Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đợi đến lúc mặt trời mọc đằng tây

Năm Bà Chiểu

 

(VNTB) – Nếu có ai “tự thú trước bình minh”, có lẽ, sẽ không có những vụ khui ra tiêu cực này, tồn tại bất cập nọ.

 

Mượn chút bỡn cợt để muốn nói lên rằng đừng vội chê bai tin tức của ‘người quốc nội’, với lý do ngôn luận ở xứ cộng sản không đa chiều…

Chuyện tiếu lâm, chung quy cũng chỉ là những câu chuyện cười. Còn bên trong tiếng cười đó là sảng khoái sau những phút giây căng thẳng hay tiếng cười của chua chát, tiếng cười kèm sau đó là những cái lắc đầu ngao ngán thì đó còn là điều phải lạm bàn sau. Chuyện tiếu lâm, nếu có đúng vào đời thực, âu rằng, đó cũng chỉ là điều trùng hợp…

Tại một trường học thuộc địa phận tỉnh X, huyện Y. Trong một lớp học nhỏ (tạm gọi là lớp Z), thuộc diện bình dân hơn những lớp học khác, có một tủ thuốc dành riêng cho các học sinh trong lớp. Chịu trách nhiệm tủ thuốc này là lớp phó, còn kinh phí duy trì thuốc men, thuốc dán là đóng góp quỹ từ các thành viên trong lớp học.

Cảm thấy tủ thuốc này thật có ích, An, một học sinh có máu me báo chí, thành viên báo tường của trường đi ghi nhận ý kiến của các học sinh trong lớp Z. Và bất ngờ khi biết tin hậu trường, không đẹp như những cái đã “trưng” ra. Thuốc men thì cạn date; băng cá nhân thì nhỏ, không đủ che vết thương; thuốc hạ sốt khui ra thì có đốm đen…. An liên hệ với lớp phó nhưng không trả lời.

Nhận thấy đó là tin tức, An tức tối chạy về văn phòng báo tường, viết bài rồi gửi cho trưởng ban biên tập báo tường xem xét để đưa lên bảng tin của trường. Bất ngờ thay, An bị “bác” vì lý do thiếu thông tin ghi nhận từ phía lớp phó, người chịu trách nhiệm chính tủ thuốc. An đáp:

–    Tôi có liên hệ lớp phó, trực tiếp nói chuyện, thậm chí có thể cùng nhau đi kiểm chứng nhưng bạn ấy đòi hỏi quá nhiều thủ tục, phải có này có nọ, hẹn hò này nọ. Thiết nghĩ, đây là tin, nên đưa lên trước. Sau đó có thể bổ sung thêm bài lớp phó lớp Z đã trả lời như thế nào trước những tin tức đó.

–    Không có tiếng nói của lớp phó, bài này không đạt yêu cầu.

–    Đề nghị giải thích cho rõ vì sao không đạt? Ghi nhận thực tế từ các học sinh, khía cạnh các học sinh nói về tủ thuốc, có gì là sai? Bài viết tôi không ghi nhận càng không quy chụp lỗi do bất kỳ ai. Còn lớp phó không trả lời, đòi hỏi thủ tục quá rườm rà, làm sao có thể ghi nhận, xin anh cho biết?

Và cũng xin anh trả lời giúp câu hỏi, có cán sự nào đứng trước bàn dân thiên hạ nhận lỗi rồi xin từ chức sau đó là chịu trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm nặng nhất hay không?

–    Tôi không quan tâm.

–    Cứng nhắc đến mức độ như vậy. Xin phép được đưa ra suy nghĩ cá nhân, liệu rằng với sự cứng nhắc của anh trong vấn đề lớp phó, anh với lớp phó có “mối quan hệ” gì đặc biệt trong vấn đề này hay không? Anh có đang làm khó làm dễ để học sinh không được lên tiếng những vấn đề bất cập trong xã hội hay không? Mong được anh hồi đáp sớm. Cảm ơn.

Có thể thấy, ngay cả một lớp học thuộc diện bình dân hơn những lớp học khác, có nhận lỗi thì hình phạt chỉ là viết bản tự kiểm, sau đó cho thời gian để sửa chữa lỗi lầm mà những “lớp trưởng”, “lớp phó” còn không tự đứng ra nhận lỗi thì nói chi đến những cái lớn lao hơn?

Xem ra, để đợi đến phút giây ấy, cái giây phút “ờ, tại tôi mà tình hình nó yếu kém như vậy. Lỗi tại tôi mà đời sống còn khổ. Tại tôi mà sân bay không được mở rộng. Tại tôi mà y tế thiếu thiết bị, thuốc men không được tốt như mong muốn…”, có lẽ, phải đợi đến lúc mặt trời mọc  đằng tây…

Nếu quy chụp hết tất cả, có lẽ là hơi võ đoán, song, dân gian Việt Nam có câu: “tốt khoe xấu che”, nhất là đối với những ai có chút “chức tước”, chẳng lẽ lại đi phô bày trước bàn dân thiên hạ mình từng làm chuyện này chuyện kia vì mục đích tư lợi cá nhân?

Nói vui, nếu có ai “tự thú trước bình minh” như vậy, có lẽ, sẽ không có những vụ khui ra tiêu cực này, tồn tại bất cập nọ. Sẽ không có Nguyễn Thanh Long, không có Chu Ngọc Anh, không có Việt Á…

“Từng có thời gian dài đi chung với chính quyền địa phương đi xuống thực tế ghi nhận. Thời gian đầu mới vào nghề, ngây thơ, tưởng rằng mọi thứ đều tốt đẹp như các nơi được dẫn đi ghi nhận.

Thế nhưng, ra ngoài, tiếp xúc với người dân khác, mới thấy, nó không hoàn toàn là như vậy. Tất cả cũng chỉ vì muốn khung hình đẹp, một bức tranh đẹp. Trong khi ngoài kia, còn nhiều lắm những khó khăn. Bởi vậy, theo quan điểm cá nhân, muốn ghi nhận chân thực nhất là âm thầm đi ghi nhận từ phía người dân, giống như vua vi hành ngày xưa vậy”, một phóng viên từng làm trong nơi mà nhiều người thường hay gọi là báo nhà nước chia sẻ.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng cộng sản Việt Nam kêu gọi tôn trọng ý kiến phản biện trái chiều

Do Van Tien

VNTB – Thoái vốn nhà nước tạo cơ hội cho tham nhũng tài sản công?

Phan Thanh Hung

VNTB – Góc nhìn Phạm Chí Dũng và điều 117 bộ luật Hình sự

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo