Định Tường
(VNTB) – Bệnh nhân đột quỵ vì xuất huyết não có xu hướng trẻ hóa, bệnh viện đã ghi nhận bệnh nhân ở độ tuổi 32.
Sáng 5-9, tin từ UBND huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết, thầy Trương Văn Lai, Hiệu trưởng Trường THPT Tràm Chim (thị trấn.Tràm Chim, huyện Tam Nông), bị đột quỵ tử vong ngay trong buổi lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.
Sau khi thầy Lai (45 tuổi) bị đột quỵ, lễ khai giảng của nhà trường cũng tạm dừng. UBND huyện Tam Nông cho biết, thầy Lai vừa khám sức khỏe định kỳ hồi tuần trước, mọi chỉ số đều bình thường. Thầy từng làm hiệu trưởng tại Trường THCS THPT Hòa Bình, sau đó chuyển công tác về trường Tràm Chim.
Không rõ tiền sử bệnh lý của thầy Lai có lần nào bị nhiễm Covid hay chưa, và loại vắc-xin nào đã được thầy tiêm ngừa phòng Covid.
Nghi vấn liên quan Covid xuất phát từ một nghiên cứu được công bố tại Hội nghị Đột quỵ Hoa Kỳ 2022 cho thấy nguy cơ mắc đột quỵ cao nhất trong khoảng 3 ngày đầu tiên sau khi được chẩn đoán nhiễm Covid-19 (tăng gấp 10 lần). Nguy cơ mắc đột quỵ giảm dần theo các khoảng thời gian 4-7 ngày, 8- 14 ngày và 15-28 ngày. Sau thời gian 1 năm, dù thấp hơn rõ rệt, nguy cơ mắc đột quỵ vẫn cao hơn ở người có tiền sử nhiễm Covid-19 trước đó.
Covid-19 có thể gây đột quỵ thiếu máu não bằng 3 cơ chế chính: Một là cơ chế tăng phản ứng viêm, dẫn đến viêm các mạch máu. Hai là gây ra tình trạng tăng đông, dẫn đến sự hình thành huyết khối trong hệ động mạch, hệ tĩnh mạch và các cơ quan. Ba là thuyên tắc huyết khối ngược dòng, đặc biệt trên bệnh nhân còn tồn tại lỗ bầu dục PFO – một lỗ thông thường giữa hai buồng tim.
Một số ít tài liệu cho thấy nhiễm Coronavirus có thể gây co mạch, tăng huyết áp dẫn đến xuất huyết não.
Hồi đầu năm nay, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) ngày 13-1 cho biết hệ thống giám sát đã cảnh báo về khả năng liên hệ giữa vắc-xin lưỡng trị ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech với bệnh đột quỵ ở người từ 65 tuổi trở lên.
Thông báo của CDC trên trang mạng chính thức cho biết sau một thời gian sử dụng vắc-xin nâng cấp này, hệ thống giám sát an toàn vắc-xin trong thời gian thực “Vaccine Safety Datalink” của CDC đã đạt tiêu chí thống kê để dẫn tới điều tra bổ sung về việc “liệu có lo ngại về an toàn” đối với bệnh đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người từ 65 tuổi trở lên đã tiêm vắc-xin cải biến này hay không?.
CDC nêu rõ cuộc điều tra “đã đặt câu hỏi về khả năng” nguy cơ đột quỵ tăng trong 21 ngày sau tiêm cao hơn so với 22-44 ngày sau tiêm.
Theo CDC, một nghiên cứu sơ bộ sử dụng dữ liệu của Bộ Cựu chiến binh Mỹ trước đó cho thấy nguy cơ đột quỵ không tăng sau tiêm vắc-xin cải biến. Hệ thống Báo cáo sự kiện bất thường của vắc-xin (VAERS) do CDC và FDA quản lý cũng không thấy sự gia tăng trong các báo cáo số ca mắc đột quỵ do thiếu máu cục bộ sau tiêm vắc-xin.
Theo CDC, trong số 550.000 người cao tuổi sử dụng vắc-xin thế hệ mới của Pfizer, 130 người đã bị đột quỵ trong ba tuần sau tiêm, không ai tử vong. “Dữ liệu tổng thể cho thấy các rủi ro lâm sàng khó xảy ra ngoài đời thực, nhưng chúng tôi tin rằng vẫn nên chia sẻ tất cả thông tin quan trọng với công chúng, như cách chúng tôi đã làm trong quá khứ”, thông báo của CDC nêu rõ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phước (khoa nội tim mạch, nệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.HCM) cho biết cùng tình hình chung trên cả nước, số ca đột quỵ (gồm xuất huyết não và nhồi máu não) được cấp cứu, điều trị tại bệnh viện trong thời gian qua có xu hướng tăng và trẻ hóa. Hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ, với mỗi quý có khoảng 110 – 120 bệnh nhân, tăng khoảng 20 – 30% so với thời gian trước (khoảng 80 – 90 ca/quý). Trong số này, bệnh nhân đột quỵ vì xuất huyết não có xu hướng trẻ hóa, bệnh viện đã ghi nhận bệnh nhân ở độ tuổi 32.
Còn tại bệnh viện Quân y 175, đại diện bệnh viện cho biết trong vài năm gần đây bệnh đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, bình quân 4-5 bệnh nhân bị đột quỵ nhập viện cấp cứu thì có một bệnh nhân là người trẻ.