Việt Nam Thời Báo

VNTB – Du sinh Việt Nam, Moritzburger, học nghề ở Đức

Nguỵ Hữu Tâm

 

Về nhóm người Moritzburger đi học  Feinmechaniker-công nhân cơ khí chính xác ở VEB Kamera- und Kinowerke Dresden – Xí nghiệp Quốc doanh Máy ảnh và máy chiếu phim Dresden, này thì phần đông là từ trường Maxim Gorki Heim, kể hết dài dòng quá, chỉ xin nêu các bạn trai đứng trên, kể từ trái sang: Văn và Thọ, toán 9 tôi đã kể từ bài trước, xin kể tiếp về Phan Bá, một góc trong bộ kính vạn hoa.

Anh Phan Bá toán 7, rất chăm chỉ, cẩn thận, kín tiếng, gốc khu Năm, là con lão thành cách mạng, lúc học với chúng tôi thì không nổi bật, nhưng sau này thì hoàn toàn khác. Sau khi học nghề với chúng tôi thì ngay năm 1962 đó, anh được phân công về một nhà máy vũ khí thuộc Bộ Quốc phòng mãi tít trên Yên Bái nên bặt tin tức. Đến 1965 khi Mỹ bắt đầu đánh phá Miền Bắc mạnh hơn trước rất nhiều mà tôi sẽ kể ở bài sau, trong khi 1964 số đi học nước ngoài rất hạn chế, thì các nước „anh em“ lại tăng chỉ số cho sinh viên Việt Nam lên ghê gớm tới mức không tìm được người đi học Đức (mà hồi đó dân gian truyền khẩu câu rất hay, tuy chỉ đúng một nửa: „muốn làm giàu thì đi Đức, muốn tìm kiến thức thì đi Nga“), thậm chí có những bạn chưa tốt nghiệp phổ thông cũng được gọi đi rồi bị phát hiện ra, hơi ôi. Nhưng nói chung các Moritzburger đều thành đạt, độc lập với bằng cấp, dẫu sao ở Việt Nam thì vẫn „nhất hậu duệ…“ mà. 

Nhưng với anh Bá thì do tài năng thật sự, anh sang Đức học trường TU Dresden nổi tiếng, rất giỏi, nên cứ thẳng tiến, ở lại làm TS A rồi B, hàng chục năm, ai nói chữ ngờ. Về nước anh được phân công ngay về Bộ Quốc phòng dạy ở trường  Đại học Kỹ thuật  Quân sự nên rất kín tiếng, mãi sau  này chúng tôi mới tiếp cận được. Anh có tham gia dịch sách của Freud với chúng tôi và hiện cũng đang cùng chúng tôi viết một cuốn sách. Anh có hai cháu gái (mọi người đều bảo ai có hai con gái đều giàu, với anh Bá chắc đúng). Hai cô đều đi học Đức ở trường bố đã học, một cô còn lấy chồng Đức dạy ở đó, có quốc tịch Đức ngay, làm chủ dự án về môi trường của CHLB Đức cho miền Nam trong SG và đã có lần gọi tôi vào công tác trong đó với chuyên gia Đức cả tuần.                                 

Nguyễn Hữu Thiện toán 7, trường chúng tôi, cũng con các cụ lão thành cách mạng trong Nam như chị Kim Hoàng, đều vốn là học sinh Miền Nam, và như anh Bá lúc học thì không nổi bật, nhưng giữa chừng được cùng anh Thọ gọi đi thành phố Jena học để tiếp quản Nhà chiếu hình vũ trụ mà nhà nước ta đã đặt mua của thành phố vồn nổi tiếng về quang học và khoa học nói chung này. 1962 khi tốt nghiệp, nhưng nhà nước quyết định thôi không mua cái  máy này  nữa, thì anh về UBKH&KTNN như chúng tôi, làm ở Trạm Nhiệt đới cùng anh Thọ rồi chưa được một năm thì được Ban Thống nhất TW gọi ngay sang làm việc cho Phân xã Thông tấn xã Giải phóng, sau là Cơ quan đại diện MTDTGPMNVN tại (Đông) Berlin. Rồi từ đây, năm 1966 anh được, như Nguyễn Thiện Nhân sau này đi trường Magdeburg như bài trước đã kể, gửi đi học trường TU Dresden theo diện MTDTGPMNVN cử đi, học giỏi nên được làm TS ngay, về nước năm 1974, thậm chí trước „giải phóng Miền Nam“ nên tạm thời về cơ quan cũ là UBKH&KTNN. 

