Một bài phân tích kinh tế trên báo Lao Động mới đây đã lột mặt nạ của cái gọi là “Việt Nam luôn tự hào về xuất nhập khẩu”, với kim ngạch xuất nhập khẩu trên 100 tỉ USD trong 3 năm trở lại đây:
“Năm 2014, VN xuất siêu 2.4 tỉ USD, năm 2016, xuất siêu 2.7 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, “thành tích” xuất siêu đều thuộc về khối doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Ngược lại, doanh nghiệp trong nước (hay còn gọi là khối nội) liên tiếp nhập siêu với con số khổng lồ, cho thấy ngày càng tụt hậu.
Kết thúc năm 2016, khối doanh nghiệp FDI đã chiếm đến 71.6% với 125.9 tỉ USD trong tổng số kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Nhờ xuất khẩu vượt trội, FDI luôn tạo ra vẻ đẹp hào nhoáng bề ngoài cho cán cân thương mại của Việt Nam, rằng đang được cải thiện từ chỗ nhập siêu trầm trọng nay đã thu hẹp thâm hụt, trở nên xuất siêu. Song nếu nhìn vào thực trạng cán cân xuất nhập khẩu cả nước 3 năm gần đây sẽ nhận thấy: Năm 2014: cả nước xuất siêu 2.4 tỉ USD thì khối nội nhập siêu lên tới 14.6 tỉ USD, trong khi khối FDI xuất siêu… 17 tỉ USD. Năm 2015: cả nước nhập siêu 3,5 tỉ USD, thì khối ngoại vẫn dẫn dắt thị trường, khối nội trong khi nhập siêu tới 20.6 tỉ USD, thì khối ngoại vẫn xuất siêu đều đặn 17.1 tỉ USD. Năm 2016, cả nước xuất siêu 2.7 tỉ USD, chủ yếu là do khối ngoại xuất siêu 23.7 tỉ USD kéo theo cán cân thương mại dương, chứ nếu chỉ trông vào doanh nghiệp trong nước thì nhập siêu đã lên tới… 21 tỉ USD”.
Vậy doanh nghiệp Việt Nam nhập siêu từ đâu?
“Thủ phạm” chính là Trung cộng mà giới lãnh đạo Việt đã tình nguyện trở thành “thân Tàu”.
Nếu lấy mốc từ năm 2001 theo một thống kê của Việt Nam, thì từ năm đó đến nay, Việt Nam nhập siêu từ Trung cộng với quy mô không ngừng tăng qua các năm với tốc độ chóng mặt, từ 200 triệu đô la Mỹ năm 2001 lên hơn 30 tỉ đô la Mỹ năm 2015, tức tăng đến 150 lần. Cần lưu ý là tổng nhập siêu của Việt Nam từ các nước khác, sau khi đạt đỉnh 18 tỉ đô la Mỹ vào năm 2008, bắt đầu xu thế giảm xuống từ năm 2009 đến nay. Thậm chí năm 2012 và 2013 Việt Nam còn chuyển sang xuất siêu. Trong khi đó, nhập siêu từ Trung cộng thì không hề giảm, mà vẫn tiếp tục tăng mạnh. Đó là chưa kể khoảng 20 tỷ đô la nhập lậu hàng năm từ Trung cộng.
Hậu quả là cho đến nay, trong 110 nhóm hàng nhập từ Trung cộng, có rất nhiều sản phẩm là linh kiện đầu vào cho sản xuất, trang thiết bị cho dự án đầu tư đang triển khai của Việt Nam. Dù con số đó chỉ bằng 1% tổng xuất khẩu của Trung cộng, nhưng lại tương đương đến 28% tổng nhập khẩu của Việt Nam.
Tình huống có thể xảy đến là nếu Trung cộng đột ngột ngừng xuất khẩu sang Việt Nam, thì sẽ gây ra tác động dây chuyền không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam. Một số doanh nghiệp dệt may còn tiết lộ là họ chỉ có thể cầm cự được vài ba tháng nếu thiếu nguồn nguyên liệu của Trung cộng.
Còn nếu lấy tỷ lệ hơn 70% trong kim ngạch xuất nhập khẩu của khối FDI làm hệ quy chiếu, thì có thể thấy rằng ngay cả thành tích “GDP tăng 6.5%” mà chính quyền Việt Nam tuyên rao đã có thể được cấu thành đến phân nửa hoặc hơn từ khối FDI.
Mà như vậy, cái gọi là “nội lực” của doanh nghiệp nhà nước, và cả doanh nghiệp tư nhân về thực chất vẫn còn rất yếu. Đó cũng là nguyên do để nhiều doanh nghiệp nội phải tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản trong những năm qua, khi nền kinh tế Việt Nam đang suy thoái đến năm thứ 9 liên tiếp.
Lê Dung / SBTN