Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đồng Tâm 10 ngày sau biến cố, hay tuần lễ trước Tết

Hiền Lương

 

(VNTB) – “Đồng Tâm 10 ngày sau biến cố” là tựa bài viết về ghi nhận tình hình ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội của nhóm nhà báo tờ VnExpress, thuộc Bộ Khoa học Công nghệ.

 

Bài báo nói trên được đăng ngày 20/1/2020, 11:42 (GMT+7), tại https://vnexpress.net/thoi-su/dong-tam-10-ngay-sau-bien-co-4044419.html. Nội dung bài ghi nhận cho thấy khá tương đồng với tin tức trên mạng xã hội, và trên nhiều tài khoản cá nhân facebook. Bài viết còn cho thấy trong 10 ngày qua, người làng thôn Hoành và cả xã Đồng Tâm gần như phải sống trong cảnh hãi sợ, mọi sinh hoạt cộng đồng và mưu sinh gần như đình trệ. Tin tức bên ngoài ra sao, người dân nơi đây cũng không có cơ hội tiếp cận.

Bài báo nói gì?

Bài báo có những đoạn ghi nhận với cách dùng từ – ý mang nhiều ‘ẩn tình’ như sau (trích): Ngoài khu vực đồng Sênh giáp tỉnh lộ 429, tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn đã xây xong, trát vữa, chăng dây thép bên trên và đóng biển đỏ “Khu vực cấm” bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Người lạ đi vào thôn Hoành vẫn bắt gặp ánh mắt dò xét của cư dân, nhưng những cuộc trò chuyện đã cởi mở hơn.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch Hội cựu chiến binh cho biết, chờ bớt mưa rét, nắng lên, các đoàn thể sẽ dọn dẹp đường làng ngõ xóm, trang trí cờ hoa. Theo kế hoạch đón Tết ban đầu, xã sẽ tổ chức trò chơi dân gian, thi kéo co, văn nghệ, giải bóng đá của 14 đội thuộc các cụm dân cư. “Nhưng với chuyện vừa xảy ra thì đành hủy bỏ”, ông Hưởng nói.

Những ngày qua cán bộ Đảng ủy, UBND xã Đồng Tâm có mặt suốt ngày ở trụ sở, chỉ về nhà ăn cơm rồi lại ra trực. Nơi đây sáng đèn suốt đêm, các phòng ban mở cửa cho lực lượng an ninh túc trực.

Người ngoài xã Đồng Tâm, nếu xuất trình đầy đủ giấy tờ cá nhân cũng được đi lại bình thường qua các chốt. Hai ngày trước, công an đã rút sau một tuần lập chốt.

Mười ngày trôi qua cũng là ngần ấy thời gian ông Bùi Văn Giang nghỉ công việc hàn xì. Ông quyết định nghỉ luôn để chuẩn bị gói bánh chưng. Tết này, người đàn ông 58 tuổi không chơi đào quất, phần vì thu nhập giảm, phần vì “không khí chung của xóm làng nó thế, mình chưng diện lại ngại với bà con, mai mốt nhỡ ốm đau người ta chẳng thèm đến”.

Gần tháng trước, “xóm ủy ban” gồm 22 nhà, trong đó có nhà ông Giang, ngay trung tâm xã ăn tân niên chào năm mới. Họ góp mỗi nhà ba trăm nghìn đồng, dự định mua đèn lồng, đèn nhấp nháy, cờ ngũ sắc về chăng gần một km đường cho hoành tráng. Đó là thông lệ hàng năm. Nhưng giờ việc trang trí lẫn liên hoan đành gác lại, số tiền sung vào quỹ chờ dịp khác.

Nhớ lại biến cố rạng sáng 9/1, ông Giang kể đang ngủ thì bị dựng dậy bởi tiếng đùng đoàng. Ông chạy lên trần ngó xuống đường thấy lực lượng an ninh dàn hàng kín mít. Sợ quá, ông rụt vào trong nhà không dám mở cửa.

Những ngày sau, ông Giang cảm thấy hơi gò bó trong chính ngôi làng của mình. Khi mở cửa nhà ra là thấy bóng dáng công an. Không ai dám giơ điện thoại chụp hình, không túm tụm nói chuyện. Thôn Hoành và cả xã Đồng Tâm gần như bị cô lập.

Chợ không họp, nhà ai mổ lợn thì bán tại nhà. Vợ chồng ông Giang có gì ăn nấy. Trang trại đầy rau, cá cách nhà một cánh đồng cũng không đi hái được. Điện thoại không vào được mạng, ông không biết tin tức gì, cũng không xem tivi. “Giờ thì yên tâm rồi”, ông Giang nói.

Đêm ấy, bà Nguyễn Thị Chuyển, cư dân xóm 2 cũng không ngủ được, nằm nghe tiếng lộp cộp ngoài đường, tiếng đì đoàng từ 3h sáng đến khoảng 4h30 (ngày 9/1) mới yên. Nhà bà cách tâm điểm sự việc hơn 700 mét. Trước đó, bà Chuyển chỉ nghe dân truyền tai nhau “có kẻng thì lên giữ đất đồng Sênh”. Bà nghĩ nếu có căng thẳng thì ở trên đồng, chứ không nghĩ lại xảy ra trong làng.

