VNTB – 10 đại án tham nhũng sẽ hầu tòa trong Nhâm Dần 2022

VNTB – 10 đại án tham nhũng sẽ hầu tòa trong Nhâm Dần 2022

 

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ‘chỉ đạo’ ngành tư pháp phải đưa ra xét xử 10 vụ án tham nhũng trong Nhâm Dần 2022. Điều đó cho thấy tư pháp ở Việt Nam vẫn phụ thuộc vào ‘lệnh’ của người đứng đầu Đảng.

 

Ban Nội chính trung ương tổ chức họp báo thông tin kết quả phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo). Ông Nguyễn Thái Học – phó trưởng Ban Nội chính trung ương – cho biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trưởng Ban Chỉ đạo) đã giao nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm 2022. Trong đó có nhiệm vụ đưa 10 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm.

Tổng bí thư đề nghị tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 16 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 40 vụ việc; truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 22 vụ án, xét xử phúc thẩm 1 vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là, tập trung xét xử sơ thẩm đối với 10 vụ án trọng điểm, gồm:

Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương.

Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận.

Vụ án “Buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; đưa hối lộ; nhận hối lộ…” xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương.

Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nhận hối lộ” xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội biên phòng.

Vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op).

Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị.

Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị có liên quan.

Trong đó đặc biệt vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công” xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương.

Vụ án thứ mười một có thể cập nhật trong thời gian tới khả năng là vụ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).

Điểm chung nhất của cả mười một vụ án kể trên, đó là những nghi phạm đều là đảng viên có chức vụ, họ đều được liên tục ‘đào tạo lại’ qua các khóa bồi dưỡng chính trị bắt buộc hàng năm tại hệ thống trường Chính trị từ cấp địa phương đến quốc gia.

Một điểm chung nữa là gần như các ông, bà ở vị trí Bí thư Chi bộ của những đảng viên là nghi phạm ở mười một vụ án kể trên, đều chịu sự quản lý trực tiếp chung của cấp trên với người đứng đầu là Tổng bí thư.

Báo cáo tại họp báo thông tin kết quả phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cho biết trong năm 2021, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 390 vụ án và hơn 1.000 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý kỷ luật, tăng 15 trường hợp so với năm 2020.

Như vậy, với những gì đang diễn ra trong thời gian gần đây có thấy rất rõ ràng rằng các ‘thang thuốc’ về phòng chống tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng suốt 3 nhiệm kỳ đã không hữu hiệu, nói theo ngôn ngữ y khoa, cần thay đổi phác đồ ‘liệu pháp trúng đích’ (targeted therapy) cập nhật tiến bộ y khoa, thay cho việc bảo thủ duy ý chí như đưa ra các quyết định ‘chỉ đạo án’ như nêu ở phần đầu bài viết này.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)