Định Tường
(VNTB) – Dự án bệnh viện ung bướu Cần Thơ với vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng dừng thi công hơn một năm nay.
Dự án bệnh viện ung bướu Cần Thơ với vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng dừng thi công hơn một năm nay. Trong khi đó, tại cơ sở cũ đã xuống cấp, bệnh nhân chịu cảnh chen chúc, chờ 3-4 tháng để được xạ trị.
Nói theo cách quen thuộc của báo cáo chính trị, thì đến nay vẫn chưa quan chức nào đứng ra chịu trách nhiệm về tình cảnh này của ngành y tế được coi là lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tưởng chừng người miền Tây sẽ đỡ cực lúc bệnh tật
Thông cáo báo chí phát hành ở hôm khởi công dự án 11-10-2017, đọc nghe rất… ‘sướng tai’: Dự án bệnh viện ung bướu lớn và hiện đại nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long này có tổng mức đầu tư là 1.727 tỷ đồng, tương đương 70,5 triệu euro. Trong đó nguồn vốn ODA Chính phủ Hungary là gần 56,9 triệu euro, còn lại là vốn đối ứng địa phương. Thời gian thực hiện dự án là 3 năm từ 2016-2018.
Mục tiêu của dự án là xây dựng mới bệnh viện gồm 4 khối nhà chính, khối cao nhất 6 tầng, với tổng diện tích sàn là 44.575 m2, khu công trình phụ có diện tích 18.836 m2; mua sắm mới trang thiết bị xây lắp và trang thiết bị y tế, nội thất, văn phòng; đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho cán bộ của bệnh viện; nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực vận hành.
Phát biểu tại buổi khởi công, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary Bus Szilvester nhấn mạnh: Sau buổi toạ đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 25-9, Thủ tướng Hungary Orban Vikator khẳng định, Hungary sẽ xây dựng một bệnh viện ưu việt tại Cần Thơ và hôm nay là ngày đánh dấu sự kiện quan trọng này.
Ngoài xây bệnh viện, Hungary mong muốn tiếp đón các chuyên gia về ung bướu của Việt Nam sang học tập để có thể chuyển giao những thành công quốc tế mà Hungary đạt được trong lĩnh vực ung bướu. Tất cả những điều này góp phần củng cố thêm tình hữu nghị giữa Hungary và Việt Nam…
Chính phủ nhiệm kỳ Nguyễn Xuân Phúc phải chịu trách nhiệm
Thế nhưng tính đến hiện tại thì tổng giá trị khối lượng liên danh nhà thầu đã thực hiện chỉ tương đương khoảng 297,6/1.393 tỷ đồng, đạt 21,3% tổng giá trị khối lượng hợp đồng Tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC).
Hợp đồng giữa Sở Y tế (chủ dự án) và liên danh nhà thầu đã hết hiệu lực vào ngày 10-7-2022. Hiệp định vay của dự án đã được ký kết (lần 2) giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Eximbank Hungary cũng đã hết hiệu lực vào ngày 11-7-2022.
Lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ nói rằng quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định phần khối lượng mà liên danh nhà thầu đã thực hiện, dẫn đến khó xác định giá thanh toán – ví dụ như thành viên đứng đầu liên danh VMD Kórházi Technológiai Zrt (phạm vi thi công bao gồm hệ thống gọi y tá; hệ thống mạng LAN + TEL; hệ thống xếp hàng tự động, hệ thống chuyển dữ liệu…), trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đã liên tục đề xuất điều chỉnh các trang thiết bị y tế chuyên dùng, vật liệu xây dựng, thiết bị xây dựng và trang thiết bị y tế không chuyên dùng dẫn đến không đảm bảo tỷ lệ 50% hàng hóa xuất xứ Hungary theo quy định, làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án.
Phía chủ dự án cũng cho rằng thành viên đứng đầu liên danh chưa chủ động bố trí nhân sự có thẩm quyền có mặt thường xuyên tại Việt Nam trong suốt thời gian triển khai dự án để điều hành, xử lý các phần công việc thuộc phạm vi thực hiện của các thành viên trong liên danh nên khi gặp khó khăn vướng mắc phải mất nhiều thời gian để thống nhất…
Không thấy công khai về trách nhiệm từ phía Việt Nam trong dự án trên ra sao mà đã khiến dự án đình trệ và rồi sau đó là hết hiệu lực của thỏa thuận vay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang chờ… Trần Lưu Quang?
Phía chính quyền Cần Thơ cho biết hướng giải quyết vẫn còn đang đợi hướng dẫn từ trung ương – trích văn bản: “Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và sớm hoàn thành dự án, UBND thành phố đã báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với TP Cần Thơ vào ngày 14-5-2023.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo và giải quyết trong quý III năm 2023; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, UBND TP Cần Thơ và các bộ, cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác khẩn trương đàm phán với phía Hungary gia hạn Hiệp định khung của dự án, giải quyết vướng mắc về tỷ lệ xuất xứ hàng hóa với trang thiết bị bệnh viện để tiếp tục triển khai dự án”.
Trước đó, UBND TP Cần Thơ từng đề xuất chính phủ xin ngừng sử dụng vốn ODA của Hungary, thanh toán phần đã vay, xác định khối lượng đã thực hiện, quyết toán cho các nhà thầu. Sau đó, địa phương xin vốn trung ương, vốn đối ứng địa phương khoảng 300 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện các công việc còn lại.
Tây đô hôm nay là vầy đây…
Hiện lượt bệnh nhân đến bệnh viện ung bướu Cần Thơ (cơ sở nằm trên đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều, trước đây là bệnh viện đa khoa Cần Thơ) ngày càng tăng, bình quân 1.000 lượt bệnh nhân ngoại trú và trên 500 bệnh nhân nội trú/ngày.
Tuy nhiên, bệnh viện chỉ có 4 phòng mổ, 1 máy xạ trị, 1 máy SPECT, 1 máy CT và các trang thiết bị khác với số lượng hạn chế. Bệnh viện phải bố trí nhân sự và sử dụng trang thiết bị, phòng mổ với công suất rất cao bình quân 12-24 giờ/ngày (đặc biệt xạ trị với công suất 24/7). Bệnh nhân phẫu thuật chờ đợi bình quân trên 2 tuần, xạ trị từ 3-4 tháng mặc dù đây là thời gian đã được bệnh viện chuyển giảm tải đi các đơn vị khác có máy xạ như Cà Mau, TP HCM,…
Ông Võ Văn Kha, giám đốc bệnh viện cho biết thêm, theo thiết kế và danh mục trang thiết bị bệnh viện Ung bướu mới sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị về phẫu thuật, xạ trị cũng như các Kỹ thuật hiện đại bệnh nhân không phải đi TP.HCM hay nước ngoài để thực hiện. Tuy nhiên, dự án hoàn thành chậm tiến độ gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám và điều trị cho bệnh nhân.