VNTB – Vầng trăng nào cho Sài Gòn mùa trung thu COVID?

VNTB – Vầng trăng nào cho Sài Gòn mùa trung thu COVID?

Cù  Mai Công

Đường Tân Hòa Đông chạy qua hai quận 6 và Bình Tân. Ở hai bên ngã tư Tân Hòa Đông – An Dương Vương – Phan Anh (ranh giới hai quận) có hai rào chắn hai bên, hàn cứng. Mỗi rào lại có hai lớp, cách nhau ba, bốn mét. Đó không phải là điểm rào chắn hiếm hoi có hàn khu vực này. Có lẽ bà con ở đây đa số dân lao động, rào sơ sơ như khu trung tâm là bà con “thông chốt láng”. Chắc nhân sự không đủ ngồi đó canh, hàn lại cho “chắc ăn”.

Tuần rồi, có bệnh nhân ở một con hẻm trên Tỉnh lộ 10 phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân đi cấp cứu bệnh. Xe cấp cứu tới. Bà con trong hẻm phải lấy búa phá chỗ hàn.

Khi gởi quà Trung thu cho một gia đình có bé nhỏ nơi đây, tôi như nhiều bà con, shipper khác phải chui qua một rào để tới lớp rào thứ hai, thò tay qua giao quà. Bé con hai tuổi được bà mẹ ráng bế cao lên ôm gói quà tôi gởi. Không có bánh Trung thu, đèn lồng mà là sữa tươi, sữa hộp – dù tối mai 21-9 là rằm Trung thu.

Nó còn nhỏ, biết gì bánh Trung thu đâu chú. Nó thèm sữa… “ – bà mẹ trẻ bảo khi tôi hỏi “cháu có ăn bánh Trung thu không?”.

Vô sâu các nhà trọ trong khu vực mùa Trung thu này, đố tìm thấy một chiếc đèn lồng lung linh. Hơn chục phần sữa, bánh kẹo, cháo ăn liền và ký thịt, gói rau củ đông lạnh nấu chung với cháo… tôi gởi có lẽ khiến các bé, cha mẹ các bé vui hơn. Ánh mắt trẻ thơ trong veo thay ánh trăng. Bé T.H, hai tuổi ở một xóm nghèo quận 3 bày ngay “cỗ Trung thu” tôi vừa gởi ra trên sàn nhà, lăm lăm mở hộp sữa tươi…

Vậy nên một đồng nghiệp trẻ của tôi, anh Nguyễn Tập, nhói tim khi đến các khu nhà trọ ở Bình Chánh. Ở đó, anh gặp Trần Kim Mai (31 tuổi, ấp 1, xã Tân Nhựt) có một bé một tuổi rưỡi và một bé năm tuổi. Mai giúp việc nhà, ai thuê gì làm đó và đã mất việc từ tháng 5. Chồng chạy Grab thêm một thời gian ngắn rồi nằm nhà. Bà mẹ trẻ thú thật: “Có bữa bấn quá, em nấu nước cơm chắt nước rồi bỏ thêm chút đường cho con uống đỡ…”. Còn cô công nhân Ly, 31 tuổi có một bé năm tháng, một bé bốn tuổi. Chồng đang bị cách ly trong nhà máy khu công nghiệp, một mình Ly ở ngoài chăm con. Đang phong toả nên tiệm tạp hoá gần đó đóng hết, lại không có giấy đi đường nên không đi đâu mua sữa được. “Nói vậy thôi, chứ giờ có cho đi cũng hổng còn tiền mua sữa. Có bữa nửa đêm, con đói, gào khóc nghe thắt ruột…

Cả hai đang ở trong một khu trọ 120 hộ có gần 40 hộ F0… Nhiều hộ ở đây đã thay sữa bằng nước cơm. Và đó chỉ là một góc nhỏ thực trạng nhiều không kể xiết của hàng ngàn, hàng vạn khu trọ, nhà trọ ở TP.HCM hiện nay. Hầu hết là bà con nhập cư bị kẹt lại ở Sài Gòn. Họ sống mỏi mòn, lo cho mình một, lo cho con mười.

Vậy nên khi nhóm các soeur dòng Đaminh Rosa Lima đến một khu trọ ở Tam Phú, Thủ Đức gởi rau trái, không chỉ người lớn, cả chục trẻ em khi trọ đổ ra vui như tết. Bữa cơm khu trọ có rau củ, bữa cháo của các cháu cũng thêm chất tươi. Tết Trung thu của các cháu chỉ đơn giản như vậy.

Ngẫu nhiên đêm 22-8, trước ngày Sài Gòn “thiết quân luật” 23-8, dân “vùng đỏ” thành phố Thủ Đức bất ngờ mưa đá nhiều nơi, cục nào cục nấy bự hơn hột mít, rải đầy đường, sân nhà, “nổ” rào rào mái tôn; “rớt trúng là đầu u”. Sau đó tới giờ, chỉ một hai ngày không, còn lại ngày nào cũng mưa dầm, có lúc cả đêm. Cuối tháng 8 đầu tháng 9 dương lịch và rằm tháng 8 âm lịch, Sài Gòn thường mưa. Nhưng mưa nhiều như năm nay kể cũng hiếm. Cảnh và người đều buồn lắm. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Kiều).

Bữa cơm dân nghèo các thành phố thật sự đã căng thẳng lắm. TP.HCM vốn đắt đỏ gần bốn tháng giãn cách càng kiệt quệ hơn. Từ thực tế Covid giảm, hàng loạt tỉnh thành đã hạ mức độ. Hà Nội đã bỏ xét giấy đi đường. Riêng TP.HCM vẫn tiếp tục rào chắn, phong tỏa, cách ly, xét nghiệm liên tục… Tốn kém bao nhiêu sức người, sức của.

Dù còn cao, nhưng tình hình Covid ở TP.HCM, Bình Dương đã có những biểu hiện xuống, đặc biệt với số ca tử vong. Ca nhiễm vẫn trên dưới 5.000/ngày, nhưng số ca tử vong mấy ngày liền chỉ dưới 200. Hôm nay 20-9 là 163. Khi số tử vong xuống dưới 200 là nằm trong ngưỡng giảm tải của các lò hỏa táng của TP; giảm số thi thể chờ ở Bình Hưng Hòa lúc cao điểm có khi năm bảy ngày mới tới lượt.

Trong cao trào, người ta dễ có tâm lý hoảng sợ, ngỡ nó lên mãi và quan trọng hơn, vẫn phong tỏa diện rộng, tổn hại nặng nề nền kinh tế và an sinh người dân.

Chuyện mở cửa kinh tế, phá bỏ rào chắn đang là thúc bách từng ngày. Có lẽ sẽ là trách nhiệm với dân, với nước, với nền kinh tế, với lịch sử nếu cứ tiếp tục, duy trì những cách phòng chống ở TP.HCM, dù thực tế đã khác. Quận 7 vùng xanh còn nghiệt hơn các quận khác với đủ mọi cách làm để “giữ vững vùng xanh”. KHÔNG BAO GIỜ CÓ HOÀN HẢO, CÓ ZERO COVID TRONG DỊCH COVID, VẤN ĐỀ LÀ CHỌN HẠI ÍT HAY HẠI NHIỀU.

Chỉ thị 16+ ở TP.HCM vẫn còn đó. Nhưng xin mời ra đường, đến các quận vùng ven để thấy hàng vạn cửa hàng, cửa tiệm, bạt nylon… đã tự mở he hé ra sao. Địa phương lẽ nào không biết. Giá cả đã giảm. Rau còn 20-25k/kg, trứng còn 28k/chục, đùi gà còn 60k/kg… ở các cửa tiệm, sạp vỉa hè quận 6, Bình Tân… Nhiều và khá đầy đủ đến mức khi đi hỗ trợ nơi đâu, tôi mua ngay ở đó, khỏi chở cồng kềnh xe máy…

Không phải nhờ siêu thị và ship. DÂN TỰ MỞ CỬA CHO MÌNH, NHƯ ĐÊM TRƯỚC ĐỔI MỚI.

Khoan trách bà con thiếu ý thức. Mua hàng ở đây, bất kỳ cửa tiệm, sạp nylon vỉa hè nào, tiền thối lại cho tôi lẫn gói đồ tôi mua đều ướt đẫm nước rửa tay. Sạp, tiệm nào cũng lăm lăm chai xịt nước rửa tay khử khuẩn. “Ăn đứt” siêu thị.

Giàu nghèo gì lúc này cũng sợ Covid lắm rồi. Sợ bịnh, sợ đói và sợ hơn cả là một số cách phòng chống phải nói là “kỳ lạ”, không thể không nói là cực đoan.

Khi nhận gói quà tôi gởi, mang vô phòng, mẹ bé T.H quay clip khoe. Trong clip, tôi thấy bé mở tung từng món, bập bẹ: “Cảm ơn bác nhiều”. Mẹ nói đùa: “Cho chuột ăn nha?”. Bé trả lời ngay, dứt khoát: “Không! Không!”.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 3 years

    “VẤN ĐỀ LÀ CHỌN HẠI ÍT HAY HẠI NHIỀU”

    Còn 1 vấn đề nữa, đó là chọn hại cái gì, mạng người hay kinh tế ? Nếu chọn kinh tế thì mặc kệ số mạng người, thả cửa vô tội vạ, cứ phụ thuộc vào ý thức của dân mình, which is close to con số Covid mong muốn . Còn chọn sức khỏe mạng sống của người dân thì phải hy sinh 1 phần kinh tế . Cuộc đời không gì hoàn hảo, được cái này mất cái kia tùy thuộc sự lựa chọn của lãnh đạo . Ít nhứt trong chuyện này, lãnh đạo đã xem sức khỏe của người dân là tối thượng, hơn phát triển kinh tế .