(VNTB) – Khuyến nghị Chính phủ Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” (CPC) vì có các vi phạm nghiêm trọng, liên tục và có hệ thống về tự do tôn giáo theo định nghĩa trong Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA).
Trong năm 2024, tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn ở mức kém. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và nhà cầm quyền ngày càng tìm cách kiểm soát và điều khiển các vấn đề tôn giáo thông qua các tổ chức tôn giáo do nhà cầm quyền bảo trợ. Nhà cầm quyền đã bắt giữ, giam cầm, tra tấn các thành viên và những người ủng hộ các cộng đồng tôn giáo không được công nhận hoạt động độc lập khỏi sự kiểm soát của nhà cầm quyền.
Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục sử dụng Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2018 và các nghị định thi hành để quản lý chặt chẽ các vấn đề tôn giáo. Vào tháng 3, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP có hiệu lực, thay thế hai nghị định trước đó – Nghị định 162 và Nghị định xử phạt – vốn đã mang tính hạn chế và đàn áp, ví dụ như yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải báo cáo thay đổi về nhân sự và địa điểm với nhà cầm quyền. Nghị định mới cho phép nhà cầm quyền yêu cầu thêm hồ sơ tài chính và đình chỉ hoạt động tôn giáo vì các “vi phạm nghiêm trọng” được diễn đạt một cách mơ hồ.
Tính đến tháng 12, Danh sách Nạn nhân của USCIRF liên quan đến Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng (FoRB) bao gồm hơn 80 tù nhân bị nhà cầm quyền Việt Nam trừng phạt vì các hoạt động tôn giáo hoặc vận động cho tự do tôn giáo. Tháng 3, nhà cầm quyền kết án Y Krec Bya, một nhà truyền giáo Tin Lành người Thượng thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên độc lập (CHECC) 13 năm tù giam. Tháng 4, nhà cầm quyền áp thêm tội danh đối với ông Lê Tùng Vân – 92 tuổi – lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Bồng Lai độc lập, người hiện đang chịu án quản thúc tại gia do tuổi cao và sức khỏe yếu vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Tháng 5, tòa án tỉnh Trà Vinh giữ nguyên bản án đối với hai nhà hoạt động Khmer Krom là Thạch Chương và Tô Hoàng Chương với tội danh tương tự.
Các tín đồ Cơ đốc giáo người Thượng và H’Mông ở Tây Nguyên và Tây Bắc vẫn đặc biệt dễ bị đàn áp: bị bắt giữ, giam cầm, tra tấn và bị ép bỏ đạo. Nhà cầm quyền địa phương vẫn đàn áp các hoạt động tôn giáo độc lập của người Thượng. Tháng 1, nhà cầm quyền kết án nhà hoạt động tôn giáo Nay Y Blang hơn bốn năm tù vì hoạt động và liên kết với CHECC. Tháng 3, giảng sư Y Bum Bya được phát hiện đã chết sau khi bị công an triệu tập – được cho là bị đe dọa và đánh đập trước đó. Tháng 9, nhà cầm quyền Đắk Lắk bắt giữ nhà truyền giáo Y Thinh Nie vì từ chối gia nhập giáo hội do nhà cầm quyền kiểm soát. Tháng 10, nhà cầm quyền tổ chức buổi “đấu tố công khai” nhằm gây áp lực để hơn 20 tín đồ người Thượng gia nhập giáo hội đã đăng ký. Có thông tin cho rằng hai mục sư người Thượng bị tay súng lạ mặt bắn vì họ lãnh đạo nhà thờ độc lập. Nhà cầm quyền Việt Nam cũng gây áp lực để Thái Lan dẫn độ nhà hoạt động Y Quynh Bdap – người có thể đối mặt với hình phạt nghiêm trọng nếu bị trả về Việt Nam.
Nhà cầm quyền tiếp tục đàn áp các nhóm Phật giáo và Cao Đài không được công nhận trong suốt năm qua. Tháng 3, công an huyện Tam Bình phá vỡ một phần chùa Đại Thọ sau khi bắt giữ trụ trì Khmer Krom Thạch Chanh Da Ra cùng một tín đồ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Tháng 11, tòa án tỉnh Vĩnh Long áp thêm tội danh và kết án thêm nhiều Phật tử trong vụ án liên quan. Tháng 6, công an tạm giữ sư thầy Thích Minh Tuệ và các tín đồ ở Thừa Thiên Huế. Tháng 4, tỉnh An Giang cấm các Phật tử Hòa Hảo độc lập tưởng niệm húy nhật của người sáng lập giáo phái. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tiếp tục gặp khó khăn và bị sách nhiễu vì các hoạt động tôn giáo. Tín đồ Cao Đài độc lập bị tín đồ của phái Cao Đài 1997 do nhà cầm quyền kiểm soát và công an quấy rối, ngăn cản đến chùa, hành lễ và tổ chức tang lễ. Tháng 5, công an thẩm vấn Trần Văn Đức sau khi ông gặp đại diện lãnh sự Mỹ để trao đổi về việc sách nhiễu tín đồ Cao Đài độc lập.
KHUYẾN NGHỊ CHO CHÍNH PHỦ HOA KỲ
– Chỉ định Việt Nam là “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” (CPC) vì có các vi phạm nghiêm trọng, liên tục và có hệ thống về tự do tôn giáo theo định nghĩa trong Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA).
– Đánh giá thỏa thuận song phương năm 2005 giữa Mỹ và Việt Nam để xác định liệu sự tụt lùi trong tự do tôn giáo của Việt Nam có vi phạm các điều khoản hay không và thực hiện các hành động thích hợp.
– Thúc đẩy sửa đổi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2018 và các nghị định hướng dẫn để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế – bao gồm đơn giản hóa và không bắt buộc đăng ký.
– Tạo điều kiện cho các cơ quan và nhân viên Liên Hiệp Quốc tiếp cận Việt Nam mà không bị giới hạn, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, để theo dõi và điều tra các vi phạm trước cuộc bỏ phiếu vào cuối năm 2025 về tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026.
Quốc hội Hoa Kỳ nên:
– Vận động cho việc cải thiện tự do tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt là việc trả tự do cho các tù nhân FoRB.
– Tái khởi động các nỗ lực lập pháp nhằm cải thiện tự do tôn giáo tại Việt Nam, chẳng hạn như Đạo Luật Nhân Quyền Việt Nam (H.R. 3172).
NGUỒN TÀI LIỆU & HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA USCIRF
– Báo cáo chuyên đề: “Tôn giáo do nhà cầm quyền kiểm soát và tự do tôn giáo tại Việt Nam”.
– Báo cáo chuyên đề: “Xem xét lại danh hiệu CPC: Cải thiện trách nhiệm và hợp tác hiệu quả để thúc đẩy tự do tôn giáo”.
– Danh sách Nạn nhân Tự do Tôn giáo Frank R. Wolf và Phụ lục 2.
BỐI CẢNH
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, với số liệu dân số liên quan đến tôn giáo có sự khác biệt đáng kể giữa các nguồn thống kê. Tính đến tháng 6 năm 2024, nhà cầm quyền chính thức công nhận 43 tổ chức tôn giáo và 16 tôn giáo. Các truyền thống tôn giáo có mặt đáng kể tại Việt Nam bao gồm Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Công giáo và Tin Lành.
Hiến pháp Việt Nam thừa nhận rằng tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và nhà cầm quyền phải tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng (FoRB). Tuy nhiên, trên thực tế, nhà cầm quyền hạn chế rộng rãi quyền tự do tôn giáo – đặc biệt là đối với các nhóm tôn giáo độc lập – thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2018, các nghị định hướng dẫn thi hành và các luật khác.
ĐÀN ÁP CÁC CỘNG ĐỒNG TÔN GIÁO KHÁC
Mặc dù gần đây quan hệ giữa Vatican và Việt Nam đã có dấu hiệu cải thiện, người Công giáo Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo của họ – bao gồm cả việc nhà cầm quyền tiếp tục tước đoạt tài sản của Giáo hội Công giáo trong nhiều thập kỷ qua. Tháng 5, giáo dân của Giáo xứ Thanh Hải (tỉnh Bình Thuận) đã phản đối kế hoạch của nhà cầm quyền xây dựng trường học trên phần đất mà giáo xứ được cho là sở hữu. Các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội cũng lên tiếng phản đối việc nhà cầm quyền xây dựng bệnh viện mới trên khu đất của Tu viện thuộc Giáo xứ Thái Hà – nơi đã bị nhà cầm quyền trưng thu hơn nửa thế kỷ trước.
