Việt Nam Thời Báo

VNTB – Du hành biển đảo

Thư Thư

(VNTB) – Du thuyền đến thăm các đảo trong vùng Caribe

Sau 2 ngày từ Miami lênh đênh trên biển vùng Bắc Đại Tây Dương chúng tôi đến đảo đầu tiên trong cuộc du hành theo chương trình của tàu. Thực tế chỉ loanh quanh trong vùng bắc biển Caribbean, phía Nam Florida, mà kinh tế của các hòn đảo phụ thuộc phần lớn vào du lịch. Vùng này gồm lại thành khu resort lớn nhất thế giới trong mùa đông cho khách đến từ xứ lạnh.

Tàu đưa chúng tôi đến nơi đầu tiên, trong 4 địa điểm dự trù, là San Juan, thủ đô của Puerto Rico, thuộc địa Mỹ, nơi lên xuống tàu du khách không phải trình passport. Nếu bạn đọc trên các trang mạng về du lịch sẽ thấy hình ảnh một thủ đô rực rỡ, với những dãy building và bãi biển hấp dẫn và những khu phố cổ có di tích hàng trăm năm trước, nhưng đó sẽ không phải tất cả những gì bạn được xem, được chiêm ngưỡng, sờ mó, tận hưởng cảm giác dụng chạm với quá khứ, hay chìm mình vào hiện tại trong chuyến du hành 7 ngày bằng tàu này.

Xuống bến San Juan hàng chục tài xế đến vây chung quanh bạn, tự nhận là tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch, liến thoắng tiếng anh như bắp rang nổ tung mà nhóm du khách, trong đó có một nửa sinh ra tại Mỹ, phải hỏi nhau người đó nói gì. Với 25 đô la Mỹ mỗi người, hai người tài xế chở 15 người chúng tôi vào khu phố cổ Old San Juan thấy ghi trên bản tin phát hàng ngày của tàu được đưa vào tới phòng ngủ. Cũng phải thôi. Chỉ có những đặc thù, văn hóa địa phương mới làm du khách thích thú.

Chỉ vài phút kể từ bến cảng, chúng tôi được đưa đến Điện Capital trên đường Constitution Ave. Đối diện bên kia đường toà nhà chính phủ là tượng 9 ông TT Mỹ đã từng đến thăm thuộc địa này kể từ sau cuộc chiến Mỹ-Tây Ban Nha 1898:

Theodore Roosevelt, Herbert Hoover, Franklin D. Roosevelt, Harry Truman, Dwight Eisenhower, John F. Kennedy, Lyndon Johnson, Gerald Ford, and Barack Obama. TT Donald Trump là người thứ 10 chính thức thăm thuộc địa này nhưng đến nay chưa nghe đến chuyện dựng tượng ông.

Từ trên tàu đi vào cảng, chúng tôi trầm trồ nhìn pháo đài cổ đồ sộ phòng thủ tàu thuyền nước ngoài xâm nhập đảo quốc nằm đúng nơi đầu sóng ngọn gió, mong được vào thăm, nhưng ông tour guide kiêm tài xế cho xe chạy qua.

Loanh quanh các con đường hẹp, khúc khuỷu với những khu nhà đầy màu sắc nhưng nghèo nàn, cũ kỹ và nhiều căn rách nát chúng tôi mới được đưa đến khu di tích lịch sử, Castillo San Felipe del Morro gọi tắt là El Morro, đồ sộ hướng ra biển.

Đây chính là pháo đài nhìn thấy từ cửa biển. Với thời hạn 20 phút ông tài xế ấn định, chúng tôi chỉ có thể đứng từ xa, bên cái nghĩa địa cổ dưới chân lâu đài, nhìn lên dáng vẻ cổ kính, hùng vĩ với bãi cỏ mênh mông phía trước đầy người lớn, trẻ em thả diều; thèm muốn chạy theo cùng họ bay bổng trong gió chiều.

Hết 20 phút, ông tài kêu chúng tôi lên xe cho đi một vòng khu phố nhỏ của thủ đô, rồi đưa cả bọn về khu Old City Square, bảo rằng, quý vị có thể loanh quanh khu này rồi về tàu, cách 10 phút đi bộ.

Khu này cũng không có gì đặc biệt đáng nói ngoài ánh đèn ban đêm rọi xuống từ trên cao khiến tất cả đều nhuộm một ánh vàng khá lạ.

Những chi tiết tôi kể chẳng qua là đọc được trên các bảng đồng gắn nơi tham quan. Ông tài tự nhận là tour guide chuyên nghiệp chỉ liến thoắng trên xe, rồi khi đến chỗ ông đậu xe cho xuống, nói đây là đâu và nhắc đi, nhắc lại thời gian được ngắm nghía 15, 20 phút. Thế thôi. Khoảng 2 tiếng loanh quanh, vừa xe chạy, vừa lớt phớt xem, chụp hình, cả nhóm chúng tôi phải trả 375 đô. Mắc quá!

Hôm sau, tàu đưa chúng tôi đến đảo Charlotte Amalie cách San Juan 76 hải lý.

Tàu cho phép khách chơi trên đảo hơn nửa ngày. Ngồi trên chiếc xe đò rách nệm của cô tài xế da đen dễ thương, đám chúng tôi được phen ngả nghiêng đến 25 phút vèo vèo lượn qua, lúc lên, lúc xuống sườn núi ngoằn ngoèo để vào khu bãi biển chúng tôi chọn Virgin Beach được quảng cáo tuyệt đẹp, sau khi phải trả thêm mỗi người 5 đô.

Trên đảoquốc này người ta lái xe bên tay trái và những bảng chỉ đường bằng tiếng Tây Ban Nha. Đường núi quanh co, hẹp, lái xe nhanh, ngồi trên xe nhiều lúc tưởng tai nạn sẽ xảy ra.

Bãi biển có tên là Trinh Nữ này nhỏ nhưng khá xinh đẹp. Ba phía bao bọc bởi các rừng cây, núi đá thấp. Nước trong vắt, êm sóng và sạch sẽ. Cá bơi ven bờ nhiều hơn số người tắm. Nhưng có điều khó chịu chưa bao giờ gặp ở các bãi tắm dành cho du khách là nước ngọt dùng để tắm lại. Trong phòng tắm, có tấm bảng ghi rất chi là thành thật rằng, “Nước tắm ở dây có pha nước biển, xin đừng uống”, nhưng thật ra chỉ là nước biển ‘trinh nguyên’ không pha chế.

Điều phiền phức thứ hai. Tàu cho biết nhà chức trách sẽ phạt rất nặng du khách mang vào bất cứ loại thực phẩm nào. Bãi tắm chỉ có một quán bán thức ăn và nước uống ở cách rất xa, bọn nhỏ nhăn nhó kêu đói. May trong ba lô còn vài thỏi xúc xích bỏ quên, ‘cứu đói’. Thực ra lên, xuống tàu không ai bị hỏi có mang hạt giống, thức ăn rau củ gì.

Ngày hôm sau, chúng tôi đến đảo San Felipe De Puerto Plata chỉ để đi tàu treo lên đỉnh ngọn Giêsu, núi cao 800 mét, chụp hình với tượng Chúa rồi đi về tàu trước khi bác tài hào phóng cho lượn một vòng khu phố cổ, dẫn vào khu phố chật hẹp, ghé một tiệm bán kỷ vật để kiếm chút hoa hồng. Chỉ nhớ có câu chuyện vui bác tài kể khi ngang nhà thờ thánh Filipe, “Dân trên đảo này có khoảng 75% theo đạo Catholic, nhưng đến 100% theo đạo Alcoholic”.

Chặng cuối cùng tàu sẽ ghé là đảo san hô Ocean Cay thuộc Bahama.

Đảo san hô từng hoang dã này được tàu quảng cáo là của riêng họ, đã được cải tạo thành khu du lịch phù hợp với thiên nhiên, cảnh quan, môi trường tuyệt vời. Trong khoảng 11 giờ trên đảo du khách được thưởng thức ‘free’ tài nấu nướng của các đầu bếp trên đảo tại chỗ và chơi bời thả dàn. Đây hẳn là đỉnh điểm của chuyến du lịch bằng tàu.

Than ôi trời đổ bão! Cả vùng biển Hispaniola, dọc theo Cuba mà tàu đi qua mịt mờ trong cơn mưa dữ dội. Ngày nắng đẹp, nhìn từ cabin ngoài phòng tưởng như tàu đi rất nhanh. Mới thấy con tàu chở hàng nào đó lờ mờ phía trước, chỉ gần một giờ hai tàu đã đi song song, và khoảng 20 phút sau, chiếc thương thuyền chỉ còn là một chấm nhỏ xa tít phía sau. Cơn bão khiến con tàu phải chạy chậm lại, chậm đến mức một chiếc tàu chở hàng hoá đã qua mặt nó. Có lẽ ông thuyền trưởng chạy chậm chờ cơn bão tan để ghé Ocean Cay. Nhưng bão vẫn hoành hành, tàu vẫn cứ chạy từ từ cho đến lúc hành khách nghe thông báo là sáng mai chúng ta sẽ về đến Miami và quý vị sẽ xuống tàu khi mưa bớt hạt.

Khoảng 9 giờ, sau khi ăn sáng, hàng ngàn du khách mệt mỏi rời tàu mang theo một số người bị COVID-19, trong đó, nhóm tôi có 3 người.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cờ-ru du ký

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Làm gì để báo cáo chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ăn uống trên tàu du lịch quanh vùng Carribean

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo