Trường Sơn
(VNTB) – Những tháng gần đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục giảm giá mua USD.
Trong khi đó mức giá USD niêm yết tại Vietcombank vào đầu tháng 1 năm nay là 23.215 đồng/USD. Như vậy tính chung trong vòng gần 9 tháng qua, 1 USD đã giảm 345 đồng, tương đương khoảng 1,47%.
Giá bán USD tại các ngân hàng khác cũng liên tục đi xuống. Như tại Ngân hàng Eximbank giá bán USD ngày 18-9 ở mức 22.850 đồng/USD, thấp hơn 20 đồng/USD so với giá bán USD tại Ngân hàng Vietcombank. Giá mua USD tiền mặt ở mức 22.670 đồng/USD.
Tăng giá để gỡ mác “thao túng tiền tệ”?
Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm mạnh giá mua ngoại tệ, cho thấy tiền đồng đang lên giá so với USD. Khi đó, NHNN mua vào với giá rẻ, tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vốn đang khó khăn vì dịch bệnh.
Tuy nhiên đối với doanh nghiệp vay USD có thể có lợi nhờ tiền đồng tăng giá, các khoản lỗ về tỷ giá sẽ giảm, thậm chí còn được lãi nhờ tỷ giá. Lãi suất vay ngoại tệ hiện nay cũng thấp hơn nhiều so với lãi suất vay tiền đồng nhưng chỉ có những doanh nghiệp đủ điều kiện mới được tiếp cận nguồn vốn này.
Một điểm được chú ý nữa là, nếu như thời gian qua, NHNN áp dụng mua ngoại tệ theo phương thức kỳ hạn, với kỳ hạn 6 tháng, lượng VND cung ứng mua ngoại tệ sẽ rải dần ra thị trường, thì nay áp dụng với phương thức mua giao ngay, lượng tiền VND cung ứng sẽ trực tiếp chảy ra thị trường. Rất có thể, động thái này phản ánh kết quả mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong việc gỡ mác “thao túng tiền tệ” cách đây ít lâu.
Một ghi nhận từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong thời gian gần đây, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng khá mạnh so với USD, khiến kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này cũng chịu áp lực gia tăng.
Ngoài ra, việc giá hàng hóa thế giới tăng mạnh trong suốt thời gian qua, trong khi nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu đầu vào, cũng là nguyên nhân khiến giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh, nhưng lợi nhuận thực có thì tỷ lệ nghịch.
Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ trước đến nay là nguồn chính của dòng vốn ngoại hối (5,9% GDP). Tuy nhiên, dòng tiền này gần đây đang chậm lại, minh chứng là vốn đầu tư FDI thực hiện hàng tháng giảm từ mức trung bình 1,8 tỷ USD vào tháng 4-2020 đến tháng 12-2020 hiện chỉ còn 1,6 tỷ USD trong giai đoạn tháng 4-2021 đến tháng 7-2021.
Đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp, cùng với việc hạ dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam, các nhà đầu tư cũng tăng bán ròng trong giai đoạn từ quý 1-2020 đến quý 1-2021, tiềm ẩn rủi ro rút vốn của dòng đầu tư gián tiếp có thể gia tăng trong tương lai.
Doanh nghiệp cần chủ động phòng vệ rủi ro dòng tiền, tỷ giá
Theo dự báo của Ngân hàng HSBC Việt Nam, với đại diện nhóm nghiên cứu là ông Ngô Đăng Khoa (Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam), thì bước sang năm 2022, tỷ giá USD sẽ đảo chiều về mức 23.000 VNĐ/USD trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào chậm lại. VND có thể đứng trước áp lực USD mạnh hơn trên thị trường quốc tệ và đồng Nhân dân tệ suy yếu hơn.
“Năm 2021, tiền đồng đã vượt qua nhiều yếu tố bất lợi như những lo ngại về ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài khiến đà tăng trưởng chậm lại, cán cân thương mại thâm hụt và sự khác biệt chính sách tiền tệ với FED. Tuy nhiên, những vấn đề này có thể trở nên nổi cộm hơn vào năm sau.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, nền kinh tế đứng trước nhiều thách thức trong quá trình phục hồi, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng kịch bản hoạt động và hoạch định chiến lược kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần đặc biệt chú trọng trong vấn đề phòng vệ rủi ro, trong đó có rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt” – ông Ngô Đăng Khoa, tham vấn.
Theo HSBC, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế đứng trước nhiều thách thức trong quá trình phục hồi, trong đó trọng tâm là doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng kịch bản hoạt động và hoạch định chiến lược kinh doanh.
Cụ thể, việc giãn cách xã hội kéo dài cùng với những quy định chặt chẽ trong phòng chống dịch khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoặc hoạt động cầm chừng, trong khi đó chi phí duy trì sản xuất tăng cao. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề doanh thu và dòng tiền.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với khó khăn trong việc duy trì nhân công, lực lượng lao động trong và sau dịch, điều nhiều quốc gia khác đã gặp phải.
“Nếu các vấn đề này không được giải quyết, năng lực sản xuất khó có thể quay trở lại giai đoạn trước dịch”, HSBC nhận định.
Nhóm nghiên cứu của HSBC còn cho rằng áp lực lạm phát leo thang, đặc biệt ở giá cả đầu sẽ đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Trong đó, chi phí vận hành tăng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sẽ tạo nhiều áp lực lên giá cả cung ứng nguyên vật liệu, từ đó tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt với các doanh nghiệp trong lĩnh vực có tính cạnh tranh cao và khó tăng giá đầu ra.
1 comment
Giảm giá mua USD thì dân sẽ găm USD mà xài tiền Bác Hồ .
“Khi đó, NHNN mua vào với giá rẻ, tăng dự trữ ngoại hối”
Rất khá . Ai bán ?