Nhà cầm quyền cũng tiếp tục đàn áp các nhóm tôn giáo bị coi là “lạ, sai lệch hoặc tà đạo”. Ví dụ, vào tháng 2, nhà cầm quyền tỉnh Cao Bằng thông báo đã xóa sổ các hoạt động của tôn giáo Dương Văn Mình trong toàn tỉnh. Tương tự, nhà cầm quyền tỉnh Điện Biên cũng tuyên bố đã hoàn tất việc xóa sổ tôn giáo Ba Cô Đo – một chiến dịch được khởi động từ năm 2017.
TRÁCH NHIỆM QUỐC TẾ
Tháng 1, nhà cầm quyền Việt Nam đã xét xử và tuyên án 100 người, phần lớn là người Thượng theo đạo Cơ đốc, với cáo buộc khủng bố liên quan đến các vụ tấn công trụ sở công an ở tỉnh Đắk Lắk nhiều tháng trước đó. Tháng 6, các Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, đã gửi thư cho nhà cầm quyền Việt Nam bày tỏ quan ngại về các vi phạm quyền tự do tôn giáo – bao gồm việc hình sự hóa các lãnh đạo tôn giáo và hoạt động thờ tự, cũng như việc bắt giữ, giam giữ tùy tiện, tra tấn và các cái chết không rõ nguyên nhân trong thời gian giam giữ, liên quan đến vụ Đắk Lắk năm 2023 và phiên tòa tập thể sau đó. Tháng 8, các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ tiếp tục bày tỏ quan ngại về việc nhà cầm quyền lạm dụng luật chống khủng bố một cách phân biệt đối xử nhằm vào người Thượng theo đạo Cơ đốc – điều dẫn đến các vi phạm như bắt giữ tùy tiện, kích động dân thường tấn công, tra tấn và ép nhận tội.
Tháng 5, Việt Nam trải qua vòng rà soát thứ tư của Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) – một quy trình của Hội đồng Nhân quyền LHQ để đánh giá hồ sơ nhân quyền của một quốc gia. Nhà cầm quyền Việt Nam đã chấp nhận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị, nhưng từ chối các khuyến nghị then chốt liên quan đến bảo vệ quyền tự do tôn giáo, bao gồm việc chấm dứt ép bỏ đạo và sửa đổi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Tháng 9, các tổ chức nhân quyền đã ra tuyên bố lên án việc nhà cầm quyền chọn lọc các khuyến nghị trong UPR, cho rằng điều đó thể hiện ý chí tiếp tục đàn áp các nhóm tôn giáo không đăng ký, những người bảo vệ nhân quyền và xã hội dân sự độc lập. Việt Nam hiện là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và đang tìm cách tái đắc cử cho nhiệm kỳ 2026–2028.
CHÍNH SÁCH CỦA HOA KỲ
Tháng 8, bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền, đã đến Hà Nội gặp Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng và Ủy ban Tôn giáo Chính phủ để thảo luận việc thúc đẩy tự do tôn giáo và các vấn đề liên quan. Tháng 9, Tổng thống Joseph R. Biden gặp Tổng Bí thư ĐCSVN Tô Lâm tại New York, trong đó ông Biden nhấn mạnh “cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và tôn trọng nhân quyền”.
Tháng 3 và tháng 9, Dân biểu Michelle Steel (R-CA) ra tuyên bố chỉ trích chính quyền Biden vì không xếp Việt Nam vào danh sách CPC, đồng thời kêu gọi Bộ Ngoại giao thực hiện khuyến nghị nhất quán của USCIRF. Tháng 6, Thượng nghị sĩ Ben Cardin (D-MD), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cùng ba thượng nghị sĩ khác đã gửi thư chung tới Ngoại trưởng Antony J. Blinken, kêu gọi Bộ Ngoại giao giải quyết rốt ráo hơn các vấn đề nhân quyền đang gia tăng – đặc biệt là quyền tự do tôn giáo – và tích hợp đầy đủ các ưu tiên về nhân quyền trong quan hệ song phương Mỹ–Việt.
Ngày 29 tháng 12 năm 2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xếp Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) theo IRFA vì các vi phạm nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo.