Diệp Chi
(VNTB) – Một em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giờ ra chơi, ngồi một mình, xung quanh bạn bè toàn sử dụng điện thoại thông minh, có ai dám chắc tất cả học sinh khó khăn đó sẽ không mặc cảm giàu – nghèo?
Chắc là sẽ có ý kiến cho rằng mấy ông phóng viên – nhà báo ăn nói linh tinh hoặc chăng cứ suy luận rồi làm quá vấn đề lên. Song thực tế cho thấy, trong môi trường học đường, có những học sinh xuất thân từ gia đình có tiền, một số khác từ gia đình khá giả, một số nữa là các gia đình khó khăn…. Một em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giờ ra chơi, ngồi một mình, xung quanh bạn bè toàn sử dụng điện thoại thông minh, có ai dám chắc tất cả học sinh khó khăn đó sẽ không mặc cảm giàu – nghèo?
“Lúc trước đi học, với mấy bạn học sinh nghèo, mặc lại đồ cũ, có người biết cũng có người không biết. Nhưng không sao, cũng chẳng ai mặc cảm về vấn đề đó. Nếu mặc cảm, mình nghĩ ngày xưa sẽ không có cái gọi là chương trình “áo trắng ngời sáng tương lai”. Còn điện thoại, có thể nói, nó ngờ ngờ ra đó. Đồng ý là giờ một chiếc smartphone có giá cũng không quá cao nhưng thời trước nhưng với học sinh nghèo, cha mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mua một chiếc điện thoại sử dụng bàn phím là cả một vấn đề rồi. Rồi mấy em không mua được điện thoại thông minh sẽ cảm thấy như thế nào khi xung quanh bạn bè mình sử dụng? Có thể mấy em sẽ hiểu nỗi niềm của cha mẹ nhưng cảm xúc buồn, mình nghĩ chắc là cũng sẽ có” – anh Minh, một cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM chia sẻ ưu tư.
Mặc dù học sinh chỉ được sử dụng điện thoại khi có sự đồng ý của giáo viên, song so với Thông tư 12/2011 (cấm hoàn toàn) thì đúng là trong Thông tư 32/2020 quả thật thoáng hơn trong việc học sinh được sử dụng điện thoại trong trường học.
“Phân bì nhau về cái việc là ai có điện thoại thông minh, ai không có, thì sẽ dẫn đến bất đồng nội bộ trong lớp. Sẽ có một cái vấn đề được gọi là không phải là về điểm số, không phải là về thứ hạng nữa, mà là về điện thoại thông minh. Sẽ có vấn đề gọi là xếp hạng điện thoại thông minh. Thì nó rất là không có tốt cho cái việc mà các bạn đến trường. Các bạn, một số bạn thì mang phong thái rằng là tự tin, tôi có cái này, tôi có cái kia. Một số bạn thì mang phong thái rằng là tự ti, tôi không có như các bạn, tôi sẽ như thế nào” – em Huy, một học sinh trung học tại Sài Gòn chia sẻ suy nghĩ về vấn đề này.
Bên cạnh đó, việc đóng các khoản phí đầu năm đối với những gia đình khó khăn, là cả một vấn đề thì huống chi là việc sắm cho con mình một chiếc điện thoại thông minh. Nhất là trong mùa dịch, đã khó nay càng khó hơn.
“Đối với mấy gia đình giàu có thì cái chuyện này nó không có gì hết. Còn đối với mấy người bình thường giống như tụi tôi mùa dịch này, đi làm thì công ty đang thiếu nợ lương. Đó không có trả, rồi cứ phát trễ, do đó cũng hơi bị khó khăn một chút nhưng cũng ráng mượn tiền để lo cho con thôi chứ giờ sao bây giờ. Chứ thật sự là khó khăn đó” – bà Phượng, một phụ huynh trải lòng.
“Mình có đọc báo, theo như ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Xuân Thành, thì “Quy định này, về cơ bản, học sinh vẫn không được sử dụng điện thoại. Các em chỉ được sử dụng thiết bị điện thoại di động khi nào giáo viên thấy thực sự cần thiết và cho phép. Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm hoàn toàn việc dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát”.
Đồng ý hoàn toàn với ý kiến của ông Vụ trưởng luôn. Nhưng mà không biết rằng ông Vụ trưởng có nghĩ tới những hậu quả có thể xảy ra khi không hoàn toàn cấm sử dụng điện thoại trong giờ học không?
Lấy một ví dụ, thực tế đã có rồi, ba mẹ thì sợ con mình suốt ngày cắm đầu vào điện thoại, không học hành được gì hết nên không đồng ý mua điện thoại thông minh cho con, mà chỉ cho con một chiếc điện thoại bình thường. Cũng xin được nói thêm là gia đình mà người viết đang viện dẫn, là hoàn toàn có thể mua được smartphone ‘hàng hiệu’. Nhờ cái vụ này của Bộ, em học sinh đó về nhà nói với ba mẹ. Vậy là buộc lòng phải mua.
Rồi còn có trường hợp phụ huynh không rành công nghệ, con kêu mua điện thoại nào là phải ráng gồng mua bằng được điện thoại đó. Có trường hợp phụ huynh nắm rõ thông tư 32 này, thì đứa con lại trả lời giáo viên có người này người kia, có người chịu có người không chịu… đủ thứ chuyện” – anh Minh chia sẻ tiếp.
Tựu trung lại, ban hành một quyết định nào đó, sẽ nhận được nhiều dư luận trái chiều, có đồng tình nhưng cũng có phản bác. Dù như thế nào đi chăng nữa, thiết nghĩ, đã ngồi lên được cái ghế lãnh đạo, nhất là một chuyên ngành, trước khi đưa ra một quyết định, cũng nên xem xét liệu sẽ có những rủi ro nào có thể xảy ra? Tầm quan trọng của rủi ro đó như thế nào?
Nhất là về vấn đề giáo dục, quyết định sai sẽ dẫn đến hỏng cả một thế hệ.