VNTB – Dự luật biểu tình: Góc nhìn khác của Bộ Công an

Thảo Vy


(VNTB) – Nguồn “tin nội bộ” cho biết nhóm soạn thảo dự luật biểu tình của Bộ Công an đồng tình với việc cần sớm có Luật biểu tình.

Có ít nhất 5 lý do như sau:

Thứ nhất, không thể tiếp tục “vô chính phủ”

Những hoạt động diễu hành, đình công, biểu tình… vẫn thường xuyên xảy ra. Mỗi vụ việc một khác do mục tiêu của dân chúng có những sự khác nhau. Sự kiện xảy ra ở tỉnh Bình Dương là một điển hình của tự do vô chính phủ. Chỉ riêng một sự kiện này là có đủ thông tin cho những xem xét nghiêm túc.

Trước hết, đấy là tốc độ lây lan hành động phản kháng một cách gần như vô thức và không kiểm soát được. Sáng 13-5-2014, khoảng 7.000 công nhân công ty giày Thông Dụng, phường An Phú, Thuận An, bắt đầu cuộc tuần hành từ trụ sở công ty qua nhiều tuyến đường và hô vang khẩu hiệu phản đối việc Trung Quốc ngang ngược lắp đặt giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trên đường đi, họ đã tràn vào Công ty Kingmaker Footwear, thuộc KCN VSIP I, họ hô hoán và yêu cầu cho công nhân nghỉ để đi biểu tình. Một lượng lớn công nhân tại đây đã hòa cùng dòng người tuần hành tiếp qua các trục đường tại khu công nghiệp VSIP I, tìm những công ty của Trung Quốc để phản đối.

Tại Thủ Dầu Một, hàng nghìn công nhân Công ty may mặc Hoàng Gia Cát Tường cũng lãn công, tiến hành tuần hành tại khu vực đường Bác sĩ Yersin, phường Hiệp Thành. Sau đó, đoàn người tiếp tục vào các tuyến đường khu vực Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương.

Đến trưa cùng ngày, cuộc biểu tình tiếp tục lan sang cụm công nghiệp An Thạnh, Thuận An. Đến 15g, làn sóng công nhân xuống đường phản đối Trung Quốc đã xảy ra trên diện rộng ở Dĩ An, KCN Sóng Thần, KCN VSIP II, khu vực TP Thủ Dầu Một… và không có dấu hiệu ngừng lại.

Sáng 14-5-2014, tại tỉnh Bình Dương có khoảng 19.000 công nhân lao động tham gia diễu hành. Lúc đầu buổi diễu hành diễn ra trong ôn hoà, tuy nhiên nhiều người có dấu hiệu quá khích đã kích động, phá cổng các doanh nghiệp đột nhập vào bên trong và đập phá.

Chiều và tối 14-5-2014 tình hình đã lây lan ra KCN Vũng Áng, Hà Tĩnh, hàng nghìn người ở huyện Kỳ Anh đã kéo đến khu xây dựng nhà máy thép Formosa, nơi có nhiều công nhân người Trung Quốc làm việc biểu tình. Sự việc đã bị mất kiểm soát dẫn đến xô xát, hành hung, đốt nhà xưởng, 1 người đã thiệt mạng, nhiều người bị thương.

Những vấn đề trên cho thấy, để chủ động và đủ sức đối phó với bất ổn khi đám đông bị kích động thì cần có một lực lượng ứng trực đủ mạnh cả về số lượng, chất lượng và kĩ thuật. Cần có phương án phối hợp các lực lượng đứng chân trên địa bàn để kiềm tỏa, hạn chế thiệt hại.

Thứ hai, biểu tình đã thành bạo động

Trong các cuộc xuống đường có tính bạo động vừa qua có rất nhiều người đã sử dụng công cụ bạo lực tự chế để đập phá, đốt cháy tài sản doanh nghiệp, tài sản công cộng. Đấy chỉ là một trong những hành vi đi quá giới hạn luật pháp thường xảy ra trong biểu tình.

Chúng ta chưa có một luật biểu tình để quy định những chế tài điều chỉnh hành vi của người biểu tình kiểu như vậy. Một số ý kiến cho rằng, tuy chưa có luật nhưng đã có nghị định 38 điều chỉnh được vấn đề biểu tình.

Nghị định 38 chỉ mới dừng lại ở các văn bản dưới luật quy định hành vi tụ tập đông người. Nó không chi tiết hóa những việc được và không được làm của người tham gia biểu tình và thực tế là không thể điều chỉnh hết những tình huống thường phát sinh trong biểu tình chẳng hạn như, địa điểm dành cho biểu tình, luồng đường, phạm vi di chuyển dành cho biểu tình, vật dụng được phép mang theo trong biểu tình… Rất nhiều những chi tiết cần được chế tài để hạn chế những thiệt hại ngoài mong muốn, ngoài mục đích của biểu tình.

Những tình huống xấu đó cần phải được dự báo cho hết để đưa vào luật vừa để ngăn ngừa sai phạm, vừa để dễ dàng cho xử lý vi phạm.

Thứ ba, tuyên truyền pháp luật vẫn còn kém

Những hành vi vi phạm pháp luật của công nhân trong các địa phương vừa rồi đang bị xử lý về hình sự như hôi của, đập phá tài sản, thúc ép người khác phải tham gia biểu tình, chống người thi hành công vụ… đã đều được quy định trong các văn bản luật song nhiều người vẫn rất ngang nhiên, vô tư hành động. Điều đó chứng tỏ rằng, công tác tuyên truyền pháp luật chưa tốt.

Do đó, chưa hình thành được kĩ năng sống cho dân chúng mọi lứa tuổi, dẫn đến tình trạng tùy tiên, hỗn loạn, bất chấp luật pháp. Hiện nay, hệ thống luật của chúng ta cũng đã khá đầy đủ song hầu như nó chỉ mới dừng lại ở khâu ra văn bản.

Xây dựng luật là rất cần thiết, nhưng để luật đi vào cuộc sống thì tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn quan trọng hơn. Vì vậy, cần đầu tư xứng đáng cho phổ biến, tuyên truyền pháp luật.

Thứ tư, cần biết đâu là giới hạn


Thực tiễn của các vụ xuống đường có tính bạo động vừa rồi cho thấy khả năng nhận biết những hành vi kẻ xấu lợi dụng biểu tình cho những mục đích chính trị, hình sự của dân chúng là rất hạn chế. Do vậy, họ đã đi theo đám đông rất dễ dàng. Sẽ rất nguy hiểm khi mà những kẻ xấu, có ý đồ từ trước trà trộn vào đội ngũ quần chúng rồi kích động, lái hướng dân chúng theo những những hành vi châm ngòi của chúng làm tình hình phức tạp thêm, làm chệch hướng cuộc biểu tình.

Cùng với đó, nhận thức của người dân về mục đích biểu tình là không rõ ràng nên không giới hạn được hành vi của mình.

Điều này cho thấy, khi xây dựng luật cần phải có những quy định về mục đích của biểu tình. Mỗi cuộc biểu tình phải có mục đích rõ ràng và không được hoạt động vượt ra ngoài mục đích đã được đăng ký.

Thứ năm, sức mạnh và sự cuồng nộ

Thực tiễn của tình hình vừa rồi cho thấy sức mạnh của quần chúng là rất đáng nể, nhưng sức mạnh đó đã bị mất phương hướng. Nó chỉ còn là sự cuồng nộ của những đám đông hành động theo tâm lý bột phát. Sức mạnh quần chúng chỉ được phát huy tốt nhất khi nó được tổ chức chặt chẽ, hướng dẫn hành động đúng hướng, đúng mục tiêu.

Vì vậy, mọi cuộc xuống đường của quần chúng đều phải và nên có một nhóm đại diện đứng ra tổ chức, hướng dẫn. Thậm chí những người đại diện đó còn chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động đám đông mà mình đại diện khi nó vượt quá giới hạn.

Ở các nước tiên tiến, biểu tình phải đăng ký trước về cả nội dung, địa điểm, quy mô, hành trình… và phải chịu những chế tài để khi thực hiện quyền của mình mà không ảnh hưởng đến quyền của người khác. Đó là văn minh biểu tình. Những điều đó phải được thể hiện vào trong luật biểu tình sắp tới.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)