Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đi tu muốn “ăn mặn”

Mai Lan

 

(VNTB) – Nếu vị xuất gia nào phạm giới dâm dục thì bị trục xuất khỏi tăng đoàn nhà Phật.

 

Trong nhiều chương trình Pháp thoại, người ta thường hay nghe thuyết giảng, rằng có thể trú xứ tu không tiến nhưng đời sống lại tiện nghi, mọi thứ đều thuận lợi, ngoại hộ luôn sung mãn, Đức Phật cũng dạy buông bỏ, đừng luyến tiếc.

Trong thực tế, xu hướng này đang là nơi tìm về của một bộ phận người tu, nhất là những người xuất gia được gọi là trẻ, tham gia vào bộ máy hành chính quản trị của tổ chức tôn giáo tại địa phương đó.

Người tu học hạnh du hành nên thường thay đổi chỗ tu học và hoằng pháp. Hướng đến trú xứ nào, để tìm kiếm điều gì thì trong Kinh Trung A-hàm, phẩm Lâm, kinh Lâm, Đức Phật đã chỉ rõ. Nơi ấy phải giúp ích cho sự tiến tu: “Không có chánh niệm sẽ được chánh niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết-bàn”.

Người tu cần chọn những nơi cả thân và tâm đều lợi ích, đời sống thuận lợi và nội tâm thì chuyển hóa được phiền não. Ngay cả khi về mặt đời sống có đôi chút khó khăn mà tu tập có tiến bộ thì hãy bám trụ nơi này. Cụ thể như tu ở chốn núi rừng hiu quạnh thì tứ vật dụng khó mà đủ đầy, nhưng nếu có thầy sáng và bạn tốt, có pháp để tu tiến thì quyết không bỏ.

Nhân vụ việc tu sĩ Thích Minh Pháp, trụ trì chùa Biện Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc vừa bị rút khỏi danh sách đề nghị tấn phong giáo phẩm Thượng tọa, tạm thời đình chỉ chức vụ trụ trì chùa Biện Sơn, biệt chúng sám hối theo luật trong 6 tháng, với lý do “tà dâm”, cho thấy tuy điều này là cá biệt, nhưng cần phải thẳng thắn không nên tránh né, là tính dục đồng giới không còn là vấn đề của xã hội mà còn là vấn đề của tổ chức tôn giáo, và của những tu sĩ có mối liên hệ trong khía cạnh này.

Sở dĩ nhấn mạnh như trên vì khi nói đến tính dục, đặc biệt là trong đời sống tu trì, người ta thường nghĩ đó là điều tội lỗi, là điều cấm kỵ không nên nói ra.

Giáo lý nhà Phật cho rằng ái dục là một trong mười hai mắt xích nhân duyên quan trọng trói buộc chúng sinh trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Vì vậy, đối với người xuất gia tầm cầu sự giải thoát, giới luật nhà Phật hoàn toàn cấm các tu sĩ quan hệ tình dục dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả quan hệ tình dục đồng tính. Nếu vị xuất gia nào phạm giới dâm dục thì bị trục xuất khỏi tăng đoàn nhà Phật.

Tuy nhiên, giới luật nhà Phật không hề cấm người tại gia quan hệ tình dục. Nhà Phật chỉ khuyên răn họ nên giữ gìn giới tà dâm tức không quan hệ chăn gối với người không phải là vợ hay chồng của mình, không quan hệ tình dục với trẻ em vị thành niên, không cưỡng dâm, không quan hệ với người cùng huyết thống và không loạn luân, một trong năm giới dành cho người Phật tử tại gia, để đảm bảo hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.

Dưới góc nhìn của nhà Phật, giới tính có thể thay đổi từ đời này sang đời khác theo thuyết luân hồi. Một số Phật tử quan niệm rằng đồng tính là kết quả của giới tính kiếp trước thể hiện trong đời sống hiện tại và vì nghiệp báo mà người nam trở thành người nữ và ngược lại…

Những sự biến đổi như thế không ảnh hưởng đến việc người đồng tính rèn luyện về nhân cách sống để hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ.

Như vậy với vụ việc phạm giới dâm dục của vị tu sĩ Thích Minh Pháp, trụ trì chùa Biện Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc, cho thấy việc khủng hoảng tình dục trong giới tu sĩ là điều cần ghi nhận để có hướng xử trí phù hợp. Bởi giới hạnh là cốt tủy của nếp sống người tu. Đó là điều bất biến để nhận diện người tu trong dòng đời vạn biến.


Tin bài liên quan:

VNTB – Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông: nguy cơ về những F0 ‘lang thang’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tu sĩ Phật giáo có cần phải phụ thuộc tổ chức tự, viện?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Thầy cô giáo trở thành con rối của lãnh đạo?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo