Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đừng lên dây cót bằng tin tức kiểu cổ động chính trị

Nguyễn Nam

(VNTB) – TP.HCM phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước 15-9.

 

Báo chí đồng loạt đưa tin với mốc thời gian cụ thể như vậy, từ trích nội dung của Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 6-8-2021.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trung tuần tháng 9 sẽ kiểm soát được dịch

Nghị quyết có phần mở đầu bằng những mẫu câu rất dài quen thuộc, ‘cổ điển’:

“Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thích ứng với tình hình; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước; với yêu cầu đặt tính mạng, sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết, qua đó đã từng bước kiểm soát được tình hình dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”. (dừng trích)

Điều 1. “Các giải pháp cấp bách” của Nghị quyết số 86/NQ-CP, khoản C đưa ra mệnh lệnh hành chính:

“Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”.

Kể từ ngày bắt đầu giãn cách: trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15 tháng 9 năm 2021.

Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 01 tháng 9 năm 2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25 tháng 8 năm 2021. Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện cụ thể”.

(Nội dung ở đoạn trích trên trong văn bản, được viết liền mạch, không có xuống dòng)

Như vậy, nếu báo chí tập trung điểm nhấn về các mốc thời gian kiểu như “Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15 tháng 9 năm 2021”, trong khi vẫn chưa rõ Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể gì, thì trước mắt đúng là tạo hy vọng cho dân chúng về ngày mà họ được “bình thường mới”.

Năn nỉ xin được giữ lại số tiền của chính mình…

Thế nhưng ở một diễn biến khác, người ta lại thấy rất lạ khi trong ngày 10-8, bên cạnh việc báo chí đưa tin về các mệnh lệnh hành chính của Nghị quyết số 86/NQ-CP, thì cũng đồng thời cho hay là Bộ Y tế đang thúc chính quyền TP.HCM bỏ tiền ra mua 5 triệu liều vắc xin Moderna, và hạn chót của chuyện chờ quyết định này là vào ngày 15-8-2021.

Bộ Y tế nói rằng ngày 28-5,  Bộ Y tế đã làm việc với Công ty Zuellig Pharma – đơn vị được Moderna chỉ định nhập khẩu, phân phối vắc xin phòng Covid-19 cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Doanh nghiệp này cho hay dự kiến có thể cung cấp được 5 triệu liều vắc xin của Moderna cho Việt Nam. Bộ Y tế đã có công văn ủng hộ chủ trương để TP.HCM mua vắc xin của Moderna phục vụ nhu cầu tiêm chủng phòng Covid-19 của người dân thành phố.

Bộ Y tế hứa sẽ tạo điều kiện thực hiện các thủ tục cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin nhanh nhất.

Bộ Y tế đã có tới 3 văn bản hối thúc UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục mua để có vắc xin cho người dân thành phố trong thời gian sớm nhất. Trong quá trình thực hiện, nếu thành phố có khó khăn, vướng mắc, đề nghị kịp thời trao đổi với Bộ Y tế. Tuy nhiên, đến ngày 8-8-2021, Bộ Y tế chưa nhận được thông tin về tiến độ thực hiện mua vắc xin của TP.HCM.

Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM khẳng định về việc có mua vắc xin Moderna này hay không?. Trường hợp thành phố không mua, đề nghị thành phố có văn bản trước ngày 15-8-2021 để Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho đơn vị, địa phương khác mua.

Ẩn tình bên trong ra sao, có lẽ sẽ sớm rõ trắng – đen. Trước mắt, rất có thể ở đây xuất phát từ chuyện hồi cuối tháng 6-2021, chính quyền TP.HCM đề xuất với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính, xin được giữ lại nguồn kinh phí ủng hộ phòng chống dịch để chi cho hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch, mua vắc xin.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản khẩn gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng kinh phí ủng hộ hoạt động phòng chống dịch Covid-19 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tiếp nhận.

Theo đó, để đáp ứng các nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch hiện nay, TP.HCM rất cần kinh phí lớn từ các nguồn tài trợ bên cạnh ngân sách nhà nước.

Từ khi vận động đến ngày 31-5, ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 thành phố (Ban vận động) đã kêu gọi sự ủng hộ từ nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Đến hạ tuần tháng 6, hơn 80 đơn vị, cá nhân đã đăng ký ủng hộ với số tiền hơn 2.210 tỉ đồng.

Từ nhu cầu về kinh phí của TP, UBND TP.HCM kiến nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính xem xét cho phép TP.HCM không chuyển vào ngân sách nhà nước kinh phí mua vắc xin phòng chống dịch Covid-19 mà Ban vận động đã tiếp nhận.

Đồng thời, UBND TP.HCM đề nghị Trung ương giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM theo dõi, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí ủng hộ để thực hiện hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch, bao gồm cả việc mua vắc xin.

Căn cứ chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế về mua vắc xin phòng COVID-19, TP.HCM sẽ chủ động các nguồn lực tài chính (bao gồm cả nguồn Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố do Ban vận động tiếp nhận ủng hộ) để thực hiện, đảm bảo vắc xin tiêm phòng cho người dân.

Tuy nhiên, tin tức cho biết, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh thành phối hợp với Sở Tài chính địa phương chuyển toàn bộ kinh phí đã tiếp nhận ủng hộ (còn lại) vào ngân sách nhà nước để mua vắc xin phòng Covid-19.

Vậy là chính quyền TP.HCM, nghe đâu đành ‘nộp’ hơn 2 ngàn tỷ bạc đã vận động được ấy, nên giờ họ chưa xoay đâu ra được số bạc để mua 5 triệu liều Modena đó.


Tin bài liên quan:

VNTB – Báo chí tư nhân sẽ được cạnh tranh với báo chí quốc doanh?

Phan Thanh Hung

VNTB – Lửa cháy thành Đại La

Phan Thanh Hung

VNTB – Luật Biểu tình: ‘đề bài’ phải giải của Quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo