(VNTB)-Dư âm Phạm Quang Nghị: Không nói gì là một nửa của nghệ thuật ngoại giao

Liên Sơn

(VNTB) Câu chuyện về cuộc gặp giữa ông Phạm Quang Nghị và ông Thượng nghị sĩ Hoa Kì McCain với bức tranh tấm bia hồ Trúc Bạch gây khá nhiều tranh cãi trong giới lề trái.

Sở dĩ như thế là vì bản thân món quà tặng có-gì-đó không phù hợp so với chuyến đi thăm Hoa Kì, trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm việc thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường (11/07/1995); hai nước ký tuyên bố chung cấp cao, xác lập quan hệ đối tác toàn diện (25/07/2013). Tính không phù hợp nó khiến cho ông Phạm Quang Nghị thiếu nhất quán về món quà, nên ông mới dò hỏi ý: “Thật tình, tôi không biết ngài có muốn có nó hay không?”.

“Thật tình tôi không biết ngài có muốn có nó không?”

Câu chuyện về bức tranh dù gì cũng xem như là lỗi ngoại giao, dù nó không ảnh hưởng hoàn toàn đến chuyến đi. Nhưng nó cần được xem xét và rút kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm tặng quà – bang giao.

Bởi những món quà ngoại giao cũng chính là một phần của ngoại giao, là cơ hội để trao đổi thông điệp và nhấn mạnh thông điệp. Trong đó, tăng cường tính hữu nghị và giành lấy sự bảo đảm về quyền lợi dân tộc là điều chốt yếu.

Như lá thư của ông Hồ Chí Minh gửi cho tổng thống Hoa Kì – Harry Truman được ông Chủ tịch nước giới thiệu cho Tổng thống Obama trong cuộc điện đàm vào ngày 25/07/2013 là một ví dụ sinh động nhất về cách tặng quà, ý nghĩa – thông điệp món quà, khi trong lá thư đó chứa đựng mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kì. Điều này là cần thiết, và ý định này lại càng cần thiết hơn nữa trong thời điểm Hoa Kì vừa ủng hộ lập trường của Việt Nam trong giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, Tuyên bố DOC, tiến tới COC…

Chỉ việc thông qua việc giới thiệu bản sao bức thư đã cho thấy dụng ý ngầm của Việt Nam. Dụng ý đó vừa hợp với đường lối ngoại giao (quan hệ đa phương; hợp tác toàn diện); vừa hợp thời (tranh thủ sự ủng hộ Hoa Kì trong vấn đề Biển Đông). Lá thư bản sao – vốn là món quà lại làm cầu nối khiến hai nước tăng thêm cơ hội hiểu nhau.

Vì vậy, tháng Bảy năm ngoái, ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm tốt vai trò của mình khi đi công cán Hoa Kì – nhất là ông không phải đặt câu hỏi: “Thật tình tôi không biết ngài có muốn có nó không?”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: Báo Hànộimới)

Một nửa của nghệ thuật ngoại giao

Giả như ông Phạm Quang Nghị cũng tinh ý và khéo léo trong chuyến thăm của ông vào tháng Bảy vừa rồi chắc chắn sẽ tuyệt vời hơn nữa. Thu hút sự bàn tán kể cả lề trái, lề phải, trong đó hẳn sẽ không ít lời tán dương.

Thế mới biết, ngoại giao, nhiều lúc cũng lắm thực dụng. Nhưng thực dụng lại được làm nên từ sự khéo léo, tinh tế, sắc sảo – hiểu người hiểu ta, biết nhập gia tùy tục đúng lúc, nhạy bén và linh hoạt trong mọi tình huống.

Tất cả chỉ để đạt được lợi ích và xúc tiến quyền lợi quốc gia và dân tộc.

Tất cả để tránh cho quốc dân bị bẽ mặt hoặc rơi vào cái tình trạng: “Thật tình tôi không biết ngài có muốn có nó không?” khiến cho “Không nói gì, đặc biệt khi lên tiếng, đó là một nửa của nghệ thuật ngoại giao” (Harry S. Truman).

Liên Sơn

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)