Anh Văn (VNTB) Không chuẩn mực về ngôn ngữ, phản dân chủ, đi ngược xu thế phát triển của xã hội,… Đây là những ý kiến của những người tham gia tọa đàm về “Xây dựng Luật về Hôi phù hợp với chiến lược hội nhập Quốc tế của Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội, chiều 21/10.
Quy định ngược đời, ngôn ngữ mơ hồ
Vấn đề Hội đặt ra từ năm 1993, nhưng đến nay, sau hơn 20 năm, tư duy nhà nước vẫn là tìm mọi cách “quản chặt” hơn là tạo điều kiện cho sự hợp tác.

Dự luật về Hội lần này bị đánh giá là vô trách nhiệm và đi ngược lại với tiến trình phát triển tại Việt Nam.
Khi dự luật quy định người đứng đầu các Hội đoàn phải được chính quyền bổ nhiệm (thay vì căn cứ vào sự bổ nhiệm từ hội đồng ủy thác theo như đúng dân chủ cơ sở). Theo TS Nguyễn Đức Thành, điều này là sự “lạm dụng uy quyền” khiến cho tổ chức hội thiếu đi tính linh hoạt.
Bên cạnh đó, ngôn từ mơ hồ và sự thiếu chuẩn mực về ngôn ngữ liên quan đến vấn đề “an ninh quốc gia”, theo ông Tùng, là một vấn đề trong dự thảo luật lần này, bởi an ninh quốc gia là sự bạo động khiến cho an ninh quốc gia bị tổn hại chứ không phải là suy diễn từ sự tổn hại của một lãnh đạo bất kỳ mà dự luật nêu ra.
Học sinh Nguyễn Lê Kim Hoa (trường Trần Khai Nguyên – TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ sự bức bối, khó chịu khi đọc dự thảo Luật về Hội, theo bạn – dự thảo đã cắt đứt mối liên hệ giữa cá nhân đối với cộng đồng, vì nó khiến khai tử các nhóm hội chưa đăng kỷ (vốn tồn tại nhiều trong trường học và ngoài xã hội).
Chuyên gia kinh tế độc lập – bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, đây không phải lần đầu bà góp ý về vấn đề này, bản dự thảo ngày 20/10 cũng xuất hiện đầy rẫy những hạn chế không đáng xuất hiện, thậm chí là những quy định mà bà cho là ngược đời.
Cụ thể, dự thảo Luật lần này chủ yếu là hành chính hóa hội. Cụ thể, là tại Điều 10 – Khoản 3 quy định Hội lập ra phải căn cứ vào ngành nghề nhà nước quy định, “vậy hội người già phải theo ngành nghề nào?,” bà Lan bày tỏ.
Quyền khiếu nại của người làm hồ sơ lại không được quy định trong trường hợp giấy tờ đăng ký tổ chức hội bị chính quyền khước từ; thời gian đăng ký quá lâu (60 ngày); quy định số lượng tối đa hội viên,…
Đặc biệt, bà lưu ý rằng, Việt Nam mỗi năm nhận 2,5 tỷ đô-la tài trợ từ nước ngoài cho các hội nhóm, trong đó 80% là các Hội do nhà nước quản lý.
“Vậy nhà nước quy định không được nhận tài trợ nước ngoài có phải là vứt bỏ 2,5 tỷ đô-la?,” bà Lan tự chấp vấn.
Thậm chí, vị chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, sự thật nhà nước đang tìm mọi cách bó lại, quản chặt lại. Vì tại Điều 8 – Khoản 3 quy định việc chính quyền “phân công” lãnh đạo Hội ngay cả khi họ không làm trong hệ thống hành chính công, điều này có trái với Luật công chức hay không? Thậm chí bà Lan còn tiết lộ, nhiều Hội buộc phải là người đứng đầu là một vị thứ trưởng, mới chấp nhận Hội đó được đăng ký là một sự vi hiến nặng nề.
Hội gì cũng chết
Một số đại biểu khác bày tỏ thẳng thắn, việc chỉ có tổ chức đăng ký mới được hoạt động chính là hình thức Chính phủ hóa Hội, và điều này cho thấy, quyền tự do lập hội đã bị hạn chế bởi bộ máy hành chính nhà nước.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Hội khuyết tật, dự thảo luật này đã khai tử các tổ chức hội đã hoặc chưa đăng ký.
Vị địa diện này cho hay, thứ nhất quy định trụ sở là cực kỳ khó khăn cho tổ chức nhỏ và lẻ, vì ngày Hội khuyết tật Hà Nội cho đến nay vẫn đang vay mượn trụ sở. Quy định về sự “uy tín” là một kiểu định tính, trong khi đó vấn đề “chuyên môn, nghiệp vụ” liên quan đến người lãnh đạo Hội lại bỏ ngỏ.
Lấy ví dụ từ tổ chức mình, bà Đặng Huỳnh Mai Chủ tịch Liên hiệp hội khuyết tật Việt Nam là nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; còn ông Nguyễn Huy Ban – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp hội lại là Nguyên Tổng giám đốc Bảo hiểm Việt Nam.
Đối với các hội đã ra đời, thì quy định không nhận tài trợ nước ngoài đã xóa sổ yếu tố “tự chủ tài chính”, và đẩy những hội nhóm tự lực, tự quản ra bên lề xã hội.
Một đại diện trẻ đến từ Liên minh Cầu Vồng (chống xu hướng bạo lực, kỳ thị tính dục tại trường học ở TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ thẳng thắn rằng, dự thảo luật về Hội lần này đã thanh trừng và diệt hội đoàn dân sự ngay trong trứng nước.
Phản dân chủ vì người làm luật e ngại
TS Nguyễn Đức Thành (VEPR) cho biết, mặc dù 10 năm qua chứng kiến sự mở rộng không gian dân sự, tuy nhiên cho đến nay xã hội dân sự đến nay vẫn là khái niệm còn nhạy cảm tại Việt Nam, kể cả về mặt truyền thông – báo chí. Dự thảo Luật về Hội ngày 20/10 và trước đó đã cho thấy, đến nay, thể chế đang thực sự hụt hơi trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển nêu trên.
Trong khi đó, một xã hội muốn phát triển thì cần phải tạo ra bộ mặt người, đảm bảo hai yếu tố là kinh tế tư nhân và xã hội dân sự.
Lý do cho vấn đề nêu trên, theo TS Nguyễn Đức Thành là do người làm luật vẫn còn e ngại rằng, sự mở rộng không gian dân sự sẽ làm mất đi sự “kiểm soát của nhà nước.”
Đồng tình về vấn đề này, nhà báo độc lập Trần Tiến Đức – người đang làm mảng truyền thông đối với nhóm người yếu thế cũng nhấn mạnh, sự sợ hãi đó khiến cho dự thảo Luật về Hội lần này trở nên “phản dân chủ”.
Trách nhiệm thì làm, không thì dừng lại
Học giả Lã Thanh Tùng chỉ ra, theo Điều 22/1 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966) thì: “Mọi người có quyền tự do hiệp hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”. Theo ông Tùng, là thành viên của Ủy ban Nhân quyền (giám sát ICCPR), theo quy định Việt Nam phải báo cáo viên LHQ về tự do hiệp hội theo định kỳ 4 năm. Tuy nhiên, 14 năm qua – kể từ lần yêu cầu cuối (2002), Việt Nam vẫn chưa hề gửi báo cáo này. Điều này cho thấy, Việt Nam trở nên vô trách nhiệm trong việc thực thi các công ước quốc tế mà mình gia nhập.
Ông Hoàng Minh Hùng – một người đến từ một tổ chức dân sự nhấn mạnh, cần xem xét lại cách làm luật, theo đó – không cho Bộ nào làm, mà cần phải có một nhóm chuyên gia về Luật làm. Vì cắn cứ theo cơ chế dự thảo Luật về Hội đề ra, thì Việt Nam sẽ mãi mãi không thể hội nhập quốc tế trong tương lai.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chí Lan khẳng đinh, nếu một dự thảo Luật mà tốt hơn Nghị định thì cần điều chỉnh, còn không thì thôi.