Hồng Dân
(VNTB) – Vì yếu tố “chủ nghĩa xã hội” trong ‘slogan’ “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, yêu cầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có trách nhiệm về “định hướng chính trị” đó trong Phật giáo Việt Nam.
Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi rằng: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế và tuân thủ Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Trong phát biểu mới đây của ngài tân Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam – hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã nhắc lại lập luận: “Phương châm hành động của Giáo hội là yếu tố quan trọng, để tăng cường sự gắn bó với dân tộc với đất nước. Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn luôn cổ vũ Tăng, Ni, Phật tử chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, luật pháp của Nhà nước, hưởng ứng, tham gia tích cực các công tác ở địa phương, các phong trào hành động cách mạng do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhất là các phong trào từ thiện xã hội, góp phần ngày càng có hiệu quả hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đường hướng hành đạo mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam với phương châm“Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” ngày càng thể hiện tính đúng đắn và hiệu quả, nó không chỉ là sự hun đúc, hội tụ truyền thống gắn bó đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam suốt hàng ngàn năm qua, mà còn là sự tiếp nối và kế thừa mạng mạch Phật pháp, phát huy tư tưởng nhân văn sâu sắc của Phật giáo, đồng thời cũng tạo nên những nét đặc thù mang đậm bản sắc rất riêng và độc đáo, đó là Phật giáo của dân tộc Việt Nam”.
Nếu đúng theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” thì rất cần ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ban hành một nghị quyết của Đảng về chấn chỉnh yếu tố “Chủ nghĩa xã hội” ở tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ở vụ việc mang màu sắc ‘kinh doanh tâm linh’ ở một số tự viện cho thấy người đứng đầu Đảng đã ứng xử quá chậm khiến “định hướng chính trị về chủ nghĩa xã hội” trong tổ chức Phật giáo bị lũng đoạn, gây điều tiếng khiến người dân suy giảm lòng tin vào thể chế.
Một lưu ý, trong lịch sử nhà nước Việt Nam, thường Phật giáo hưng thì đất nước hưng, lụn bại thì đất nước suy thoái. Cho nên triều đại nào cũng rất quan tâm đến việc chấn hưng Phật giáo. Thời vua Lê Thái Tổ: Tháng 6, mở cuộc thi các thầy tăng, những người không đậu phải hoàn tục: “Mùa hạ, tháng 6, ngày mồng 10 (11/7/1429), ra lệnh chỉ cho các tăng đạo, người nào thông kinh điển, trong sạch, giữ tiết hạnh, hẹn đến ngày 20 (21/7/1429) tháng này tới sảnh đường trình diện, để xét duyệt cho thi, ai đỗ thì cho làm tăng đạo, ai không đỗ thì bắt hoàn tục. (trích Bản ký toàn thư, quyển 10 – Hồ Bạch Thảo, trang 67).
“Vua Quang Trung thấy làng nào cũng có chùa chiền mà những người đi tu thì ngu dốt, không mấy người đạt được cái đạo cao sâu của Phật, chỉ mượn tiếng thần thánh mà đánh lừa kẻ ngu dân, ngài xuống chiếu bắt bỏ các chùa nhỏ ở các làng, đem gỗ gạch làm mỗi phủ huyện một cái chùa rất to, rất đẹp, rồi chọn lấy những tăng nhân có học thức, có đạo đức ở coi chùa, thờ Phật. Còn những người không xứng đáng thì bắt về làm ăn. Ý vua Quang Trung muốn rằng chỗ thờ Phật phải tôn nghiêm, mà những người tu hành thì phải chân tu, mộ đạo mới được. Những việc cải cách đó rất có ý nghĩa” – trích Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim.
Người viết cho rằng dịp nhìn lại một năm sắp đi qua, Đảng cầm quyền mà cụ thể là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần thực hiện một cuộc chấn hưng về tôn giáo. Trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam cũng đã có lúc thịnh lúc suy, cũng bao lần pháp nạn. Những lúc suy vi như thế, Phật giáo Việt Nam luôn ra đời một cuộc chấn hưng. Trong đó, cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20 (bắt đầu từ năm 1920 đến thập niên 1950) được xem là lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo từ chỗ là quốc giáo của Việt Nam đã trở nên suy yếu, kéo theo nhiều hệ lụy như: tăng đồ làm điều trái giáo lý nhà Phật, mê tín tràn ngập chùa chiền… Trước tình cảnh lúc đó, các vị chân tu đã bước ra khỏi chùa để thực hiện một cuộc chấn hưng đạo pháp, cứu vãn Phật giáo nước nhà…
Nay với yếu tố của phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, thì trách nhiệm “chấn hưng” còn thuộc về Tổng bí thư Đảng mà Điều 4, Hiến pháp đã trao cho ông quyền lực tối cao này.
Chấn hưng, chứ không phải là chấn chỉnh!