Trương Huy San
(VNTB) – “Bất nghĩa mà được giàu sang thì người trung thần, trung nghĩa không làm, huống chi lời đức tiên đế còn bên tai…”
Gần chín trăm năm trước, khi đất nước không mưa thuận gió hòa, các bậc thiên tử, thay vì đổ cho quần thần hay trời đất, lại trước hết, nghĩ tới lỗi của mình. Khâm Định Việt Sử viết:
Tháng 2 năm thứ hai hiệu Thiên Thuân (1129) không mưa, mãi tới tháng 3, vua thân cầu đảo, không nghiệm, nhân bảo thị thần rằng: “Trẫm tự nghĩ không đủ tài đức, nên trên phạm đến khí thiên hòa của trời; mùa xuân năm ngoái mưa dầm, mùa xuân năm nay đại hạn, trẫm rất lo. Các ngươi nên nghĩ xem những lỗi lầm của trẫm, để sửa lại.”
Viên ngoại lang là Trần Ngọc Khánh tâu: “… Hoặc giả chỗ hình ngục có việc oan việc lạm, cho nên thương đến hòa khí, xin bệ hạ nghĩ cho”. Vua lấy làm phải xuống chiếu tha cho các tội nhân trong thiên hạ. Đến tháng 4 được mưa…
Sau mấy năm không thấy đặc xá, ở năm đầu của Nhiệm kỳ, Chủ tich Nước Nguyễn Xuân Phúc đã cho khởi động lại. Dịch bệnh hành hoành tất nhiên là tại con covid đến từ Vũ Hán. Nhưng, ân sủng của người đứng đầu nhà nước nếu không thấu tận trời đất thì chắc chắn cũng sẽ lay động lòng người.
Chiếu theo lòng dân lúc này, Chủ tịch nước nên ân giảm từ hình phạt tử hình xuống chung thân ngay cho ít nhất là 4 bị án: Hồ Duy Hải, Đặng Văn Hiến và hai người con của cụ Lê Đình Kình (Lê Đình Công, Lê Đình Chức). Chuyện có oan sai hay không nên để các bên tiếp tục, trước mắt, nên giải thoát họ ra khỏi điều kiện giam cứu khắc nghiệt áp dụng cho các tử tù.
Ngoài những điều kiện ghi trong Quyết định ngày 30-6-2021 của Chủ tịch Nước, trong điều kiện dịch bệnh này, không nên giam giữ những người “không còn có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa”. Trừ những kẻ cướp, giết, buôn bán ma túy… những bị án lâm trọng bệnh, những bị án trên 65 tuổi với phụ nữ, trên 70 tuổi với đàn ông mà đã thụ án được 1/3 hoặc đã ở tù trên 5 năm thì cũng nên đưa vào diện đặc xá.
Cũng nên đặc xá tất cả những người chịu án tù có thời hạn trong vụ Đồng Tâm.
Tuy hai sự kiện rất khác nhau ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng không hiểu sao tôi lại rất muốn nhắc tới câu chuyện của năm 1140.
Năm ấy Thân Lợi chiêu tập bè đảng đến châu Thái Nguyên… chiếm châu Thượng Nguyên, châu Hạ Nông, tự xưng Bình Vương. Phải mấy năm sau, triều đình mới dẹp được. Đích thân Tô Hiến Thành bắt sống Thân Lợi đem về xử tội… Khâm Định Việt Sử viết:
… Hơn 400 người bị hiếp tùng (bị cưỡng ép phải phục tùng), đều phát vãng đi đày. Tháng 12 năm sau (1142), Tô Hiến Thành nói với vua (Lý Anh Tông) rằng: “Đảng Thân Lợi khởi loạn, giết nhiều quan quân, bệ hạ chỉ làm tội hai mươi người là rất nhân mực. Nhưng, vua Nghiêu, vua Thuấn truyền cho nhau hơn trăm năm mà chỉ đày có bốn kẻ dữ. Nay đày đến hàng trăm người, há có phải bản tâm của bệ hạ thế đâu; tôi xin tha, để cho người được khắp ơn trạch thì cái lòng nhân của bệ hạ hợp với Nghiêu Thuấn. Vua nghe theo, xuống chiếu tha tội cho đồ đảng của Thân Lợi.
Tô Hiến Thành là một đại thần trung nghĩa.
Năm 1174, Lý Anh Tông phế con trưởng là Long Xưởng (do thông gian với cung phi) lập con thứ là Long Trát mới 3 tuổi làm thái tử. Tháng 8-1175, vua mất, di chiếu cho Tô Hiến Thành phụ chính. Thái hậu lấy vàng đưa cho vợ Tô Hiến Thành mưu tái lập Long Xưởng, Tô Hiến Thành trả lời: “Ta là đại thần, nhận cố mệnh giúp vua nhỏ. Nay lại nhận lo lót, bỏ người nọ lập người kia, thì mặt mũi nào mà thấy tiên đế ở tuyền đài”.
Thái Hậu lại dụ dỗ trăm đường, Tô Hiến Thành thưa rằng: “Bất nghĩa mà được giàu sang thì người trung thần, trung nghĩa không làm, huống chi lời đức tiên đế còn bên tai…”
Gần nhà cậu mự tôi ở Thạch Hà, Hà Tĩnh, có miếu Mây, tương truyền, dựng từ đầu thế kỷ XVII, thờ Lý Thái úy Tô Hiến Thành. Mấy năm trước được xây dựng lại rất đẹp và uy nghiêm.
Nghe nói, Đại tướng Tô Lâm cũng đã từng về miếu Mây thắp hương, viếng Cụ.