VNTB – Đừng quá tàn nhẫn với người nông dân

VNTB – Đừng quá tàn nhẫn với người nông dân

Thanh Xuân

 

(VNTB) – Đã không thương cũng xin đừng quá tàn nhẫn với người nông dân.

 

Giờ là thời điểm những ngày giáp Tết. Như thường lệ hằng năm, cứ đến khoảng thời gian này là đường phố Sài Gòn tràn ngập sắc hoa.

Nói về hoa Tết, trong một lần vô tình lướt mạng xã hội Facebook, có ý kiến cho rằng: “Đây đó người ta quay cảnh người bán hoa đập nát chậu hoa, chậu quất, mai, đào… vào trưa 30 tết. Họ bán không được bèn đổ thừa người mua hoa ép giá, họ trút giận lên những chậu hoa tội nghiệp. Năm nào cũng vậy, năm nay có vẻ nhiều hơn”.

Có thể nói, hình ảnh đập chậu, bẻ hoa những ngày 30 Tết, trước khi lên đường trở về quê hương ăn Tết, trong những năm gần đây, là điều tương đối phổ biến. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với họ đang trút giận lên những chậu hoa.

Vì sao? Đơn giản, vì họ là nông dân. Ở đây, xin được nói nông dân nói chung. Điều đó cũng có nghĩa sản phẩm của họ có thể là đồ hàng bông (ví dụ như khổ qua, rau, bí đỏ…), cũng có thể là trái cây, và cả hoa. Để có được một sản phẩm (dù ít hay nhiều), họ cũng đã tính toán ngày tháng xuống giống, rồi bỏ công ra chăm sóc, đêm hôm dậy hái để còn kịp cho giấc chợ sáng. Có những người nông dân, dù đang mang trong mình bệnh, chân đau, vẫn cố gắng kéo đường ống, tưới cây. Đó là chưa kể còn diêm, còn giống rồi lưới và đủ loại chi phí khác. Với sự chăm chút đó, liệu rằng, họ có đủ tàn nhẫn để đập chậu, xé hoa hay không?’

“Cưng thấy bà, ở đó mà bỏ. Nhìn nó từ lúc còn nhỏ cho đến khi lớn dần, nói gì nói, cũng thấy thích lắm. Nhiều người họ không biết, họ lựa hoa, lựa trái cây mà mạnh tay rồi ném xuống này nọ. Nhìn mà xót luôn”, bà Nguyễn Thị Út, cả đời là một nông dân, làm lụng nuôi con ăn học đại học, chia sẻ.

Là nhà kinh doanh, bán không được hàng thì cái sai đầu tiên thuộc về họ. Khi bán hàng, cần phải dự trù, phải tính trước tình huống không bán được, sẽ bị lỗ lã chứ không phải chắc mẫm hay chờ đợi bán được, lời khẳm.

Kế đó, theo tác giả bài viết thì:

“Là nhà kinh doanh, bán không được hàng thì cái sai đầu tiên thuộc về họ. Khi bán hàng, cần phải dự trù, phải tính trước tình huống không bán được, sẽ bị lỗ lã chứ không phải chắc mẫm hay chờ  đợi bán được, lời khẳm.

Đổ lỗi cho người mua là sai. Người mua có nhiều phân khúc, nhà giàu tiền bạc không thành vấn đề thì mua trước, hoa đẹp, giá cao, chơi được lâu. Người tính toán thì bỏ ra số tiền phù hợp, thuận mua vừa bán, không bán thì thôi. Bông hoa là mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu, mua tùy thích và tùy túi tiền. Người bán hoa đập cây và nói “thà đập bỏ chứ không bán lỗ”, rằng “phải dạy cho người mua một bài học”. Dạy ai? Ai học? Ai cần học? Người cần học chính là người bán hoa chứ không phải người mua hoa trễ. Anh cần học để lần sau anh không bị lỗ vốn”.

Câu hỏi đặt ra, liệu có phải chăng tác giả ý kiến này đang lập lờ đánh tráo khái niệm. Theo ghi nhận từ nhiều nông dân, với họ, chỉ đơn thuần là những nông dân chân chất, thật thà (trừ những nông dân theo diện được ưu ái từ chính quyền địa phương thì không biết), “tui trồng bán kiếm tiền sống thôi, kinh doanh gì chú ơi, vườn nhà tui có bao nhiêu đâu, cũng đâu có hệ thống tưới tiêu như người ta”. Không bán được hàng, không phải do họ. Vậy thì do cái gì?

Do một nền kinh tế buồn. Một năm với sự trồi sụt kinh tế, cuộc sống quá bấp bênh, từ một tuần tăng ca mấy ngày cho đến bây giờ một tuần đi làm chỉ có 3 ngày, một số người bị cho nghỉ việc, người nông dân bán không được, đổ lỗi cho họ! Những người chưa qua trường lớp về marketing cũng như không có sự chuyên nghiệp trong phân tích kinh tế. Liệu có hợp lý?

“Tui nói thiệt, tui không biết cái cha hay cái bà tác giả nào đưa cái ý kiến đó, có bao giờ đi quan sát không? Ai nói là mấy ngày đầu người giàu đi mua nhiều? Ra đường coi đi, chịu khó coi được bao nhiêu chiếc xe hơi sang, xịn, mịn đi mua? Hay đó là những chiếc xe máy bình thường, đó là một bà bán khoai bên đường. Sẵn sàng mua chậu hoa giá 500.000 VND vì đồng cảm với người nông dân về kiếm sống khó khăn!

Còn chạy xe hơi đi mua hoa cuối năm, đọc báo đi, có đó. Ngồi trên ô tô, đi chầm chậm để mặc cả, đỗ ô tô ngay giữa đường để mua hoa khiến các tuyến đường quanh chợ hoa bị ùn tắc cục bộ”, là người mua hoa, chị Khánh, quan sát tình hình chia sẻ. 

Lời cuối, kính thưa ông (bà) tác giả có ý kiến: “Nhà nước nên phạt nặng những người bán hoa tạo rác như vầy. Họ không thể biến hoa thành rác để tạo thêm gánh năng cho công nhân vệ sinh”. Nếu ông (bà) tác giả có thời gian quan sát, cụ thể hơn là ở Bến Bình Đông với chợ hoa xuân “trên bến dưới thuyền”, số lượng ghe đang dần giảm theo từng năm và số lượng cũng như mức độ đa dạng của bông cũng như thế. Là vì sao? Là vì bị ép giá, bán rẻ, vốn cũng không lấy lại được.

Đã không thương cũng xin đừng quá tàn nhẫn với người nông dân.

___________

Chú thích:

(*) (https://vietnamnet.vn/ngoi-xe-hop-mua-dao-gay-un-tac-ngay-30-tet-430460.html)

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (2)
  • comment-avatar
    Vinh 5 months

    Không có người nông dân nào ở đây hết nhé. 99% là thương lái ! Sản phẩm họ đã mua từ nhà vườn rồi mang đi bán chứ không phải người nông dân mang đi bán.

  • comment-avatar

    Có lẽ người nông dân không phù hợp với việc mua bán. Hãy giao cho thương lái