Diệp Chi
(VNTB) – Sài Gòn, thời điểm bùng dịch lớn với con số ca nhiễm ngày nào cũng 4 chữ số, lỗi là do ai?
Cách ngày lễ Giáng sinh vài bữa, trên mạng xã hội lan truyền những hình ảnh tang thương trong sự mất mát ở Sài Gòn vào thời điểm tháng 8-2021 với nội dung “nếu bạn đang có dự định đi bung lụa, party Giáng sinh, năm mới không cần quan tâm những cảnh báo và thực tế nhiều quốc gia đang phải đối mặt, nhất là Omicron… thì bạn nên xem lại những hình ảnh Sài Gòn tả tơi tháng 8-2021…”.
Sài Gòn những ngày cách ly, giãn cách của tháng 7, tháng 8 quả là thời gian vô cùng đáng nhớ đối với những cư dân nơi đây. Những hàng rào kẽm gai, những hình ảnh bộ đội đứng gác, những hình ảnh công an “hỏi han” đi đâu đây, những hình ảnh trong một đêm bắt hơn 800 người vô khu cách ly như lời chia sẻ của một người dân ở quận 8, những mất mát… có lẽ mãi không bao giờ quên được.
Sài Gòn, thời điểm đó, dịch xảy ra, bùng lớn với con số ca nhiễm ngày nào cũng 4 chữ số, lỗi là do ai? Theo phó thủ tướng Vũ Đức Đam, do người dân, do thực hiện chỉ thị 16 mà xe cộ còn chạy ầm ầm, do ông khẳng định người dân “đi chơi đó, đi tập thể dục đó, không phải đi công việc cần thiết”. Thưa ông, chẳng ai rảnh và có tâm trí để đi chơi, để đi tập thể dục (nhất là công viên đã đóng cửa trước đó) đâu ông Đam ạ.
Và rồi, kết quả là gì? Giãn cách siết chặt. Người dân ra đường khó khăn hơn, đi khám bệnh cũng khó khăn hơn; chốt nào cảm thông thì dễ dàng, chốt nào theo tư tưởng Vũ Đức Đam thì “gắt gỏng”, không là không. Kết quả nhận được là gì, là số ca tử vong tăng, là số ca nhiễm cũng không giảm, người nghèo thì thành vô gia cư, trẻ em ra đường nhiều hơn, nhà khá giả thì thâm hụt vốn…
Để rồi, ngày hôm nay, khi nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã và đang thực hiện “sống chung với dịch”. Khi chính quyền TP.HCM đang nỗ lực chung sống an toàn với dịch Covid-19 thì lại tiếp tục có ý kiến cho rằng, hành vi để xảy ra dịch lan rộng như vậy, là do người dân.
Làn sóng ấy, lan ra cả quyết định đi học đến từ UBND TP.HCM. Với con số F0 chưa đến 100 ca, nhưng theo một số ý kiến cho rằng, hành vi đó là đem lớp 9 và lớp 12 ra làm con chuột bạch, trong khi đó, theo ghi nhận ý kiến từ các phụ huynh đang có con đi học, nói theo lời của một phụ huynh có con em đang học trong trường có F0, chuyện đó vẫn nằm trong tầm kiểm soát của y tế và chính quyền, không có gì phải ngại.
“Điều này là hoàn toàn không hợp lý. Một ví dụ vô cùng thực tế, xét nghiệm dương tính giả hay que chứng dương, từ âm tính thành dương tính. Rồi nghe theo anh Đam, vô khu cách ly, dù âm cũng thành dương. Lỗi là do dân à?”, ông Hai thắc mắc.
“Đúng là về vấn đề dịch bệnh, phải tuân thủ những khuyến cáo. Nhưng đã gọi là sống chung với dịch thì không thể như cái thời zero covid được, chính quyền cũng không cấm dân ra đường. Tưởng tượng nếu thành phố không có sự nhộn nhịp từ người dân, sẽ như thế nào? Đó là chưa kể đến việc cái gọi là thông tin các quốc gia khác đối mặt Omicron, có đầy đủ hay không khi truyền thông Việt Nam còn chịu sự chi phối bởi Bộ Thông tin Truyền thông?
Omicron nguy hiểm hay không chưa biết nhưng nếu tôi nhớ không lầm, từ đọc báo nội dung nước ngoài kêu Omicron sẽ chấm dứt dịch gì đó và nước ngoài có thật sự ngại Omicron hay không? Cung cấp thông tin đem đến sự phòng bị cho dân trước tình hình dịch chứ đừng gieo sợ hãi hay khơi lại nỗi đau của người dân”, một cư dân ở Bình Dương chia sẻ.
Có thể nói, việc để xảy ra bùng dịch như thành phố ở đợt vừa rồi, lỗi hoàn toàn không phải do người dân. Lo toan cuộc sống với miếng ăn hằng ngày, đã quá đủ mệt mỏi, nói chi đến quỹ thời gian để biết tin tức đầy đủ như thế nào. Sống chung với dịch, ra đường mưu sinh không đồng nghĩa với việc bung lụa hay ỷ y, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Lỗi hoàn toàn thuộc về người tiền nhiệm trong vấn đề không chuẩn bị vắc-xin như bao quốc gia khác. Lỗi đó có một phần còn do người có kiến thức chuyên môn về y tế không nhìn trước được vấn đề. Và lỗi đó, phần lớn, là do người đã ép buộc Sài Gòn phải thực hiện ‘chỉ thị 16 siết chặt’….