Sáng 9/1, bà đóng cửa hàng tạp hóa, nghỉ buôn bán. Buổi chiều và những ngày sau đó, tiệm vẫn mở nhưng lác đác người mua. Bà lại đóng cửa sớm lúc 19h thay vì 22h như mọi khi. Những ngày chợ không họp, nhà bốn người lớn ăn cơm với muối lạc, trứng gà. Còn đứa cháu nội ăn cháo, uống sữa.

Hôm 18/1, bà vẫn trông thấy vài người bên an ninh đi xe vào đây lấy đồ. Sáng 19/1, người làng đã không thấy bóng cảnh phục. “Dân các nơi sợ chả biết có đến không, chứ dân đây đi lại bình thường rồi”, bà Chuyển miệng nói, tay bày mấy nải chuối xanh làm mâm ngũ quả ra sàn xi măng.

Chiều qua, xe của đại lý đã vào thôn Hoành giao bánh kẹo, nước ngọt. Bà không dám nhập mứt dừa vì thấy sức mua giảm, sợ để ra giêng không bán được. Lượng hàng Tết nhập vào chỉ bằng nửa mọi năm.

Sáng 13/1, bà Chuyển đóng cửa hàng từ 8h sáng, đội nón ra đồng hòa vào dòng người đi đưa tang ông Lê Đình Kình. Bà bảo không họ hàng thân thích, đôi lúc thấy ông Kình đi qua thì chào. Nhưng tục lệ ở quê, người già qua đời thì làng xóm đi đưa ma là chuyện thường, “nghĩa tử là nghĩa tận”. Đoạn đường từ nhà ông Kình ra nghĩa trang khoảng 2 km. Hôm ấy trời mù, đoàn người mũ, nón sùm sụp lặng lẽ đi trong tiếng khóc than của người nhà ông Kình.

Tết không xuất hiện trong nhà ông Lê Đình Kình, ngôi nhà nằm cách cổng thôn Hoành hơn trăm mét. Một chậu than to đặt giữa sân cho người già sưởi ấm và xua tan khí lạnh chiều đông. Bà Dư Thị Thành đầu chít khăn tang, ngồi hơ tay bên chậu lửa. Bà mới làm lễ cúng mười ngày cho chồng,

Bà Thành nhớ Tết năm ngoái, ông Kình còn vui khi thấy con cháu tề tựu đông đủ. Ông phải ngồi xe lăn sau biến cố Đồng Tâm năm 2017. Ông Kình có 8 người con, hai trai, sáu gái. Trong đám tang chỉ có các con gái lo hậu sự cho cha. Hai con trai Lê Đình Công, Lê Đình Chức và hai cháu nội Lê Đình Doanh, Lê Đình Uy vắng mặt. Mười ngày qua, bà không xem tin tức trên tivi, không đọc báo, không theo dõi thông tin trên mạng. Ngần ấy ngày gia đình “không có liên lạc gì” của bốn người đàn ông trong nhà. Công, Chức, Doanh, Uy đều nằm trong danh sách 20 người bị điều tra hành vi Giết người mà Bộ Công an công bố hôm 13/1.

Thấy gì từ lượt thuật của bài báo VnExpress?

Thứ nhất, 10 ngày qua không có bất kỳ người dân ở nơi nào ngoài xã Đồng Tâm được phép đi lại trong khuôn viên xã Đồng Tâm; người thôn Hoành chỉ quẩn quanh thôn Hoành.

Thứ hai, 10 ngày qua, người dân xã Đồng Tâm không có mạng internet, không có tín hiệu truyền hình cáp.

Thứ ba, 10 ngày qua, người dân xã Đồng Tâm cứ mở cửa nhìn ra đường là gặp ngay ánh mắt của lực lượng cảnh sát cơ động đang đóng chốt và rảo khắp nơi.

Thứ tư, 10 ngày qua, người dân xã Đồng Tâm không được dùng máy điện thoại để chụp hình, ghi hình.

Thứ năm, hôm đưa tang cụ Lê Đình Kình, gần như người dân xã Đồng Tâm đều có mặt đưa tiễn trong lặng lẽ trước hàng loạt cấm đoán như các điều nêu ở trên.

Thứ sáu, người dân trước đó truyền tai nhau “có kẻng thì lên giữ đất đồng Sênh”, nên cứ nghĩ nếu có căng thẳng thì ở trên đồng, chứ không nghĩ lại xảy ra trong làng.

Thứ bảy, gia đình cụ Lê Đình Kình vẫn bặt tin tức với bên ngoài.

Thứ tám, 10 ngày qua ở xã Đồng Tâm không có họp chợ.

Tóm tắt cả 8 điều ở trên về 10 ngày qua là: “Khi mở cửa nhà ra là thấy bóng dáng công an. Không ai dám giơ điện thoại chụp hình, không túm tụm nói chuyện. Xã Đồng Tâm gần như bị cô lập”.

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nhà khoa học đang ở đâu?

Do Van Tien

VNTB – Đằng sau tội ác

Phan Thanh Hung

VNTB – “Quan điểm nhất quán của chúng ta cho đến nay là không chấp nhận báo chí tư nhân”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo