Việt Nam Thời Báo

VNTB- Đòi thuyên chuyển linh mục giáo phận Vinh: Thiển cận và hoang tưởng

Kiều Phong

(VNTB) – Lần này chính quyền Nghệ An phải viết lên giấy, đóng dấu gửi đến tòa giám mục Xã Đoài chứng tỏ họ – nhà cầm quyền – đã không thể áp đặt vị trí giáo chức đối với địa phận Vinh như trước nữa. Văn bản ký ngày 7/10 nhưng phải đến 14/10 mới gửi đi. Hẳn chính quyền Nghệ An bị Bộ Chính trị quy trách nhiệm về vụ dân biểu tình trước Formosa và phải cố làm một văn bản như thế này để thoát trách nhiệm…

Kết quả hình ảnh cho hinh anh linh mục đặng hửu nam

Nhà cầm quyền Việt Nam, lần đầu tiên kể từ ngày thành lập chế độ, công khai ra giấy đòi “di dời” một linh mục ở địa phận Vinh. Họ đã gửi giấy yêu cầu tòa giám mục Xã Đoài thuyên chuyển linh mục Đặng Hữu Nam ra khỏi xứ Phú Yên.

Vì sao lại là linh mục Đặng Hữu Nam?

Thảm họa biển và cá chết do tập đoàn thép Formosa gây ra là một đòn chí mạng đối với dân tộc. Hàng triệu dân sinh sống dọc 200km biển miền Trung Việt Nam bỗng chốc trở thành điêu đứng. Trong nhân dân, những người lương giáo hoặc theo các tôn giáo nhưng không phải là tín đồ thuần thành thì dễ bị chia rẽ, từ đó không hợp nhau lại để cất lên tiếng nói. Giữa lúc đó, chỉ có khối Công giáo Vatican là có khả năng phát động khiếu kiện tập thể và biểu tình đòi quyền dân sinh. Chưa xét đến dấu hiệu có Trung Quốc đứng sau tập đoàn Đài Loan này hay không, việc nhân dân đi khiếu kiện, biểu tình là hoàn toàn chính đáng.

Tiêu biểu trong cao trào đòi quyền dân sinh đó, linh mục Đặng Hữu Nam và giáo xứ Phú Yên ở Nghệ An đã làm được  cuộc khiếu kiện và những cuộc biểu tình chấn động đất nước. Sau linh mục Đặng Hữu Nam, nhiều linh mục khác đại diện những giáo xứ có dân bị hại bởi thảm họa môi trường cũng đứng lên khiếu kiện và biểu tình. Nhà cầm quyền nhận thấy không thể trấn áp nổi bằng tuyên truyền. Côn đồ đã được sai đến để hành hung linh mục Đặng Hữu Nam nhưng không thể dập tắt ý chí của ông. Cực chẳng đã, một hành động vừa được chính quyền địa phương Nghệ An, mà đứng đằng sau hẳn là trung ương, đưa ra nhằm trấn áp ảnh hưởng của con người này.

Một yêu sách mà đáng lẽ chủ tịch tỉnh phải ký tên, nhưng lại đùn đẩy cho cấp phó của mình. Yêu sách  ra ngày 07.10.2016 bởi UBND tỉnh Nghệ An, nhưng phải đến ngày 14/10/2016 thì mới công bố ra ngoài. Một bản yêu sách ngây ngô đến kỳ lạ. Không cần phải có chuyên môn về nghiệp bút nghiên, nhiều người cũng nhận thấy trình độ hạn chế của tác giả. Tờ giấy đó không có tiêu đề, không ai biết nó là “thư ngỏ”, hay “yêu sách”, hay “yêu cầu”, hay “đơn xin”. Nói tóm lại là hình thức của tờ giấy không thể hiện được mục đích của tờ giấy, sai lầm không biết là ngớ ngẩn hay cố tình. Nhưng nếu đặt địa vị của một quan chức Nghệ An thì cũng khó tìm ra được một cái tựa đề thích hợp cho tờ giấy đó, bởi lẽ thế quyền đã tách khỏi thần quyền quá xa.


Vì sao cố chấp?

Xảy ra thảm họa môi trường và những cuộc biểu tình liên miên, nhiều đảng viên cấp thấp cảm thấy mệt mỏi và họ thắc mắc rằng tại sao trung ương đảng không buông Formosa đi để giữ lấy quyền lợi lâu dài. Câu hỏi đó làm cho nhiều người trăn trở và ngộ ra nhiều điều. Trung ương Đảng “quyết tử cho Formosa quyết sinh”, không phải là vì tư cách một quốc gia giữ lời hứa với một doanh nghiệp nước ngoài. Kinh nghiệm cho thấy những người cộng sản thường xuyên vi phạm lời hứa. Hứa giữ giá điện ổn định nhưng rồi lại tăng, đầu năm hứa giữ nguyên giá xăng nhưng giữa năm cũng lại tăng. Doanh nghiêp nước ngoài chán ngán với lời hứa của nhà cầm quyền, trong vẻn vẹn hai năm trở lại đây hàng trăm doanh nghiệp Nhật, Hàn và phương Tây ngậm ngùi cuốn gói về nước. Vậy vì sao có trường hợp riêng Formosa được ưu ái đến như vậy?

Lời giải thích duy nhất là đến từ  nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích rằng, sau bao năm phát triển ảo, Trung Quốc đã đến điểm Minsky. Cả Hoa Lục đã thế lại bị bao vây kinh tế tứ phương, không mặt hàng nào tuồn ra nước ngoài được, tiêu dùng nội địa thì què quặt. Chỉ còn biết hy vọng vào ngành thép, nhà cầm quyền Trung Quốc  và các tập đoàn tư bản bất lương làm ăn với họ đã khôn lỏi đưa thép sang Việt Nam, gắn mác Việt Nam để xuất ra thế giới. Formosa là trường hợp như vậy, gần đây CISDI của Trung Quốc đã phải lòi đuôi chuột đứng sau tập đoàn này. Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam, do đã quá lệ thuộc Trung Quốc, phải ôm lấy Formosa Hà Tĩnh. Bởi lẽ, nếu nhân dân thắng trước Formosa Hà Tĩnh thì cao trào đấu tranh của nhân dân đòi hủy các công ty thép trên cả nước sẽ không ngăn cản được. Khi đó, nền kinh tế dựa vào sản xuất thép bất chấp xả thải ra môi trường sẽ sớm bị tuyệt diệt, kéo theo hiệu ứng Domino giật đổ cả một nền kinh tế và đẩy nhân dân Trung Hoa vào bước đường cùng, tức là gậy ông đập lưng ông.
Vì thế, bằng mọi cách, bằng mọi giá Trung Hoa cộng sản phải ngăn cho được Formosa khỏi thất thủ.


Văn hóa chính trị thiển cận

Lần này  nhà cầm quyền trung ương sai quan địa phương ra mặt để đòi địa phận Vinh thuyên chuyển linh mục Đặng Hữu Nam, không cho cha Nam làm lãnh đạo tinh thần trong cao trào đấu tranh của khối Công giáo nữa. Ngay lập tức cộng đồng Công giáo người Việt trong nước và hải ngoại la ó phản đối. Liệu yêu sách của UBND tỉnh Nghệ An có thành không?

Tình hình thực tế đã có sẵn câu trả lời.

Thứ nhất, kể từ ngày đảng Cộng sản lên nắm quyền đến giờ, có thể chưa bao giờ có một tờ giấy nào như vậy. Lịch sử ghi nhận những trường hợp điều đình giữa nhà cầm quyền cộng sản và giáo hội Công giáo Vatican, với đỉnh điểm là việc tổng giám mục Ngô Quang Kiệt bị ép từ nhiệm. Nhưng đó là thỏa thuận giữa hai bên là hai dàn lãnh đạo chính trị và tôn giáo, và thỏa thuận đó cũng chỉ là thỏa thuận ngầm, không dám đưa ra văn bản. Lần này chính quyền Nghệ An phải viết lên giấy, đóng dấu gửi đến tòa giám mục Xã Đoài chứng tỏ là căng lắm rồi. Họ – nhà cầm quyền – đã không thể áp đặt vị trí giáo chức đối với địa phận Vinh như trước nữa.

Thứ hai, ngày trước tổng giám mục Ngô Quang Kiệt vì “lỡ miệng” nên có sức ép ở cả  hai phía để từ nhiệm. Sức ép, không những đến từ chính quyền, mà còn đến từ nội bộ Hội đồng giám mục Công giáo Việt Nam- xưa nay chưa bao giờ dễ dàng đi đến một sự thống nhất. Nhưng trường hợp linh mục Đặng Hữu Nam thì rất khác. Không thể có chức sắc nào có thể lấy chiêu bài tồn vong giáo hội để nói ngược lại dòng dư luận. Như đã nói, thảm họa Formosa là đòn chí mạng khủng khiếp lên dân tộc Việt Nam. Nội bộ của tôn giáo, trước một thảm họa rõ ràng như vậy, không thể có một cá nhân nào trong phe thân nhà nước trong hàng giám mục Việt Nam nghĩ ra được lời giằng hai nào, bởi không ai dại gì làm bia đỡ đạn. Tờ giấy của UBND tỉnh Nghệ An chứng tỏ một điều duy nhất, rằng kể từ thảm họa Formosa, nhà cầm quyền càng mất khả năng áp lực lên Hội đồng giám mục Việt Nam.

Thứ ba, giáo hội Công giáo Vatican quyết định công việc không theo cảm tính. Giáo luật của họ rất chặt. Kinh nghiệm làm chính trị hai ngàn năm của giáo hội Công giáo Vatican lại rất khác, cách làm chính trị của Vatican đã đạt đến một trình độ khó có thể mô tả hết trong một vài bài viết. Cách thức tổ chức nhà nước rất chặt chẽ của quốc gia Vatican, sau thời cải cách, đã ủng hộ hay ít nhất là không can thiệp vào cao trào công lý của giáo dân các địa phương.

Hãy nhớ lại Cách mạng Pháp 1789. Dân Pháp hè nhau đánh đổ ách nô lệ thể xác từ chính quyền phong kiến Pháp và ách nô lệ tinh thần của giáo triều Vatican lạc hậu. Ngày nay chính quyền Việt Nam vẫn nghĩ là giáo hội Vatican vẫn như thời Trung cổ nên định nhờ chức sắc can thiệp. Nếu dùng quyền lực giáo chức mà ngăn được giáo dân thì giáo hoàng đã làm thời cách mạng Pháp rồi, nhưng không được. Không gì ngăn được dân chúng đang phẫn uất, dù là chính quyền hay là thần quyền cũng không thể. Hội đồng giám mục Việt Nam thời hiện đại không dại gì mà nghe theo lời chính quyền đi ngược lại lòng dân, đó là chưa nói đến rằng đại đa số các giám mục đều hoặc công khai hoặc lẳng lặng ủng hộ linh mục Đặng Hữu Nam và khối giáo dân miền Trung. Khối Công giáo thực sự rất mạnh. Một tờ giấy của UBND tỉnh Nghệ An mà khuất phục được khối này, e là chuyện hoang tưởng.

Thứ tư, hiện nay cả nước đang ủng hộ linh mục Đặng Hữu Nam.

Ta biết rằng chính trị học ở giảng đường Việt Nam thực chất là tuyên truyền, nói lấy được, nói bất chấp lô-gic. Tờ giấy vừa rồi của phó chủ tịch UBND Nghệ An cũng thiển cận như nền chính trị học đó. Chính trị học tại Việt Nam không phải là khoa học mà là “binh pháp”, là “tuyên truyền”. Do đó khi biến động chính trị cỡ như biểu tình mang màu sắc tôn giáo xảy ra thì dàn quân sư của Đảng bối rối, chỉ nghĩ ra được những biện pháp tạm thời.

Càng bảo kê cho Formosa thì đội ngũ trí thức càng đứng về phía những người yêu cầu khởi tố Formosa.  

Tin bài liên quan:

VNTB – Thầy giả vờ dạy, trò giả vờ học: thời giảng đường không còn lý tưởng.

Phan Thanh Hung

VNTB – Biển quảng cáo ở ĐHQG.HCM: Vô phép tắc, vô kỷ luật.

Phan Thanh Hung

VNTB – Thảm họa Formosa và báo giới quốc doanh: TBT báo Thanh niên đứng nhầm bờ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo