Nguyễn Nam
(VNTB) – Nhiều nguồn tin từ Hà Nội cho biết, một số hội nhóm xã hội dân sự khi đi ủy lạo cho người dân đang chịu khó khăn vì mưu sinh đình trệ do dịch bệnh Covid-19, đã gặp phải sự cản trở của chính quyền, với lý do là cần quy về đầu mối Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.
Theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì các tổ chức hội, đoàn, tổ chức tôn giáo đều là thành viên đương nhiên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc về mặt hành chính theo yêu cầu “tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” ghi ở chương II của luật này.
Ai sẽ ‘chủ quản’ cho tổ chức xã hội dân sự?
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” – Điều 25, Hiến pháp 2013. Vế “các quyền này do pháp luật quy định” trong chuyện lập hội, tính đến hiện tại, đó là Nghị định 45/2010/NĐ-CP, Nghị định 33/2012/NĐ-CP, Thông tư 03/2014/TT-BNV, Thông tư 03/2013/TT-BNV, Thông tư 01/2011/TT-BTC, Quyết định 68/2010/QĐ-TTg.
“Muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập ban vận động thành lập hội. Ban vận động thành lập hội được cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận” – trích quy định tại điều 6.1, Nghị định 45/2010/NĐ-CP.
Như vậy cho thấy về nguyên tắc, tất cả hội đoàn ở Việt Nam đều có ‘chủ quản’ là cơ quan quản lý nhà nước, và nhân sự ngay từ lúc ban đầu của chuyện ngồi bàn việc lập hội đoàn dân sự, buộc phải được sự đồng ý của ‘chủ quản’. Hiểu nôm na, nếu chỉ là ‘quần chúng trơn’ thì không thể ‘tụ lại’ với nhau để thành lập các hội, đoàn.
Từ quan sát ở trên cho thấy Việt Nam tiếp tục trung thành việc độc quyền hội đoàn nghề nghiệp, hội đoàn dân sự bất chấp chuyện đã giao kết của hiệp định thương mại song phương lẫn đa phương, được gọi là ‘FTA thế hệ mới’.
Theo tiêu chí về phạm vi và nội dung cam kết thì có các loại FTA sau: FTA truyền thống, là các FTA được đàm phán, ký kết trong giai đoạn đầu, thường có phạm vi hẹp, mức độ tự do hóa hạn chế. FTA thế hệ mới, là các FTA được đàm phán, ký kết trong thời gian gần đây, có phạm vi rộng, mức độ tự do hóa mạnh.
Các quyền hiến định ở điều 25 đang cần hiểu và thực thi phù hợp với những FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết. Quyền tự do công đoàn, hay còn gọi là công đoàn độc lập, cũng nằm trong cách hiểu cập nhật đó.
Một lưu ý xin được nhấn rõ ở đây, sở dĩ đề cập hội đoàn xã hội dân sự trong bối cảnh hiện nay là muốn nói đến các thể chế xã hội được lập ra từ dưới lên, tức do người dân điều phối và ra quyết định, có thể có sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng quan trọng là việc ra các quyết định phải độc lập với nhà nước. Do cơ chế từ dưới lên, nên xã hội dân sự hơn hẳn trong việc sâu sát vào đời sống người dân, so với các hội đoàn do nhà nước lập ra qua đòi hỏi về ‘chủ quản’, vốn mang nặng yếu tố chính trị hơn là xã hội.
Bao cấp tư duy
Có thể lấy thí dụ về Hội nhà báo độc lập Việt Nam cho việc bàn luận về chuyện cần thiết chấm dứt độc quyền hội đoàn nghề nghiệp.
“Tổ chức, hoạt động của hội được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây: 1. Tự nguyện; tự quản; 2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; 3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động; 4. Không vì mục đích lợi nhuận; 5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội” – Điều 3. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội, Nghị định 45/2010/NĐ-CP.
Hội nhà báo độc lập Việt Nam được thành lập đúng theo 5 nguyên tắc kể trên. Tuy nhiên về mặt thủ tục hành chính, thì tổ chức hội này không cách gì đáp ứng yêu cầu “Muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập ban vận động thành lập hội. Ban vận động thành lập hội được cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận” như quy định tại điều 6.1, Nghị định 45/2010/NĐ-CP.
Kể từ sau tháng tư, 1975 ở miền Nam Việt Nam đã chấm dứt việc tư nhân được quyền làm báo, ngoại trừ nhật báo Tin Sáng được tiếp tục xuất bản đến 6 năm sau đó, ngày 29-6-1981, Tin Sáng được cho là ‘hoàn thành nhiệm vụ’. Chủ quản khi ấy của Tin Sáng là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố.
Tất cả những người làm báo, viết báo chỉ có thể tham gia vào một tổ chức duy nhất gọi là hội nghề nghiệp ở cấp địa phương và cấp trung ương, cùng có tên “Hội Nhà báo”. Chủ tịch Hội Nhà báo phải là người được cơ quan Đảng phân công. “Thẻ Nhà báo” là một giấy tờ hành chính thuộc độc quyền của Bộ Thông tin, giờ là Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cuối thập niên 80 thế kỷ trước, khi Việt Nam tuyên bố xóa sổ chế độ kinh tế bao cấp, với bước đầu là chính sách ‘giá – lương – tiền’ thất bại thảm hại mà sau này người ta gọi “giá – lương – tiền: cuộc cải cách xương máu trước đổi mới”, thì làng báo ở Sài Gòn bắt đầu râm ran ý kiến cần chấm dứt luôn xóa bỏ bao cấp trong tư duy quản lý báo chí.
Cụ thể, làng báo Sài Gòn thời gian đó vẫn còn rất nhiều ký giả hồi nào của tờ Tin Sáng đang tiếp tục làm nghề; như các tên tuổi Cung Văn, Trương Lộc, Trương Thọ, Triệu Bình, Võ Hàn Lam, Phùng Kim Vy, Hồ Nguyễn… về báo Sài Gòn Giải Phóng. Các cây bút Lý Quí Chung, Trần Trọng Thức, Võ Văn Điểm… về Tuổi Trẻ. Ký giả Huỳnh Thị Mỵ Cơ về báo Phụ Nữ. Ngô Công Đức và Hồ Ngọc Nhuận thì về công tác ở Mặt trận Tổ quốc thành phố và đảm trách thêm công việc ở Hội Nhà báo TP.HCM.
Khi ấy đã có ý kiến rằng tại sao không hình thành một hay nhiều tổ chức hội nghề nghiệp cho giới ký giả tự do – cụm từ quen thuộc ở làng báo Sài Gòn trước tháng tư, 1975.
Từ góc nhìn như trên, có thể thấy rằng Hội nhà báo độc lập Việt Nam đã mở đầu cho chuyện ‘bật que diêm’. Trong danh sách hội viên của hội này không ít nhà báo đang có “Thẻ Nhà báo” (hoặc ‘trả thẻ’) như Phạm Đình Trọng, Bùi Minh Quốc, Huỳnh Ngọc Chênh, Lê Phú Khải, Chu Vĩnh Hải, Cao Minh Tâm… Nhiều hội viên vẫn đang cộng tác với vài tòa soạn trong nước lẫn nước ngoài.
Hiểu theo nghĩa tích cực, từ căn cứ của những cam kết FTA, rất cần sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong vấn đề về quyền tự do lập hội, qua cụ thể những hoạt động hơn 5 năm qua của Hội nhà báo độc lập Việt Nam, thay vì tiếp tục nhìn tổ chức hội này bằng tư duy cũ kỹ như thời ‘hậu Tin Sáng’.