Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dự án đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ quay trở lại mức giá 9 tỷ Mỹ kim

Định Tường

 

(VNTB) – Tuyến đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ  với tổng chiều dài 174,42km có tổng mức đầu tư khoảng 9 tỷ USD.

 

Tháng 5-2022, dự án đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ được thông báo thay vì 10 tỷ Mỹ kim như dự tính, sẽ xuống còn khoảng 7 tỷ USD, và cần triển khai trước năm 2030.

Đến đầu năm nay, tháng 1-2023 theo tính toán sơ bộ, tuyến đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ bắt đầu từ ga An Bình (Bình Dương) đến ga Cần Thơ (Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 174,42km, tổng mức đầu tư khoảng 9 tỷ USD, tương đương 213.948 tỷ đồng.

Ngày 19-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó định hướng nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ.

Tháng 5-2022, theo báo cáo của đơn vị liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – TP. Cần Thơ có điểm đầu ở ga An Bình (Dĩ An, Bình Dương) và điểm cuối ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ). Toàn tuyến đi qua và kết nối sáu tỉnh/thành, gồm: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ với tổng cộng 13 ga. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến cần khoảng 7 tỷ USD.

Tại địa phận TP. Cần Thơ, tuyến có chiều dài khoảng 6,5 km. Hướng tuyến dự kiến đi giữa trục đường 1A thuộc khu công nghiệp Hưng Phú 1, đi qua khu đô thị Nam Cần Thơ. Ở đoạn này, đường sắt đi trên cao, vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ nhằm tránh giao cắt với quốc lộ và đường trục trong khu công nghiệp Hưng Phú 1.

Đây là tuyến đường sắt có ray khổ đôi 1,435 mm, dành cho đường sắt tốc độ cao phổ biến trên thế giới, vận hành tàu chở khách chạy 200 km/h, tàu hàng 150 km/h. Tốc độ thiết kế cho tuyến TP.HCM – Cần Thơ vào khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng. Như vậy, thời gian đi từ Cần Thơ đến TP.HCM và ngược lại sẽ rút ngắn chỉ còn 75 – 80 phút, thay vì mất từ 3 – 4 giờ đi đường bộ như hiện nay.

Lúc đó, phía TP. Cần Thơ cho biết Tập đoàn Hitachi của Nhật Bản quan tâm đến dự án đường sắt này.

Trước đó, vào trung tuần tháng 3-2022, TP. Cần Thơ đã có kiến nghị về việc điều chỉnh vị trí nhà ga cuối ở Cần Thơ (Ga Cái Răng). Theo đó, khu vực dự kiến bố trí nhà ga này có quy hoạch nút giao IC2 giữa tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và tuyến nối quốc lộ 91 Nam sông Hậu ra cảng Cái Cui (quận Cái Răng).

Vì vậy, để bảo đảm thuận lợi khi thực hiện dự án, Cần Thơ đề xuất vị trí ga sẽ song song với đường bộ quốc lộ 91 Nam sông Hậu, nằm về phía tây nút giao IC2 khoảng 1,5 km. Song song, đơn vị tư vấn cũng kiến nghị Cần Thơ cần bố trí quy hoạch đất xung quanh phạm vi của ga nhằm tăng tính hấp dẫn, tăng khối lượng hàng hóa và hành khách cho đường sắt, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.

Phía TP.HCM cho biết dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ cũng đang có hai nhà đầu tư đến từ Mỹ và Vương quốc Anh quan tâm.

Đến đầu năm nay, phía Ban quản lý dự án đường sắt trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải về kết quả khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, cho biết qua nghiên cứu sơ bộ tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 174,42km.

Tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1.435mm, điện khí hóa để khai thác cả tàu khách và tàu hàng. Tuyến đường sắt này cần bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa… Công nghệ được lựa chọn cho đường sắt TP.HCM – Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách và đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến.

Tốc độ thiết kế lớn nhất để chạy tàu là 190km/h, khai thác tàu khách với tốc độ dưới 190km/h, tàu hàng khai thác tốc độ dưới 120km/h. Tổng mức đầu tư dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ dự kiến 213.948 tỉ đồng (khoảng 9,07 tỉ USD).

Đơn vị tư vấn nghiên cứu dự án đề xuất đầu tư dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ theo phương thức đối tác công – tư (PPP). Nhà nước thanh toán tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước theo hình thức hợp đồng BTL (Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ).

Theo đó, nhà đầu tư PPP đầu tư hạ tầng và cho đơn vị vận hành thuê. Đề xuất thuê khai thác trong vòng 30 năm.

Nếu dự án trên được phê duyệt, coi như bình quân 1 km đường sắt tốn gần 52 triệu Mỹ kim.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Giang hồ đồn đoán trùm cuối là…

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Kép độc

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Tỉnh Bình Dương đang khủng hoảng nhân lực y tế?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo