VNTB – Ngành y tế cần thoát khỏi sự phụ thuộc vào bảo hiểm y tế

VNTB – Ngành y tế cần thoát khỏi sự phụ thuộc vào bảo hiểm y tế

Phạm Lê Đoan

(VNTB) – Bảo hiểm y tế là nỗi ám ảnh của các bác sĩ

 

Bà bộ trưởng Y tế hiện nay xuất thân là một quan chức chuyên trách mảng bảo hiểm xã hội…

Nay nếu bà thực sự không vì những lấn cấn của chức trách cũ lúc còn là quan chức của Vụ Bảo hiểm xã hội, thì nay trước hàng loạt vụ án trong ngành y tế, cho thấy bà đã đủ quyền lực để giúp giải quyết một nan đề lâu nay của các giám đốc bệnh viện công lập: thoát khỏi sự phụ thuộc vào bảo hiểm y tế.

Cựu tổng biên tập của một tờ báo thuộc Bộ Y tế dưới thời bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, có ý kiến về chuyện cần sự độc lập trong chữa trị chuyên môn. Theo đó, “bảo hiểm y tế của chúng ta thu đã thu thấp, vì mức lương của ta thấp. Bảo hiểm y tế lại luôn sợ vỡ quỹ, muốn kết toán dư thì giá khám chữa bệnh thấp, thu không bù chi, thuốc phải dùng giá rẻ và tắc thầu dẫn đến khan hiếm chỉ là hậu quả”.

Theo vị bác sĩ danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” từng là tổng biên tập này, thì bảo hiểm y tế là nỗi ám ảnh của các bác sĩ, trong khi nhiệm vụ của các bác sĩ là toàn tâm toàn ý chữa bệnh cứu người, thế nhưng họ cứ phải lo thêm chuyện bảo hiểm y tế không thanh toán thì không chỉ mệt mỏi mà còn có thể đối mặt với những ngờ vực của vi phạm pháp luật hình sự. Bác sĩ mệt thì sao bệnh nhân mau bình phục được là điều dễ hiểu.

“Để giải quyết tận gốc, để thoát khỏi tình trạng bất hợp lý khiến ngành y tế cứ như con tàu đi giữa đại dương mà không có la bàn, theo tôi phải giải quyết được mâu thuẫn giữa bảo hiểm y tế và ngành y tế, phải giải quyết được mâu thuẫn giữa y tế thị trường và bao cấp xã hội chủ nghĩa. Còn nếu không thì ngành y tế ngày càng xuống cấp về mọi mặt, và hậu quả là nhân dân gánh chịu.

Trước hết là không nên để cơ quan bảo hiểm xã hội đứng độc lập như hiện nay, mà nhập vào Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sẽ giảm được rất nhiều biên chế và đúng hơn . Bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm y tế phải coi là trụ cột của an sinh. Từ đó giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tính đúng tính đủ.

Thuốc và vật tư y tế là thuốc tốt giá cả hợp lý, chứ không phải thuốc được coi là “giá rẻ” kiểu như lâu nay. Thuốc tốt, thầy thuốc toàn tâm phục vụ bệnh nhân, người bệnh sẽ mau bình phục, rút ngắn thời gian nằm viện, thì đây chính là tiền tiết kiệm vô hình.

Còn như tình trạng hiện nay, thuốc và vật tư y tế thiếu bắt buộc bệnh nhân phải mua ở ngoài với giá trên trời, chất lượng chưa chắc đã đảm bảo, biến bệnh viện thành cái chợ, góp phần làm hỏng thầy thuốc. Mà tiền của dân thì cũng là tiền, trong trường hợp này không nên phân biệt tiền của dân và tiền nhà nước. Tiền ngân sách cũng là của dân, dân có giàu thì nước mới mạnh.

Vậy tiền lấy ở đâu, dĩ nhiên nếu bảo hiểm y tế bội chi thì tiền ngân sách bù vào. Nếu tính kỹ so với cứ để như hiện nay thì kể cả về mặt kinh tế, ta vẫn thấy có lợi hơn. Ngay cả những nước có mức lương và bảo hiểm y tế cao như Pháp, thì mỗi năm nhà nước vẫn phải bù vào 18 tỷ euro mới đủ chi.

Chỉ có thể thể giải quyết được vấn nạn thiếu thuốc và vật tư y tế hiện nay bằng bước đi đầu tiên là giải quyết được vấn đề bảo hiểm y tế”, vị bác sĩ từng là tổng biên tập, ý kiến rất rạch ròi.

Bức tranh y tế ở trên có lẽ cần bổ sung thêm thế này, đó là đến chính người nghèo khi đi bệnh viện cũng không muốn/ dám dùng đồ rẻ theo danh mục bắt buộc của phía bảo hiểm y tế đưa ra để chữa bệnh, nên thường đề nghị bác sĩ dùng thuốc tốt để mau khỏi bệnh, chứ chả ai bảo bác sĩ dùng thuốc rẻ tiền hay đồ rẻ tiền cho mình!

“Một bác sĩ đầu ngành nói với tôi: bạn cứ ra hiệu thuốc tư nhân sẽ thấy thuốc nội giá chỉ bằng 1/2 thuốc biệt dược cùng loại và hiệu quả điều trị thế nào chỉ bác sĩ chuyên khoa đó mới hiểu. Trong khi hiệu quả điều trị thấp không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế vì dùng kéo dài, nằm viện lâu, bao chi phí kèm theo, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Vậy mà để cho những người không chuyên môn phán xét đắt rẻ và hiệu quả điều trị thì thật là…”, một nhà báo chuyên trách y tế, góp chuyện.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)