Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Hiện nay, trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước – mới nhất là dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII, đều xác định “Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, “Nước ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tuy nhiên sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa là như thế nào, lại đang còn không ít những ý kiến khác nhau cả về lý luận và thực tiễn.
“Trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân” – trích Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bế mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (1).
Yêu cầu “cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa” mà ông Nguyễn Phú Trọng khuyến cáo, thực chất là sẽ như thế nào, khi trên thực tế việc gọi là “định hướng” vẫn chưa rõ “hướng” để có thể “định” trong bối cảnh tương thích với những thỏa thuận về các Hiệp định Thương mại song phương/ đa phương mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.
Trong một thời gian dài trước đây, nếu như có ai đó dám lên tiếng rằng các cấp lãnh đạo Đảng ở Việt Nam và cả các nước xã hội chủ nghĩa khác, đã có quan niệm chủ nghĩa xã hội sai lệch, giáo điều, đã có nhận thức không đúng về bản chất của kinh tế thị trường, cơ chế thị trường và mối quan hệ với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa,… thì có lẽ người đó đã bị chụp chiếc mũ chính trị với những tội danh hình sự mức án hàng chục năm tù.
Nếu như thời gian dài trước đây, có ai đó dám cho rằng việc tuyên truyền sau đây là hết sức phản khoa học: “Kinh tế thị trường là sản phẩm đặc trưng bản chất của chủ nghĩa tư bản, phát triển kinh tế thị trường là phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa; kinh tế thị trường không dung hợp với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Cơ chế phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa phải là cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp cao độ”,… thì có lẽ người ấy không được luôn cả diễm phúc hầu tòa vì đã quá đỗi ‘phản động’.
Thế rồi khi ghế tổng bí thư thay đổi, người ta lại thấy những sự việc như từng được gọi là “phản động” ở trên, lại là một sự thật khách quan.
Vậy là, người ta bắt đầu bắt gặp những bài báo tung hô, đại để như sau:
Đến Đại hội VIII, Đảng ta đã nêu rõ: “Sản xuất hàng hoá không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng” (2).
Đến Đại hội IX, Đảng ta đã tiến lên một bước cao hơn, khẳng định: “Mô hình kinh tế tổng quát của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (3), và nêu rõ những đặc trưng cụ thể của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến Đại hội X, Đảng ta đã chỉ rõ hơn bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Kinh tế thị trường là sản phẩm của nền văn minh nhân loại phát triển tới trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản, nhưng tự nó không đồng nghĩa với tư bản chủ nghĩa”.
Từ những diễn biến qua thời cuộc của tầm nhìn lãnh đạo như ở trên, có thể thấy rằng việc sử dụng cụm từ “cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa” là chưa chuẩn xác cả về lý luận và thực tiễn. Nhận thức phải chú trọng về một con đường trong khi con đường đó còn “chưa có tiền lệ”, chưa hình thành, còn đang khai phá, rất dễ rơi vào giáo điều, chủ quan, duy ý chí.
Những bài học của quá khứ về xác định con đường và mô hình quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn nguyên giá trị.
Có lẽ ở đây, trong diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng bí thư – Chủ tịch nước nên thêm dòng thế này ở đoạn trích đã nêu phần đầu bài viết:
“Trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Và dù thế nào đi nữa, thì điều cốt tử là phải luôn luôn quán triệt phương châm của Bác Hồ “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.
______________
Chú thích:
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005, trang 481.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005, trang 459.