hình thức liên kết với cơ quan báo chí “nhà nước”.

“Việc cho phép ‘liên kết’ hay mua bản quyền măng-sét thật ra chỉ là sự thừa nhận một thực tế đã diễn ra cách đây hơn hai mươi năm. Những năm sau đổi mới kinh tế, vào thập kỷ 90 đã xuất hiện hàng loạt báo tư nhân; một số người thầu lại dưới danh nghĩa phụ trương, phụ san của các báo. Lúc đó báo chí tư nhân hoạt động khá mạnh mẽ, sau đó Nhà nước siết lại” – nhà báo Phạm Chí Dũng có nhận xét như vậy trong một trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh quốc tế Pháp – Radio France internationale, RFI (*).

Trên thực tế thì nhiều tờ báo nước ngoài được “nội địa hóa” là do các công ty tư nhân đứng ra mua bản quyền sử dụng măng-sét, nội dung để in ấn ở Việt Nam.

Có người nói phía nhà nước đã ‘mắt nhắm – mắt mở’ trong chuyện “nội địa hóa”. Bởi vì trên thế giới không thấy cơ quan nhà nước nào làm những tờ như Her WorldCosmopolitanElle… Nhu cầu của độc giả rất phong phú; ngoài lãnh vực giải trí, còn các lãnh vực khác rất cần “xã hội hóa” theo hướng này như thông tin về khoa học, công nghệ, du lịch.

Xã hội cũng cần các tổ chức tư nhân làm các dạng hồ sơ về kinh tế để bạn đọc có thể tra cứu thông tin, nhất là để phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán với quy mô ngày càng lớn như hiện nay.

Dĩ nhiên để báo chí tư nhân khẳng định được vị thế của mình thì cần đến sự chính danh. Hiện tại thì sự khác biệt giữa “tư nhân hóa” báo chí và tư nhân tham gia làm báo, vẫn nằm ở chỗ quyền sở hữu.

Sở hữu măng-sét báo vẫn sẽ là cơ quan báo chí nhà nước, tư nhân chỉ tham gia liên kết. Và lẽ ấy nên hệ lụy đương nhiên là không tư nhân nào với tầm nhìn dài hạn, một ý hướng xây dựng lâu dài chịu liên kết theo kiểu dễ lâm cảnh “được chim bẻ ná, được cá quên nơm” ấy lắm.

Bỏ tù chủ báo tư nhân bao giờ cũng dễ dàng hơn!

Có ý kiến rằng nếu lo ngại báo chí tư nhân trở thành mối nguy hiểm đối với chính thể, thì cứ việc hoàn chỉnh các quy định pháp luật liên quan, trong đó có các khoản ‘phạt vạ’ thật nặng cho những vi phạm.

Dẫn chứng luôn, khi tóm tắt một số nội dung nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại họp báo công bố luật của Văn phòng Chủ tịch nước sáng 11-12-2020, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, bà Đặng Hoàng Oanh cho biết, luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều. Trong đó, 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện; sửa kỹ thuật 11/142 điều; bổ sung mới 4 điều; bãi bỏ 3 điều.

Điểm đáng chú ý của luật lần này là sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực quản lý nhà nước gồm: Giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản.

Theo bà Đặng Hoàng Oanh, nếu báo chí vi phạm hành chính thì mức phạt tối đa lâu nay là 100 triệu, thì giờ đây sẽ lên tới 250 triệu đồng. Như vậy, việc ‘thẳng tay’ phạt lúc báo chí tư nhân vi phạm, vẫn sẽ ‘thoải mái’ hơn nhiều so ‘bắt vạ’ báo ‘quốc doanh’ thường dễ đụng chạm đến ‘bề trên’ chủ quản.

Thậm chí bỏ tù theo kiểu “chính trị hóa” các tay làm báo tư nhân vẫn dễ dàng hơn…

______________

Chú thích:

(*) https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20160405-luat-bao-chi-tu-nhan-van-chua-duoc-ra-bao-va-tu-do-ngon-luan-bi-han-che

Tin bài liên quan:

VNTB – YouTube giúp kiểm duyệt

Phan Thanh Hung

VNTB – Đưa tin trung thực, không chống hay cổ súy gì cả

Do Van Tien

VNTB – Truyền thông chính sách và báo chí tư nhân

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo