Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đi khám bệnh rồi còn muốn bệnh hơn

Diệp Chi

(VNTB) – Nghĩ đến cái cảnh vô ngồi chờ khám bệnh thôi là cũng đủ mệt!

Ở Sài Gòn, nơi của nhiều bệnh viện tuyến cuối tại miền Nam, để tìm kiếm một bệnh viện, mà nói vui là “ế khách”, đây cũng là một điều không dễ dàng. Bởi, dạo quanh các bệnh viện vào buổi sáng, lối vào bãi xe cũng như khuôn viên khám bệnh bên trong gần như luôn trong trạng thái đông đúc bệnh nhân.

Đơn cử, mỗi ngày, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM tiếp nhận 4.700-4.800 ca đến khám, tăng khoảng 8-10% so với trước đây, khiến bệnh viện luôn trong tình trạng đông đúc.

Theo thông tin từ báo chí, đúng 4h, cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 mở, hàng trăm bệnh nhân nối chân nhau vào khu tiếp nhận trung tâm. Như đã quen với điều này, từng người đến lấy ghế rồi xếp thành hàng dọc ngồi xuống, rất trật tự và yên tĩnh. Lúc này, bảo vệ của bệnh viện thông báo người khám dịch vụ và bảo hiểm y tế sẽ xếp hàng khu vực nào, người bệnh cần chuẩn bị sẵn giấy tờ gì để đến giờ nhận bệnh được thành thủ tục nhanh chóng.

“Đông thật sự, lần nào đi tái khám cũng đông. Người thân mình cũng là dân tỉnh lên thành phố khám, chữa bệnh. Có số sẵn rồi, có thời gian hẹn tái khám luôn rồi, vẫn còn phải ngồi chờ. Nhưng mà nói gì nói, đợt này thì mình có cảm tình hơn đợt trước. Đợt trước ngồi chờ vào xét nghiệm chẳng hiểu sao, mình số 2 mà lại phải ưu tiên cho số 3,4,5,6… vào trước, dù họ thấy cũng bình thường, không già cả, không cấp cứu, cũng không xe lăn. Có điều lãnh thuốc bảo hiểm y tế lâu quá”, chị Ngọc Minh, dẫn người thân đi khám bệnh ở bệnh viện Ung Bướu chia sẻ trong thời gian chờ người thân xét nghiệm.

Còn theo chia sẻ của anh Minh thì không chỉ riêng bệnh viện Ung Bướu: “Bệnh viện nào cũng đông. Sáng tui đi làm đi tuyến đường ngang qua Nhân dân Gia Định để từ Thủ Đức vào trung tâm thành phố. Sáng nào bãi xe cũng đông nghẹt, nhiều xe đứng tràn xuống lòng đường luôn. Nghĩ nghĩ, sao mà ở Việt Nam, bệnh nhiều quá vậy. Nghĩ đến cái cảnh vô ngồi chờ khám thôi là cũng đủ mệt”.

Dẫn con đi khám sức khoẻ tâm lý ở khoa Tâm lý – Tâm thần trẻ em của bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh, chị Nguyệt Ánh (nhân vật đã đổi tên): “Mình mới dẫn con đi khám lần đầu. Nói thiệt, nhìn bên ngoài thôi là mình ngán ngẩm rồi. Nhìn y như một cái hộp, tối thui. Bước vô, cái không gian thì nhỏ, đông đúc người chờ đợi, mà cái quan trọng là cảm giác nó thiếu sáng, ngột ngạt. Nhân viên ở dưới thì cũng bình thường, có người cũng vui vẻ nhưng thái độ bác sỹ với nhân viên trực phòng kiểm tra IQ của trẻ, khó chịu. Mình vô đó từ sớm, đến trưa, gần đến giờ nghỉ, mới được vô khám. Biết là bác sỹ có thể mệt mỏi vì cả buổi làm việc nhưng ai làm gì bác sỹ mà bác sỹ khó chịu với người nhà bệnh nhân? Con nít thì nó nghịch, câu đầu tiên của mấy bà, xin phép được gọi là bà vì thật sự rất khó chịu thái độ, ở phòng test trí tuệ, là nạt nộ, là lớn tiếng.

Rồi họ hẹn ba tháng nữa mới có chỗ trống để kiểm tra IQ của trẻ. Đâu chỉ có người lớn, trẻ em cũng quá đông bệnh”.

“Mỗi lần gần đến ngày tái khám là lại thấy ngán ngẩm. Không biết là đợt này có được khám trong ngày hay sẽ kéo qua nhiều ngày nữa? Nhìn cái cảnh vật vờ, chờ đợi để được xét nghiệm rồi chờ kết quả, rồi chờ khám… nói thiệt là ngán vô cùng. Bệnh thì cũng đành phải chấp nhận. Khám dạng bảo hiểm y tế đành phải chấp nhận chờ lâu lắc để lấy thuốc thôi”, ngao ngán trước cảnh chờ đợi ở bệnh viện, một người nhà bệnh nhân chia sẻ.

Chẳng biết những cảnh này khi nào sẽ được cải thiện khi trình độ chuyên môn của bà Bộ trưởng Bộ Y tế lại là Thạc sỹ về kinh tế. Cũng chưa từng nghe qua bà làm gì liên quan đến y tế trước khi bà được phân vào vai trò Bộ trưởng Bộ… y tế!

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Khai báo y tế trong phòng dịch Covid ở Việt Nam sắp được bãi bỏ

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: sáng kiến?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ngành y tế cần thoát khỏi sự phụ thuộc vào bảo hiểm y tế

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo