Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dùng học bạ xét tuyển đại học: vẫn còn tranh cãi dài dài

Diệp Chi

 

(VNTB) – Việc mở xét tuyển học bạ như vậy, rất dễ dẫn đến cho học sinh sự ngộ nhận về sức học của mình.

 

Theo thống kê mới nhất về phương án xét tuyển đại học của các trường trên cả nước, có gần 100 đại học công bố xét tuyển học bạ năm 2024. Xét học bạ là phương thức tuyển sinh phổ biến những năm gần đây. Năm 2022, gần 40% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức này. Nhiều trường nhận định đây là phương thức phù hợp, vừa thuận tiện, vừa giảm áp lực. Lực học của sinh viên trúng tuyển bằng học bạ cũng không chênh lệch nhiều so với sinh viên vào trường theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

“Bậc cha mẹ đi trước có nói lúc trước năm 1975, giáo dục mở cửa đầu vào nhưng siết đầu ra. Xoay quanh vấn đề này, cũng nhiều ý kiến cho rằng nên làm như vậy. Đồng ý với cách làm như vậy, sẽ giúp một điều thấy rõ là giáo dục được rộng khắp, trình độ có thể được tăng lên. Nhưng, cá nhân tôi, không tán thành cách này cho lắm.

Thứ nhất, dân số trước 1975 với dân số sau 1975 có sự thay đổi rõ rệt, trình độ giáo dục cũng khác nhau, không thể đem cách cũ ra áp dụng trong hoàn cảnh này được. Vì sao? Vì họ được thừa hưởng một nền giáo dục khai phóng, chính trị bỏ ngoài học đường. Hiện nay, một số môn trong trường đại học, ngày xưa ba mẹ tôi được học, bây giờ thì không, vì lý do… chính trị.

Thứ hai, việc mở cửa đầu vào, sẽ có rất nhiều học sinh nộp hồ sơ vào và “auto” được duyệt, được đi học. Nhưng trình độ có theo nổi hay không? Anh kêu siết đầu ra, nhưng nên nhớ, trước khi anh ra trường, anh phải qua một hoặc hai khoá thực tập thực tế, đi thực tập ở xã hội và thực tập ở cơ quan. Những trình độ không đủ, được giấy giới thiệu của Khoa vào thực tập, ảnh hưởng đến cơ quan người ta rồi còn mang tiếng cái Khoa, cái Trường.

Thứ ba, cái thời tôi tốt nghiệp. Không ít bạn bè ỷ mình là sinh viên đại học Quốc gia, có tiếng tăm này nọ; ỷ mình có cái bằng đại học rồi yêu cầu này yêu cầu nọ, trong khi kinh nghiệm và thực tế thì không có. Việc mở cửa như vậy, rất dễ dẫn đến cho học sinh sự ngộ nhận về sức học của mình.

Theo quan điểm của tôi, chẳng có gì khó để bàn cãi, cứ tổ chức một kỳ thì như thi đại học bình thường, ai đủ năng lực, đủ điểm thì vào, không đủ thì “dùi mài kinh sử” năm sau “lai kinh ứng thí”. Khoa ấn định điểm, tức là Khoa cũng nhắm đến lực học sinh viên để chọn vào rồi”, cựu sinh viên trường đại học Khoa học và Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

“Cá nhân tôi nghĩ với vấn đề này, khả năng nhiều người vẫn “vote” ủng hộ xét tuyển bằng phương thức học bạ. Vì nó dễ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh để tiếp cận với môi trường đại học. Nhưng việc xét tuyển bằng học bạ, rất dễ sinh ra sự nhập nhằng về chất lượng học tập. Ai kiểm chứng được cái điểm số trong học bạ có “tình cảm” trong đó hay không?”, chị Ngọc, một cựu sinh viên khối đại học Quốc gia chia sẻ suy nghĩ.

“Khỏi nói chi xa, trong nhà tôi đây, một đứa cháu xét tuyển học bạ vào một khối ngành xã hội thuộc đại học tư nhân. Thi tốt nghiệp trung học cơ sở thì rớt toàn thành, thi đại học thì rớt các trường công lập. Cuối cùng xét học bạ vào đại học. Quan sát của tôi, tôi chẳng hiểu nó đang học cái gì, dù cái ngành đó tôi tốt nghiệp loại khá. Giáo trình thì không rõ ràng, giảng viên soạn thì sai chính tả. Khuyên răn nên đọc sách, tìm hiểu thêm tài liệu đi thì nó hếch cái mặt lên trời, ta đây là sinh viên đại học. Có phải quá rõ ràng dùng học bạ xét tuyển đại học là một vấn đề bất cập không?”, cựu sinh viên khối ngành Khoa học Xã hội thuộc đại học Quốc gia lắc đầu ngao ngán.

Một mùa tuyển sinh nữa sắp đến, câu chuyện có nên tiếp tục dùng học bạ để xét tuyển đại học xem ra câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ giữa “rừng ý kiến” bàn ra tán vào…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bằng đại học vô giá trị đến như vậy sao?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Dân số đang già hóa vì dân không chịu đẻ con

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Chỉ thị 16 cho phép tập trung đông người?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo