Phạm Lê Đoan
(VNTB) – Người dân họ nghe từ huyện lên quận, thành phố giá đất sẽ tăng, làm khó khăn khi giải phóng mặt bằng
Chính quyền TP.HCM vừa chọn người vào vị trí phó chủ tịch thường trực, là một viên chức vốn rất am tường về thị trường bất động sản ở thành phố này.
Nhìn tổng thể, có dự đoán giá bất động sản sẽ còn tăng tới cuối năm sau khi đường sá tiếp tục mở rộng ở một số tỉnh lớn, nhất là 5 tỉnh vừa được cơ chế “đặc thù” trong đó chính quyền địa phương được trao quyền chuyển đổi đất nông nghiệp.
Con cuồng nộ sẽ tiếp tục sóng trào trước khi rủi ro lạm phát trở thành hiện thực, như 4 lần trước trong 30 năm qua. Và không ít ý kiến bi quan rằng “bàn tay hữu hình” giờ như vô hình để cơn cuồng loạn nhấn chìm, đe dọa tước đoạt quyền an cư của đa số dân nghèo. Và dòng vốn đang bị lái chệch hướng khỏi khu vưc sản xuất…
Vẫn là câu chuyện của TP.HCM.
Cựu Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, ông Trần Hoàng Quân cho biết tại Đại hội Đảng bộ huyện Bình Chánh (lúc ông còn làm bí thư Huyện ủy), Ban chấp hành Đảng bộ có đưa ra mục tiêu nhưng có lộ trình để đưa huyện Bình Chánh lên quận hoặc thành phố. Tuy nhiên, lúc đó Bình Chánh xác định phải mất ít nhất 2 nhiệm kỳ (10 năm) để làm việc này. Bởi với cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất của Bình Chánh hiện nay còn rất nhiều việc để làm mới đảm bảo các tiêu chí.
Từ việc trên, nay trên cương vị là tân giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – ông Trần Hoàng Quân đề nghị huyện Bình Chánh khi đưa ra lộ trình, kế hoạch đưa huyện lên quận/thành phố phải hết sức cân nhắc. Lý do, dù các cơ quan chưa thực hiện gì nhưng giá đất trong dân đã tăng làm ảnh hưởng đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tham gia cùng huyện chỉnh trang đô thị.
“Cách đây sáu tháng, giá khu vực xã Bình Lợi khoảng 2 tỉ đồng/công, bây giờ báo chí đăng việc huyện lên quận/thành phố đất lại tăng lên cao. Chúng ta có nhiều dự án công cộng, phúc lợi mà người dân họ nghe từ huyện lên quận, thành phố giá đất sẽ tăng, làm khó khăn khi giải phóng mặt bằng. Do vậy cần công bố công khai lộ trình cho dân biết”, ông Quân nêu thực tế.
Tiền nhiệm của ông Quân là ông Lê Hòa Bình, người vừa được ‘phân công’ là phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM.
Hiện tại thì với những gì vừa diễn ra qua đấu giá đất đai ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND huyện Bình Chánh đã đề xuất được thí điểm thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc huyện để thu hồi đất theo quy hoạch, bán đấu giá tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng.
Liệu sẽ lại có cú đổ của trò chơi ‘domino’ từ việc giá đất được ‘thổi’ lên rất cao như các phiên bản Thủ Thiêm?
Ông Đào Gia Vượng – chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, lập luận: Bình Chánh là cửa ngõ giao thương của TP.HCM với miền Tây, giáp Long An đang phát triển mạnh các khu công nghiệp, nên phát triển các dịch vụ như logistics, y tế, văn hóa, du lịch, giải trí phục vụ cho vùng công nghiệp của Long An.
Một mặt, Bình Chánh giáp các quận nội thành của TP.HCM đang có nhu cầu về nhà ở nên cần phát triển nhà ở dựa trên lợi thế quỹ đất của địa phương còn lớn. Do đó một khi Trung tâm phát triển quỹ đất hoạt động, huyện Bình Chánh sẽ giúp đó coi như là ‘thế chấp’ để vay vốn kích cầu của TP.HCM, hoặc được tạo cơ chế để có vốn mồi ban đầu kiểu như đấu giá vừa qua ở Thủ Thiêm.
“Như vậy, huyện Bình Chánh mới có nguồn lực khoảng 50.000 tỉ đồng để thực hiện 583 dự án trong 5-10 năm tới trong hành trình xây dựng Bình Chánh thành thành phố phía tây TP.HCM” – ông Đào Gia Vượng ‘mặc cả’ với lãnh đạo TP.HCM.
Vì sao lại ngại nếu có cú đổ ‘domino’ Thủ Thiêm?
Trước ngày đấu giá đất Thủ Thiêm được công bố, mỗi căn nhà tại khu đô thị Vạn Phúc (Thủ Đức) có diện tích 140 m2 được xây 5 tầng có giá khoảng 33,5 tỉ đồng, nay đã tăng lên 37 tỉ đồng, căn 150 m2 có người rao bán đến 50 tỉ đồng. Trong khi đó, giá gốc mỗi căn khách hàng mua của chủ đầu tư trước đây khoảng 23 – 27 tỉ đồng/căn. Những người bán còn đặt điều kiện khách mua phải trả tiền mặt ngay mới bán.
Tại khu Đông Thủ Thiêm, Nam Rạch Chiếc, Cát Lái, đảo Kim Cương trước kia được giao dịch 160 – 164 triệu đồng/m2 thì nay đã rao bán 200 – 250 triệu đồng/m2. Việc tăng giá cũng diễn ra ở khu vực quận 9 cũ (nay là một phần của thành phố Thủ Đức) khi các nền đất cũng đã tăng 1 – 2 tỉ đồng/nền; Các lô đất lớn từ 300 m2 trở lên tăng thêm 8 – 10 triệu đồng/m2; Dự án căn hộ trên đường Nguyễn Cơ Thạch (Thủ Đức) mở bán năm 2020 với giá khoảng 100 triệu đồng/m2 thì nay đang giao dịch ở mức 140 – 150 triệu đồng/m2…
Một trong những tác động của giá đất tăng cao là các kế hoạch bình ổn thị trường nhà ở tại TP.HCM đứng trước thách thức khó thành hiện thực. Các nhà phát triển bất động sản khó tìm được quỹ đất giá phù hợp để phát triển nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dân. Như vậy, giấc mơ sở hữu nhà càng trở nên xa tầm tay hơn với người thu nhập thấp.
Ở một góc nhìn khác, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, giá trị địa ốc không bao giờ tăng cao đột biến nếu thiếu những động lưc cần thiết như quy hoạch tốt, hạ tầng tốt, chính sách đặc thù tốt… nên việc đấu giá đất ở mức quá cao như vậy không phải là đáng mừng mà là đáng lo và cần có kế hoạch ứng phó.
Mọi nghi vấn được củng cố thêm khi Thủ tướng đã ban hành công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, đảm bảo đúng pháp luật công khai minh bạch; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.