Rồi đầu 1966, theo „đúng qui trình“ được cử phụ trách bộ phận Đo lường, Tiêu chuẩn, Chất lượng trong SG, tài năng cộng thời vận đã đưa anh từ đây, năm 1993 được Thủ tướng điều ra Hà Nội, làm Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường, Tiêu chuẩn, Chất lượng; mà tôi cũng từng làm hai năm ở Viện Đo lường nên tạm hiểu ý nghĩa ngành này và đánh giá cao anh Thiện. Anh Thiện giỏi và gặp may, nên „hạ cánh“ an toàn năm 2004, không như số phận các quan chức khác ở Việt Nam.         

Anh Tuyền, trường Käthe Kollwitz Heim, cũng con một gia đình cách mạng trong Nam, vẻ ngoài to khỏe, đẹp trai, học sinh Miền Nam, sau khi học nghề với chúng tôi được phân công về công tác ở một xí nghiệp sửa chữa vũ khí cùng anh Bá trên Yên Bái, nghe loáng thoáng anh tự tử chết. Hỏi kỹ ra mới hay, năm 1965 anh cũng được gọi cùng tất cả anh em Moritzburger khác ở Yên Bái về học dự bị đại học, sau một năm mọi người đi Đức anh ở lại học ĐHBK Hà Nội vì chắc có tin từ Tổng Cục 2 tung ra, cha anh trong Nam đã chiêu hồi, nên từ đó anh như con thú bị trọng thương, quê Khu Năm, vốn đã rất căng thẳng rồi, nên sau 1975 về lại chốn quê hương cũ mà dư luận ở đấy vốn còn nặng nề như thế đè lên, sức anh chịu chẳng nổi nên mới có cái tin mà tuy mọi người vẫn bán tín bán nghi như thế, nhưng lại là sự thật mười mươi. Chuyện cũng là bình thường ở một nước mà các mâu thuẫn tuy nhiều khi tưởng như chỉ hoàn toàn là xã hội nhưng lại có nguồn gốc từ chính trị, đã được đẩy lên đến đỉnh điểm như ở nước ta.                      

Huỳnh Ngọc Ẩn, học trường Käthe Kollwitz Heim, cũng con một cụ lão thành cách mạng trong Nam, học sinh Miền Nam tập kết, sau khi học xong nghề cơ khí chính xác với chúng tôi lên công tác trên Yên Bái cùng hai anh Bá, Tuyền vừa nói rồi 1965 được gọi đi học bổ túc và năm sau, 1966 Ẩn và Bá  sang học TU Dresden cùng Thiện từ Berlin xuống. Khi đó đã có Mãn đã học trước một năm, cùng khoa cơ khí chính xác. Ẩn phải nói cũng thành đạt, sau giải phóng Miền Nam“ được gọi về làm giám đốc nhà máy ô-tô Mekong là nhà máy ô-tô đầu tiên của Việt Nam, dù chỉ là lắp ráp. Khi tôi vào SG anh có mời lại thăm trụ sở của anh ở đường Trần Hưng Đạo, rất oách ngay cạnh nhà anh Miễn. Chỉ có điều ngành cơ khí xe hơi Việt Nam thế nào lại là chuyện khác. Nhà máy ô-tô thì chưa chắc, tôi không biết, chứ Ẩn thì “hạ cánh an toàn“.        

Vũ Gôn, con liệt sỹ được cử đi học trường Käthe Kollwitz Heim, rồi 1962 sang học nghề thợ nguội cùng 20 bạn khác ở Xí nghiệp Quốc doanh Chế tạo Máy công cụ Dresden nên về trú tại Trường nội trú thanh niên Mitsos-Paparrikas cùng bọn tôi. Trong đời anh không gặp may tuy hết sức tài ba, tôi đánh giá hết sức cao, là một trong những người giỏi nhất trong số chúng tôi. Đang học dở thì anh bị lao nên bị ảnh hưởng nhiều, về nước chậm nên hụt chuyến đi Đức năm 1965, học khoa cơ khí ĐHBKHN rất giỏi, ở lại trường làm cán bộ giảng dạy, quá tuổi nên không được đi NCS nữa. 

Ở môi trường này mà không có bằng TS thì chết, nên anh chuyển về Xưởng Thiết bị khoa học VKHNN chỗ bọn tôi. Ở đây thì tôi với anh rất thân nhau, hay giúp nhau, anh cũng phấn đấu lên đến Phó giám đốc vì chuyên môn hết sức siêu việt. Nhưng rồi lại gặp chuyện không may về một việc không đâu ở khu tập thể, xét ra là chuyện sinh hoạt thôi. May quá anh chị em Moritzburger chúng tôi giúp nên anh trở lại Đức vào dịp xuất khẩu lao động ở tư cách là phiên dịch, rồi vì làm hết sức tốt nên sau đó làm đơn vị trưởng vùng Gera, rồi sau thống nhất Đức anh ở lại, làm hết sức tốt công việc ở tư cách là thợ cả ngành cơ khí mà anh nay vốn đã là kỹ sư trưởng (ở Việt Nam). Anh Phạm Khắc Toàn, cũng học ở Xí nghiệp Quốc doanh Chế tạo Máy công cụ Dresden, đã có viết một truyện ngắn rất hay về anh đăng trên tờ Văn Nghệ mà bà mẹ tôi, khi cụ còn sống, hết sức ca ngợi, cả tác giả lẫn nhân vật chính. Đáng tiếc là nay tôi không còn tin tức nào của anh và gia đình anh nữa, chỉ biết là con trai anh đã tốt nghiệp tin học Đại học Friedrich-Schiller-University Jena, „hy sinh đời bố củng cố đời con“, thôi.

Lê Đức Dương, có bố vào thời gian đó đang làm bí thư tỉnh ủy Bắc Giang, học trường Käthe Kollwitz Heim, rồi 1962 sang học nghề thợ nguội cùng 20 bạn khác ở Xí nghiệp Quốc doanh Chế tạo Máy công cụ Dresden nên về trú tại Trường nội trú thanh niên Mitsos-Paparrikas cùng bọn tôi như bạn Gôn. Tốt nghiệp về nước được phân công về Viện Đo lường cùng tôi, cùng học bổ túc ban đêm với nhau. Tôi hay lại chơi nhà anh, cũng một biệt thự to đùng trên đường Phan Đình Phùng của các quan chức cao cấp. Năm 1964 anh cũng thi ĐHBKHN và đỗ, rồi học tại đấy, sau đó về dạy tiếng Đức, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nay đơn giản là  Đại học Hà Nội, có lên đến chủ nhiệm khoa tiếng Đức. Anh kết hôn với một chị là cán bộ Viện Hóa VKHVN mà xin lỗi tôi quên tên, rồi đi xuất khẩu, hai anh chị rất thành đạt, anh làm nghề tự do phiên dịch công chứng, chị làm „sếp“ ở Lufthansa, khi 2001 tôi sang Đức anh chị có mời lại chơi tại nhà riêng ở ngay gần Tierpark-Sở thú Berlin.                  

Xin kể tiếp, đầu tháng 9.1959, sau kỳ nghỉ dài 3 tháng ở Hà Nội mà như đã nói ở trước, không hiểu sao Bộ Giáo dục bỗng quyết định không cho chúng tôi tiếp tục học nữa mà thay vì đó, đưa tất cả đi học nghề. Thế nhưng như bài trước cũng có nói qua, ở CHDC Đức thời đó, để đi học nghề, học sinh có thể tốt nghiệp lớp 8, 10, hay 12. Mà tương ứng sẽ theo các lớp khác nhau. Nhưng chúng tôi lớp cao nhất cũng chỉ hết lớp 8. Ở Đức đi học 6 tuổi nên thế là 14 tuổi, có lễ Jugendweihe-Lễ phong lên tuổi Thanh niên mà ngày sinh nhật được tổ chức rất long trọng vì coi như đã bắt đầu bước vào đời, bắt đầu kiếm ra tiền dù đi học nghề, nhưng vì có thực tập nên làm ra sản phẩm nên chúng tôi học 3 năm, năm đầu tiên 90 Mác/tháng, đến năm cuối đã lên 120 Mác. Nói để so sánh với đời sống Việt Nam thời gian đó, cái xe Mifa giá 360 Mác nhưng khi anh bạn tôi sau này, thời nghiên cứu sinh, gửi về cho vợ mà anh chị chỉ được phân nửa căn hộ ở Khu Tập thể Thành công, thì nhà bên cạnh đồng ý chuyển đi để họ lấy cái xe Mifa đó. Tôi bé nhất lớp 8, khi đó 15 tuổi, thế nên Bộ Giáo dục quyết định ai đủ 15, được đi, số đó là 200 người, số 150 người còn lại nhỏ tuổi hơn học trong nước, sau này cũng có nhiều bạn sang Đức học tiếp, chót gắn bó với nước Đức rồi mà.

Thế là 20 đứa chúng tôi, sau 2 tuần làm lại chuyến đi xuyên Á-Âu, trở lại Dresden, nhưng lần này không còn là Maxim Gorki Heim nữa, nhưng là Jugendwohnheim-Mitsos-Paparrikas – Trường nội trú thanh niên Mitsos-Paparrikas, mang tên một nhà cách mạng cộng sản Hy Lạp cũng tọa lạc tại một lâu đài lưng chừng núi chứ không còn là một quả đồi nữa. Thành phố Dresden vốn bao quanh dòng Elbe thơ mộng và cũng đã bắt đầu có đồi núi bao bọc, và lâu đài chúng tôi ở hết sức đẹp, cảnh quan cũng vậy (xin xem hình tôi vẽ nhìn từ hầm nhìn lên đỉnh núi có nhà hàng Luisenhof rất nổi tiếng, lưng chừng núi có Viện nghiên cứu Manfred von Ardenne và nhà riêng vị bác học, thấy loáng thoáng trong đám cây).

Nhắc đến tên Manfred von Ardenne, chúng tôi vẫn biết ông này là một nhà vật lý hết sức nổi tiếng, gốc quý tộc duy nhất được CHDC Đức trọng dụng  Bạn đọc hãy tưởng tượng xem, suốt 3 năm nhìn từ cửa sổ ra là thấy cảnh này, sung sướng biết bao. Bọn tôi cứ 4, 5 đứa một phòng, phòng tôi còn có bạn Cương ở cùng, lúc này bạn đã theo học vĩ cầm ở Nhạc viện Carl Maria von Weber nên suốt ngày được nghe nhạc từ cây vĩ cầm của bạn, cũng không lạ là hai đứa con tôi sau này đều học vĩ cầm từ nhỏ, mà rất oai, học Thầy Khắc Huề đường hoàng.                   

Tra mạng ra ngay Forschungsinstitut Manfred von Ardenne – Viện nghiên cứu Manfred von Ardenne, với hết sức nhiều viện con, chuyên làm những ứng dụng vật lý-kỹ thuật cho nhiều ngành, cả y học, chắc chắn có mối liên hệ mật thiết với trường TU Dresden.

Nhắc đến Trường nội trú thanh niên Mitsos-Paparrikas, chắc chắn phải nói đến vị trí thuận lợi của nó, nằm giữa Schillerstraße, con đường nối từ Körnerplatz-Quảng trường Körner, lấy tên nhà văn Theodor Körner, bên này sông Elbe, còn bên kia sông là Schillerplatz. Hai quảng trường được nối liền với nhau bằng cái cầu sắt tên là „Blaues Wunder-Kỳ quan màu lam“ mà tôi có cảm tưởng vĩ đại chẳng kém cầu Long Biên của Hà Nội, tuy chỉ có hai nhịp.  Mà bạn đọc nên tưởng tượng, từ trường này nhìn lên trên thì thấy như hình vẽ của tôi, nhìn xuống dưới là cây cầu vắt qua dòng Elbe thơ mộng, xanh biếc chứ không đỏ ngầu như Sông Hồng, xa xa là thành phố Dresden trải dài đến tận chân trời, có ở trên thiên đường chắc chắn cũng chỉ vậy mà thôi.

Kỷ niệm với nhà máy này cũng nên nhắc lại là cứ 10 giờ sáng, khi đài phát thanh CHDC Đức thời đó phát quốc thiều CHDC Đức thì ông Rainicke, thợ cả và cũng là ông thầy thực nghiệm bọn chúng tôi, người bên phải trên ảnh, lại đứng nghiêm, hệt như các bạn thấy các cầu thủ bóng đá làm trước mỗi trận đấu trên tivi. Dân Đức kỷ luật ghê!

 Lại cũng phải nói tôi có thói quen dậy sớm, đến khi đi dạy Algeria thì đã là giữa một và hai giờ sáng, là giữa nửa đêm, phi khoa học, rất có hại nhưng là thói quen rồi thì chịu. Đó là vì khi học nghề thì tôi ở khu Dresden-Loschwitz là khu Neustadt-phố mới lại phải vượt sông Elbe sang học ở trường dạy nghề làm tại chính nhà máy VEB Kamera- und Kinowerke Dresden đều nằm ở khu Altstadt-phố cổ, nên rất xa, chắc chắn phải giữa 15-20km, phải dùng xe điện, đổi trolleybus-xe buýt điện, rồi cuối cùng lại đổi về xe điện mất chắc phải trên một tiếng. Mà sáng học hay làm việc rất sớm, từ 6h30 nên chúng tôi phải dậy từ 4h sáng, ăn một chút rồi cho vào hộp để ăn giữa chừng, khoảng 9h30. Khó khăn và nặng nề hơn thời gian ở trường Maxim Gorki Heim nhiều, nhưng phải nói là vẫn hết sức vui, thời trẻ sức chịu đựng lớn thật, ngay cả thời gian 3 năm sơ tán trên Đại Từ, Thái Nguyên cũng chẳng mùi gì. Thời gian khó khăn nhất của tôi lại là thời đi dạy ở Algeria. Lại nói khi sang Paris năm 1983 làm postdoc. với thày Yves Meyer và hai cô gái trẻ xinh đẹp chưa chồng là TS Monique Martin và Eve Chauchard (làm cao học), cô Eve cứ suýt soa: „Vous vietnamiens sont si s’entraînées, que vous pourriez vivre n’emporte-Bọn Việt Nam chúng mày qua tôi luyện thế thì sống ở đâu trên thế giới này mà chẳng được“. Ở Algeria đã khó lắm rồi, chứ Afghanistan, Bắc Hàn và…. Trung Quốc thì bây giờ, xin…vái. Ngay nếu còn trẻ cũng thế. Thuộc về nguyên tắc.

Tôi còn nhớ, phải dậy sớm như thế mà Thọ với tôi, hai đứa vào top học giỏi nhất lớp từ ở trường Maxim Gorki Heim, hàng đêm vẫn chong đèn ngủ để đọc hết tiểu thuyết này sang tiểu thuyết khác bằng tiếng Đức, đầu tiên là những tiểu thuyết dịch từ tiếng Nga như „Krieg und Frieden-Chiến tranh và Hòa bình“ của L. Tolstoi hay „Der Leidensweg-Con đường đau khổ“ của A. Tolstoi mà chúng tôi đã từng đọc bằng tiếng Việt rồi, cho dễ, ngay cả cách diễn đạt, giọng văn cũng vậy.

Cũng phải nói về đọc sách thì tôi có thói quen ngay từ khi học với cô giáo tiếng Đức Tea Reinhardt rồi và khi đó đã mê sách. Nên sau này, những năm cuối thế kỷ 20, anh Mai Huy Tân có giao tôi dịch hai cuốn „Các lý thuyết xã hội học hiện đại“ và „Từ điển xã hội học“ của GS. G. Endruweit, khó thế mà tôi vẫn làm, ngon ơ. Đến nỗi GS. G. Endruweit phải bảo: „Tôi có hai nghiên cứu sinh Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn dịch sách tôi viết sang tiếng nước họ mà thấy khó quá, đành chịu, thế mà anh dân gốc vật lý dịch được thì thật lạ“. Vì vậy mới có chuyến đi 3 tháng sang đại học Christian-Albrechts-Universität zu Kiel (CAU) nơi GS. G. Endruweit đang làm chủ nhiệm khoa Xã hội học mà lần trước tôi đã kể.

Cũng lại phải nói dân Đức Bücherwurm-mọt sách là đúng thật, trên xe điện, ghế công viên, ngoài vườn hoa… đâu cũng thấy người ta đang đọc sách. Thế cho nên dân tộc ấy mới có nhiều triết gia, nhà văn, nhà khoa học…đến thế. Và nhiều thư viện, dễ tiếp cận, miễn phí để mượn sách. Tôi nhớ hồi đó xin làm thẻ là xong ngay, thư viện khu phố, đi có hai chặng xe điện, cho mượn cả        tháng, nay các thư viện ở Hà Nội, ngay cả thư viện ơ Viện Goethe Hà Nội cũng chỉ cho mượn hai tuần là đã thúc giục qua mạng là phải trả rồi, vội quá.

Về học lý thuyết và thực hành ở trường này thì quá ư tốt. Riêng lý thuyết thì sau này về học vật lý ở Thầy Đặng Mộng Lân tôi mới biết nhiều kiến thức đã được học khi học nghề ở Đức, với môn toán và môn hóa cũng thế. Còn môn vẽ kỹ thuật, tôi đã kể là khi dạy ở Algeria phải dạy vẽ kỹ thuật cho sinh viên ĐHBK Tiaret, tôi giở sách giáo khoa tiếng Pháp ra thoải mái dạy, nếu không có kiến thức khi học nghề ở Đức thì làm sao mà nhanh thế được?            

Cũng phải nói mối quan hệ của tôi với phim ảnh, ngoài việc tôi được học nghề 3 năm ở VEB Kamera- und Kinowerke Dresden – Xí nghiệp Quốc doanh Máy ảnh và máy chiếu phim Dresden, để có tấm bằng công nhân kỹ thuật cơ khí chính xác bậc 5/8 mà khi về nước Bộ Lao động thấy lương cao quá đã xếp lại chỉ là 3/7, vẫn rất cao vì tôi nhớ khi ấy là 60 đồng, ngang kỹ sư mới ra trường vì khi đó bát phở chỉ có giá 3 hào. Bạn đọc từ đó có thể tạm tính ra giá thời nay. Chúng tôi còn phải có chứng chỉ 100 giờ đến thực tập ở các rạp chiếu phim trong thành phố Dresden. Sau đó về Việt Nam, vì có bà cô làm trong ngành chiếu bóng thành phố, tôi cũng đã đi chiếu phim ở hầu như tất cả các rạp thời đó ở Hà Nội.  Bạn đọc thử tưởng tượng xem, các nữ diễn viên nổi tiếng Ý, Pháp, như Gina Lollobrigida, Claudia Cardinale hay Brigitte Bardot, mà nay mở Youtube ra là thấy ngay, thì thời đó tôi phải xem cả…chục lần.  

Bài cũng đã dài, xin hẹn lần sau kể tiếp. 

Các hình minh họa:

Tác giả (đứng ngay bên phải), chụp chung với các bạn học nghề ở VEB Kamera-und Kinowerke Dresden và VEB Werkzeugmaschinenbau Dresden-Xí nghiệp Quốc doanh Chế tạo Máy công cụ Dresden tiếp sau là các bạn Mãn, Tuyền, anh Châu Diệu Ái, bạn Vũ Vân Sơn, một anh sinh viên quên tên, Lê Đức Dương và Phan Bá (khoanh tay trước ngực), cuối cùng bên trái là Vũ Gôn, ba bạn Dương, Gôn, cũng như Sơn, mang hai quốc tịch và đang định cư tại CHLB Đức. Ảnh chụp khi đoàn sinh viên trường TU Dresden đến thăm hai đoàn học viên học nghề Việt Nam trú tại Trường nội trú thanh niên Mitsos-Paparrikas, ngay trước tòa lâu đài ấy.

 

Tác giả trong một cuộc biểu tình ở Dresden, thời CHDC Đức, nhưng nay bị cấm ở CHXHCN Việt Nam. Đi ngay sau là bạn Lê Trạng, có thời gian dài làm cán bộ Phòng Thương mại CHLB Đức tại Việt Nam.  

 

Tác giả khi đến thăm gia đình bạn Đức năm 1958 ở Schellerhau (xin xem bài trước)

  


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Chiến tranh Nga – Ukraine: Những cú nhào lộn không thể tin nổi

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 6)  

Phan Thanh Hung

VNTB – Chấm phá đời tôi (18)

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo