VNTB – Điều luật hình sự 331 và quyền tự do ngôn luận: nhìn từ Canada

VNTB – Điều luật hình sự 331 và quyền tự do ngôn luận: nhìn từ Canada

Cát Tường

 

(VNTB) – Mặc dù pháp luật ở hai quốc gia có quy định cụ thể khác nhau nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ Canada để hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật trong nước về quyền tự do ngôn luận

 

Nhà chức trách luôn tuyên bố: Điều 331 Bộ luật hình sự Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế cũng như yêu cầu thực tiễn để điều chỉnh các quan hệ xã hội của Việt Nam.

Điều luật hình sự số 331 quy định rằng người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Một báo cáo khoa học của tác giả Phạm Thị Bắc Hà, Khoa Pháp luật Quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội, đưa ra khuyến cáo, rằng, “Mặc dù pháp luật ở hai quốc gia có quy định cụ thể khác nhau nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ Canada để hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật trong nước về quyền tự do ngôn luận”.

Rộng đường dư luận, xin được trích giới thiệu về báo cáo khoa học này.

Cơ sở pháp lý ghi nhận quyền tự do ngôn luận ở Canada

Canada là thành viên của một số văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận quyền tự do ngôn luận, bao gồm: Công ước về quyền dân sự và chính trị (Điều 10), Công ước về quyền trẻ em (Điều 13), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (Điều 5 (d) (viii)) Công ước về quyền của người khuyết tật (Điều 21), Tuyên bố châu Mỹ về các quyền và nghĩa vụ của con người (Điều IV).

Với sự tôn trọng các quyền tự do của con người, pháp luật Canada đã ghi nhận và quy định ngay tại Phần I của Hiến pháp năm 1982 – Hiến chương về các quyền và tự do, đồng thời ghi nhận trong mục 1 (d) và (f) Dự luật Nhân quyền của Canada.

Với ý nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thống tôn giáo đối với xã hội Canada cũng như nhân phẩm và giá trị con người, Hiến chương của Canada về các quyền và tự do bao gồm 34 mục với lời mở đầu “Canada được thành lập dựa trên những nguyên tắc công nhận sức mạnh tối cao của Chúa và quy tắc của Pháp luật”.

Mục 2 của Hiến chương đã ghi nhận 4 nhóm quyền tự do, trong đó quyền tự do ngôn luận được khẳng định tại mục (b): “mọi người đều có các quyền tự do cơ bản” bao gồm “tự do tư tưởng, niềm tin, quan điểm và ngôn luận, bao gồm cả quyền tự do báo chí và các phương tiện truyền thông khác”.

Với một quốc gia theo hệ thống pháp luật Common có sự pha trộn với Civil law và có mô hình cơ quan bảo vệ Hiến pháp là Tòa án tối cao như Canada thì các quyền và tự do được ghi nhận trong Hiến pháp đồng thời đã được Tòa án Tối cao Canada giải thích thông qua các án lệ của mình.

Từ giải thích của Tòa án tối cao trong các vụ việc thực tế, mục đích của việc ghi nhận quyền tự do ngôn luận ở Canada được làm rõ. Theo đó, việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận được đặt ra dựa trên các nguyên tắc và giá trị cơ bản thúc đẩy tìm kiếm và tìm ra sự thật, thúc đẩy tham gia vào việc đưa ra các quyết định chính trị xã hội và là cơ hội để mỗi cá nhân tự thực hiện đầy đủ quyền của mình thông qua tự do ngôn luận.

Tòa án Tối cao Canada đã khẳng định mối liên hệ giữa quyền tự do ngôn luận với tiến trình chính trị là mấu chốt của mục 2 (b). Trên hết, tự do ngôn luận được đánh giá là công cụ quản lý dân chủ. Ngoài ra, với sự bảo vệ của Hiến pháp, quyền tự do ngôn luận ở Canada hướng đến việc khuyến khích tìm kiếm sự thật thông qua trao đổi ý kiến cởi mở và thúc đẩy cá nhân tự thực hiện đầy đủ quyền để từ đó trực tiếp gắn kết tự do với phẩm giá con người.

Tự do ngôn luận được bảo vệ nếu nó không đe dọa bạo lực

Ở Canada, quyền tự do ngôn luận cũng bảo vệ quyền không thể hiện ngôn luận của mỗi cá nhân.

“Tự do ngôn luận còn bao gồm quyền không nói gì hoặc quyền không nói những điều nhất định. Bản thân sự im lặng cũng là một hình thức biểu đạt mà trong một số trường hợp có thể diễn tả điều gì đó rõ hơn cả ngôn từ”. Do đó, các hình thức bắt buộc hay cưỡng ép trong trường hợp này có thể tạo ra sự hạn chế của mục 2 (b).

Tuy vậy, trong tình huống cụ thể, Tòa phúc thẩm Ontario đã khẳng định yêu cầu đọc lời thề với Nữ hoàng tại các nghi lễ công dân không vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Ngược lại, các yêu cầu pháp lý về việc phải nộp hay báo cáo thông tin có thể dẫn đến sự hạn chế quyền tự do ngôn luận bởi việc không tuân thủ những yêu cầu này bị trừng phạt với hình thức phạt tiền hay phạt tù.

