Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đồng vốn cho người buôn gánh, bán bưng

Võ Hàn Lam

 

(VNTB) – Mới đây về một phụ nữ bán hàng rong ở thành phố Hạ Long đã bị lực lượng chức năng thu giữ xe hàng, khóa trái tay về phía sau lưng đưa về phường, mặc cho người này khóc lóc van xin, đã khiến người ta trở về với thực tại…

 

Lâu nay, đôi gánh hàng rong đã đi vào thơ ca, nhạc họa và đã trở thành một hình tượng tiêu biểu của đức tính chịu thương, chịu khó, tần tảo mưu sinh của những người chị, người mẹ, người bà… Trong bối cảnh giãn cách xã hội để ngừa dịch virus corona lây lan, thì những phận đời lam lũ ấy cần đến các hỗ trợ thiết thực hơn nữa ngoài những tụng ca văn chương.

 

Giảm một phần tư lãi suất cho vay vốn trả góp

 

Thật ra thì tin tức về hỗ trợ đồng vốn làm ăn cho người buôn gánh, bán bưng cũng nhiều, nhưng không hiểu sao chưa thực sự được đẩy mạnh trên mạng xã hội.

 

Ngày 3-4, Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) công bố giảm đến 25% tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng đang vay vốn trả góp theo ngày tại ngân hàng trong thời gian từ 3-4 đến 30-6.

 

Bà Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc của Kienlongbank cho biết: “Đa số khách hàng vay vốn trả góp ngày của Kienlongbank là những người có thu nhập thấp, vừa đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày như: bán vé số, chạy xe ôm, bán quán nước, bán quán ăn và buôn bán nhỏ, lẻ… Trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay, họ thực sự gặp nhiều khó khăn và rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Khi những khách hàng đang gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống mưu sinh thì chúng tôi nhận thấy, không có lúc nào cấp thiết hơn lúc này, chúng tôi phải hành động!”.

 

Bà Trần Tuấn Anh cho biết đa số khách hàng vay vốn trả góp ngày có số tiền vay phổ biến 3 triệu, 5 triệu, cao nhất cũng chỉ hơn 10 triệu đồng.

 

Trong lúc cách ly xã hội, đóng cửa kinh doanh hàng loạt, không có cơ hội làm ăn, họ là đối tượng gặp khó khăn nhất và cần sự giúp đỡ. Mặt khác, hầu hết người vay trả góp theo dạng này sống tại các tỉnh miền Tây – địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn…”, bà Tuấn Anh nói.

 

Có ai cho người nghèo vay tín chấp mà không cắt cổ họ?

 

Có đó. Chắc những người buôn gánh, bán bưng mới nhập cư vào Sài Gòn chưa biết đến địa chỉ của Quỹ Trợ Vốn Cho Người Lao Động Nghèo Tự Tạo Việc Làm (CEP) thành lập từ tháng 11/1991, hai năm trước đổi tên thành Tổ chức tài chính vi mô CEP. Hình thức vay vốn làm ăn của CEP dành cho người nghèo là tín chấp, với số tiền cho vay tối đa là 50 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 36 tháng, lãi suất theo dư nợ ban đầu là 0.8%/tháng. Trả góp nợ gốc và lãi tiền vay hàng tuần, hoặc mỗi tháng.

 

Tên gọi đầy đủ của pháp nhân nói trên là “Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm”, tên gọi tắt: Tổ chức tài chính vi mô CEP, hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng. Hội sở đặt tại số 14C Cách Mạng Tháng Tám, phường Bến Thành, quận 1.

 

Người buôn gánh, bán bưng ở một số tỉnh, thành có thể gọi điện thoại tới số 84 – 028 – 38 220 959 / 38 239 100, để biết địa chỉ cụ thể trong gõ cửa tìm thêm đồng vốn mưu sinh tại chi nhánh CEP ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

 

Thay lời kết

 

Xin được gác lại những triết lý an sinh cho người nghèo. Bài viết này như một chia sẻ nhỏ với những phận đời khốn khó. Phần nhiều những người bán hàng rong mà tôi quen biết, nếu không phải là chỗ tôi hay mua hàng thì cũng là những bệnh nhân của các phòng khám từ thiện. Tôi quen họ trong những lần ghé thăm phòng khám, còn họ là bệnh nhân đến lấy thuốc miễn phí.

 

Họ là dân tứ xứ, đến thành phố mưu sinh, rồi lưu lại trong các căn phòng trọ hay những “chiếu trọ” trong các căn phòng tập thể. Trong cuộc “ở trọ” dài hạn đó, hầu hết họ đều lập gia đình, sinh con.

 

Họ trở thành “những công dân không nhà”, bám trụ Sài Gòn bằng chính gốc rễ của sự mưu sinh – của nguồn sống. Có người là dân lao động sinh ra ở Sài Gòn, rồi trở thành “khách trọ” khi công việc chẳng mang đủ thu nhập cho giấc mơ có nhà.

 

Đồng vốn giúp họ mưu sinh lúc này cần kíp lắm.

 

Tin bài liên quan:

VNTB – EVFTA và thách thức của tư duy quản trị mới

Phan Thanh Hung

Lại giảm lãi suất huy động: Ngân hàng “muốn” gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Doanh nghiệp Việt tiếp tục bị thiệt hại nặng nề vì chính sách ‘bóc tách F0 khỏi cộng đồng’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo