Tử Long
(VNTB) – Sau 7 năm, dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận vẫn chưa khởi động.
Ngày 16/4/2022, Ninh Thuận sẽ tổ chức kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận.
Hôm 6/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, việc dừng thực hiện đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là “chủ trương, chính sách rất đúng đắn, sáng suốt, có tính lịch sử và nổi bật của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” – trích phát biểu của ông Vương Đình Huệ.
Điểm lạ trong phát biểu trên là vụ việc này vốn đã khép lại hồi tháng 11/2016.
Theo đó, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là tên gọi chung của chuỗi hai nhà máy điện hạt nhân I và II được lập dự án xây dựng cho đến năm 2016 tại tỉnh Ninh Thuận, với tổng công suất trên 4.000 MW.
Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, nhà máy điện hạt nhân I và II sẽ được khởi công vào năm 2020 chậm hơn 6 năm dự kiến.
Sau thảm họa phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản do động đất và sóng thần, Dự án sau đó phải lùi địa điểm đã chọn vào đất liền sâu hơn, công trình được nâng lên để bảo đảm an toàn.
Dự án được tiến hành theo kiến nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dựa trên ước tính thiếu thốn điện năng đến 2020, được Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư xây dựng.
Về nguồn kinh phí, Nga đồng ý cho Việt Nam vay 10,5 tỷ USD, Nhật cũng đồng ý cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân. Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008.
Theo quyết định chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 18/3/2016 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thì tổ máy đầu tiên sẽ chạy vào năm 2028 và sẽ có thêm 3-4 tổ máy nữa đến năm 2030.
Bên lề Diễn đàn quốc tế về công nghiệp hạt nhân lần 8, diễn ra tại Matxcơva (Nga) trong hai ngày 31/5 và 1/6/2016, ông K.B. Komarov – phó tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga – cho biết, thời điểm khởi công Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể vào năm 2027 hoặc 2028.
Tuy nhiên đến ngày 22/11/2016, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Ông cũng cho biết thêm: “Việc dừng dự án không phải vì lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay”.
Thế nhưng khá bất ngờ là 6 năm sau đó, ngày 15/3/2022, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Ngọc Bảo làm trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về việc thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh, qua đó có cơ sở đánh giá thực chất trước khi tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội vào thời gian tới.
Sau chuyến thị sát này thì đến ngày 6/4/2022 có phát biểu như đã nêu ở phần đầu bài viết này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được cho là có liên quan đến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có một thực tế khác mà ông Huệ đã không đề cập đến đó là tình cảnh trong suốt thời gian rất dài của người dân sinh sống trong khu vực được quy hoạch làm nhà máy điện hạt nhân.
Ông Nguyễn Thành Du, Trưởng thôn Vĩnh Trường xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, nơi trước đây được quy hoạch để xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, cho biết, từ năm 2008, khi chính quyền thông báo người dân không xây dựng, cơi nới, sang nhượng đất đai, nhà cửa và cũng không được trồng trọt, chăn nuôi để giao đất cho nhà nước làm dự án điện hạt nhân, người dân trong thôn một lòng đồng thuận, mong dự án sớm được triển khai.
Vậy nhưng, khoảng 7 năm sau đó, 250 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu nơi đây vẫn chưa thấy dự án khởi động.
“Lúc đó, do bị vướng quy hoạch nên người dân chúng tôi không thể sản xuất, đất đai thì không thể sang nhượng, cầm cố nên không có vốn làm ăn. Nhiều hộ đi vay tiền của ngân hàng và cả vay nóng bên ngoài, đến giờ vẫn chưa trả nổi”, ông Nguyễn Thanh Nhàn, người dân trong thôn, chia sẻ trong nỗi niềm bất lực.
Những người dân thôn Vĩnh Trường còn cho biết, năm 2015, một số hộ trong thôn nhận được thông báo quyết định bồi thường. Căn cứ quyết định này, nhiều hộ đã cầm sổ đỏ nhà đất đi thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn và trả nợ. Thế rồi, dự án dừng triển khai, bà con trong thôn ai nấy đều hụt hẫng, nợ nần ngày càng chồng chất.
“Cuộc sống khó khăn nên hiện thanh niên trong làng đã bỏ đi nơi khác để làm ăn. Nhà cửa xuống cấp, công trình hạ tầng công cộng hư hỏng nhưng không được sửa chữa khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn nhà nước sau khi dừng dự án có chính sách hỗ trợ cho người dân sớm ổn định sản xuất”, Trưởng thôn Vĩnh Trường ngán ngẩm.
… Giả dụ gắn những thực tế khốn khổ của dân chúng ở trên vào bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hôm 6/4/2022, cho thấy phải chăng cũng đến từ “chủ trương, chính sách rất đúng đắn, sáng suốt, có tính lịch sử và nổi bật của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” mà ông Huệ đã nhấn mạnh?
+ Trong ảnh là thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tháng 2/2022.