Hành vi tuân thủ pháp luật không đồng nghĩa với việc buộc phải bày tỏ sự ủng hộ đối với luật pháp, minh chứng như nghĩa vụ phải nộp thuế cho Chính phủ sử dụng để cấp kinh phí cho các sáng kiến lập pháp (như trợ cấp công cộng cho các ứng cử viên trong cuộc bầu cử để trang trải chi phí cho chiến dịch của họ), không đồng nghĩa với việc thể hiện sự ủng hộ đối với các sáng kiến đó.

Theo đó, nội dung ngôn luận không cần phải được tiếp nhận và hiểu một cách chủ quan mới được bảo vệ theo Điều 2 (b).

Như vậy, Tòa án tối cao Canada đã giải thích quyền tự do ngôn luận “theo nghĩa rộng”. Theo các giáo sư luật Hiến pháp Kent Roach và David Schneerman, “cách tiếp cận có mục đích và định hướng “rộng và tự do” của Tòa án tối cao đối với sự bảo vệ của Hiến pháp để chắc chắn rằng tất cả phương thức biểu đạt đủ điều kiện đều được sự bảo vệ của Hiến pháp”.

Nhờ cách tiếp cận và giải thích rõ ràng đối với mục 2 (b), các tòa án Canada thường “dễ dàng xác định vi phạm” trong các vụ việc thực tế.

Để xác định biểu đạt cụ thể ở mỗi vụ việc có là đối tượng được bảo vệ theo mục 2 (b) Hiến chương hay không, bên cạnh nội dung thì Tòa án tối cao còn xem xét cả phương thức và địa điểm biểu đạt ngôn luận.

Theo đó, nếu phương thức hay địa điểm biểu đạt mâu thuẫn với các giá trị mục 2 (b) Hiến chương mang đến (bao gồm tự thực hiện, đàm thoại dân chủ và tìm kiếm sự thật) thì không được bảo vệ theo mục 2 (b).

Về phương thức biểu đạt ngôn luận, các phương thức được sử dụng để truyền tải một thông điệp hay chỉ một phần hoặc từng phần của thông điệp đều được mục 2 (b) bảo vệ.

Tuy nhiên, Hiến chương không bảo vệ các phương thức ngôn luận mang dạng thức bạo lực “cho dù có ý nghĩa bạo lực thể chất hay không thì cũng sẽ không được bảo vệ theo mục 2 (b)”. Tức là các phương thức biểu đạt ngôn luận bạo lực hay đe dọa bạo lực nằm ngoài phạm vi bảo vệ của mục 2 (b).

Minh chứng điển hình như phát ngôn chất vấn. Chất vấn có thể là đối tượng bảo vệ của mục 2 (b) hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tình huống thực tế căn cứ vào phân tích các quy định ở mục 1 và mục 2 (b) Hiến chương.

Theo đó, nếu chất vấn công khai với bài phát biểu công cộng bao hàm các mối đe dọa thực sự hoặc sử dụng ngôn từ kích động thù địch có thể vi phạm Bộ luật Hình sự Canada bao gồm cả các quy định về tội phạm thù địch.

Tương tự, khi bài phát biểu diễn ra trong một không gian công cộng và các phát ngôn ồn ào như “la hét, hò hét, chửi rủa, hát hò hoặc sử dụng ngôn ngữ xúc phạm hoặc tục tĩu” có thể cấu thành vi phạm tại mục 175 (1) Bộ luật Hình sự về tội phá rối. Như vậy, hầu hết các phương thức ngôn luận đều được mục 2 (b) bảo vệ trừ khi nó mang dạng thức bạo lực hay đe dọa bạo lực. Theo đó, trên thực tế, việc xem xét ngoại lệ tập trung chủ yếu vào phân tích địa điểm biểu đạt ngôn luận.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Việt Nam nên đưa ra tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định các trường hợp ngoại lệ của việc thực hiện quyền tự do ngôn luận ngay trong quy định của Hiến pháp, hoặc trong một văn bản hướng dẫn của Chính phủ.

Cũng giống như Canada, pháp luật Việt Nam khi ghi nhận quyền tự do ngôn luận đồng thời cũng xác lập giới hạn của việc thực hiện quyền với tinh thần là “theo quy định của pháp luật” ngay trong Hiến pháp của quốc gia.

Tuy nhiên, hình thức thiết lập giới hạn quyền tự do ngôn luận ở Canada và Việt Nam có điểm khác biệt. Theo đó, Canada ghi nhận giới hạn quyền này ngay trong Điều 1 Hiến chương với các tiêu chí cụ thể, bao gồm tính “hợp lý”, “được quy định trong luật” và “được minh chứng rõ ràng trong đời sống xã hội và dân chủ”.

Đối với Việt Nam – là một nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được “tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”, Điều 25 Hiến pháp 2013 khi ghi nhận quyền tự do ngôn luận cũng khẳng định “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Như vậy, Hiến pháp năm 2013 chưa đưa ra được tiêu chí rõ ràng để xác lập giới hạn mà phải thông qua các quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau (như Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016,…) và điều này dẫn đến sự phức tạp với công dân khi muốn đánh giá nhanh một hành động của Chính phủ có ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của mình hay không.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 1 year

    Chắc 5 chục năm trước, ai mà viết bài này sẽ bị coi là dở hơi . Tới bây giờ thì vừa dở hơi lại vừa không hợp thời

    Đảng không nên đi vào vết xe đổ của Ngụy . Không ít người đã phải thốt lên rằng Đảng mà dễ dàng như Ngụy thì đã bay đầu từ lâu

    Keep up the good work, Đảng ui . Đừng bao giờ mất cảnh giác