VNTB – Làm ăn từ rác

VNTB – Làm ăn từ  rác

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Hiện tại thì việc mua bán ‘đường dây rác’ vẫn tiếp tục không công khai, còn đối với giới thu gom rác thì đã thành lệ, và có ‘ba-rem’ để từ đó mà thỏa thuận, không được phá giá. 

Nghị trường Quốc hội vừa bàn về vụ rác thải ở các gia đình sẽ được thu tiền gom rác qua cân ký lô, hoặc nhìn từ kích thước khối rác thải ấy lớn nhỏ ra sao.

Dường như mấy quan chức nơi nghị trường quên hỏi thăm dàn trợ lý, là lâu nay phía gom rác, vận chuyển rác có than phiền gì về vụ chi phí thu vài mươi ngàn bạc đó từ mấy nhà dân bỏ rác, để qua đó họ có thể ban hành những mệnh lệnh hành chánh với liều lượng thích hợp cho các bên liên quan.

“Bình quân mỗi ngày, riêng tiền ve chai thu được từ việc phân loại rác cũng mấy trăm ngàn đồng, dù ít nhưng góp lại cuối tháng cũng được kha khá. Đây là công việc chính của gia đình tôi từ nhiều năm nay” – một công nhân ở ‘đường dây rác’ tại Sài Gòn kể.

Ở Sài Gòn thì quận nào cũng có công ty dịch vụ công ích để xử lý về rác thải. Bên dưới những công ty này là các ‘đường dây gom rác’ với tên gọi là ‘rác dân lập’.

“Năm 2012, tôi đã mua đường dây rác với trên 700 hộ, giá gần 1 tỉ đồng, nay thì giá chuyển nhượng tăng lên nhiều rồi”. Một ông chủ ‘rác dân lập’ kể. Mỗi nhà dân bỏ rác sẽ đóng hàng tháng trước đây là 30 ngàn đồng, và hai năm trở lại đây tăng lên 60 ngàn đồng. Đi thu tiền là một nhân viên của chính quyền phường, và tờ hóa đơn thu bé xíu thì do công ty dịch vụ công ích ở quận phát hành.

Lâu nay trong thế giới thu gom rác ở Sài Gòn luôn phức tạp. Một số gia đình hoạt động nghề này đã hàng chục năm, từ việc cha mẹ tạo dựng rồi truyền lại như một gia tài. Cũng không ít người mua lại ‘đường dây rác’ từ người khác với giá khá cao, và phải có chút số má giang hồ lắm mới giữ được, nếu không thì sẽ bị ép phải buông.

Xóm Sở Thùng ở phường 11, quận Bình Thạnh từng ‘danh trấn thiên hạ’ một thời về rác, là một đơn cử. Tác giả viết bài này từng có mối tình thuở học trò với cô bạn là dân xóm Sở Thùng. Theo lời kể của gia đình cô bạn V.T.K.Th., vùng đất này trước năm 1975 là bô rác khổng lồ, nơi tập trung rác thải của Sài Gòn.

Từ con đường Phan Văn Trị chạy dọc xuống mé rạch Lăng là cả một bãi rác thênh thang nằm chung với mồ mả. Những tay giang hồ ở Sở Thùng thời đó rất anh hùng khí khái. Không có cảnh cướp bóc, giật dọc hay ăn hiếp người khác, mà đều là giang hồ hảo hán tranh hùng. Ông Năm Dây ở xóm Sở Thùng từng được xem là trùm của những ông trùm rác đất Sài Gòn.

Dĩ nhiên là xóm Sở Thùng hồi đó cũng đầy mấy ông Việt cộng ‘nằm vùng’…

Hiện tại thì việc mua bán ‘đường dây rác’ vẫn tiếp tục không công khai, còn đối với giới thu gom rác thì đã thành lệ, và có ‘ba-rem’ để từ đó mà thỏa thuận, không được phá giá. Cụ thể, đường dây rác mỗi tháng thu được khoảng 50 triệu đồng sẽ sang nhượng giấy tay với giá từ 2 tỉ đến 2,2 tỉ đồng, tùy thuộc vào từng khu vực, càng gần quận trung tâm thì giá càng cao.

Để định giá một ‘đường dây  rác’ bao nhiêu tiền, chủ đường dây thường dựa theo cách tính: số tiền thu trong 1 tháng nhân với 30 tháng. Trong 2 tháng đầu tiên, người muốn mua ‘đường dây rác’ sẽ cùng với chủ hiện tại đi thu tiền rác để tính số tiền bình quân hằng tháng bao nhiêu làm cơ sở thương lượng. Sau khi sang nhượng, nếu chưa có thùng xe thu gom rác, hoặc thùng hư thì chủ mới phải bỏ tiền để đóng…

Giả dụ sắp tới đây lệnh trên ban xuống về việc tăng giá thu gom rác thải, chắc chắn các ‘đường dây rác’ sẽ lại thay đổi ‘giá sang tay’, và tỷ lệ hoa hồng giữa các bên liên quan cũng sẽ được tính toán lại. Chỉ có mỗi túi tiền của từng gia đình người dân lao động là teo tóp thêm chút nữa, vì thường nhà nghèo lại nhiều rác hơn nhà giàu – bởi chỉ mới xét chuyện bữa cơm gia đình thôi, nhà giàu vốn thường nay tiệc nhà hàng này, mai nhà hàng kia thì nhà họ có bao nhiêu rác để mà đổ mỗi ngày…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Người ta nước giàu, an sinh xã hội đảm bảo thì còn khả thi. Giờ lo thu tiền rác theo ký, theo bịch thì họ quăng hết rác ra đường nhà nước làm gì được họ?