Nguyễn Nam
(VNTB) – Pháp luật hình sự của Việt Nam không có tội danh về “bất đồng chính kiến”. Ở Việt Nam, chỉ có những người vi phạm pháp luật mới bị xử lý theo đúng pháp luật.
Tuy nhiên những ai không tán đồng các chính sách nào đó mà đảng chính trị ở Việt Nam đưa ra – nôm na là “bất đồng chính kiến”, người ấy sẽ dễ đối mặt với cáo buộc vi phạm pháp luật, mà phổ biến nhất là các tội danh trong nhóm hành vi về “Xâm phạm an ninh quốc gia” – nhà báo tự do Phạm Chí Dũng là một ví dụ cho việc bị cáo buộc này, khi ông lên tiếng phản biện một số chính sách của đảng cầm quyền.
Từ tiền lệ của bản án giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải mà công luận đang phẫn nộ về 17 vị thẩm phán của tòa tối cao, cho thấy nhân danh quyền lực nhà nước, người ta có thể bỏ tù, thậm chí tuyên án kết liễu bất kỳ ai, khi cho rằng đây là mối đe dọa cho đảng chính trị đang cầm quyền.
“Về kháng nghị nội dung không đưa lời khai ban đầu của Hải và một số nhân chứng khác vào hồ sơ, tòa án cũng đồng tình đây đây là thiếu sót của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, các tài liệu này không ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên không nhất thiết phải điều tra lại” – bài báo “Chi tiết 17 nhận định của tòa tối cao trong vụ tử tù Hồ Duy Hải” trên tờ Tiền Phong viết (*).
Nhận định trên của các vị thẩm phán tòa tối cao cho thấy – ví dụ như vụ án cáo buộc ông Phạm Chí Dũng về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (**), nếu mai này có diễn ra các phiên tòa theo trình tự tố tụng, tài liệu vụ án cho thấy không mang nội dung đúng theo ngữ nghĩa tiếng Việt về “nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thì các quan tòa vẫn không khó khi cáo buộc với lập luận “các tài liệu này không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”.
Trong vụ án Hồ Duy Hải, bất chấp việc “hung khí gây án không thu thập được (phải thay thế), dấu vết tội phạm là dấu vân tay, vết máu không thu thập kịp thời lại không trùng với dấu vết của người bị cáo buộc”…, cả 17 vị thẩm phán tòa tối cao vẫn biểu quyết để đưa ra nhận định đầy khó hiểu – đầy khó hiểu chứ không phải là chủ quan: “không ảnh hưởng đến bản chất vụ án” (?!).
Lưu ý, trong vụ án hai nhân viên ở Bưu cục Cầu Voi bị sát hại vào trung tuần tháng 1-2008, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao không đề cập việc Hải bị oan, mà là kiến nghị yêu cầu xem xét lại đúng pháp luật các diễn biến của vụ án. Điều này có nghĩa vụ việc xử lý theo trình tự và căn cứ vào pháp luật một cách thuyết phục. Nếu đã có quá nhiều thủ tục tố tụng vi phạm thì vụ án cần được điều tra lại.
Tương tự, trong nhiều vụ án trước đây về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, phía cáo buộc không chứng minh một cách khoa học về chứng lý của ‘chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’, và vì sao người đại diện cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lại chưa bao giờ được mời đến phiên tòa với tư cách ‘người bị hại’?
Ở đây là ‘chống’ hay ‘vu khống’ theo cách hiểu hình sự? Hay đây là một quyền hiến định ghi rõ tại Điều 28, Hiến pháp 2013: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Diễn biến hậu giám đốc thẩm vụ án ở Bưu cục Cầu Voi, sở dĩ thu hút sự quan tâm của công luận từ nhiều góc nhìn, vì không đơn giản chỉ là xem xét tính mạng một con người, mà nó cho thấy đang đòi hỏi nền tư pháp phải tuân theo pháp luật một cách độc lập.
_________________
Chú thích:
(*) https://www.tienphong.vn/phap-luat/chi-tiet-17-nhan-dinh-cua-toa-toi-cao-trong-vu-tu-tu-ho-duy-hai-1654882.tpo
(**) http://bocongan.gov.vn/tintuc/Pages/lists.aspx?ItemID=26792