Nguyễn Nam
(VNTB) – Miền Nam quá thiệt thòi
Người Việt Nam rất giỏi và rất thông minh, nhưng vẫn nghèo và giống như Hàn quốc cách đây 30 năm – ý nói Việt Nam lạc hậu so với Hàn Quốc 30 năm. Việt Nam có biển và có đất đai trù phú hơn Hàn Quốc rất nhiều. Tôi biết vì sao? Còn ông? Ông có biết không?
Luật sư Lê Hùng kể câu chuyện về bữa ăn cơm với một thương nhân xứ Kim Chi, tóm lược như sau:
“Tôi có dịp làm việc với nhiều tập đoàn lớn của Hàn quốc. Một lần khi xong một dự án khá lớn, ông chủ tập đoàn từ Hàn quốc bay sang kiểm tra, và mời tôi đi ăn cơm. Ông đã hơn 70 tuổi.
Trong bữa ăn ông nói: Người Việt Nam rất giỏi và rất thông minh, nhưng vẫn nghèo và giống như Hàn quốc cách đây 30 năm – ý nói Việt Nam lạc hậu so với Hàn Quốc 30 năm. Việt Nam có biển và có đất đai trù phú hơn Hàn Quốc rất nhiều. Tôi biết vì sao? Còn ông? Ông có biết không?
Tôi chỉ gật đầu và nói “tôi biết”.
Tôi đâu có thể giải thích cụ thể rằng vì hai tay còn giương cao hai ngọn cờ: ‘chủ nghĩa xã hội’ và ‘độc lập tự do’, chẳng còn tay nào để làm kinh tế cả, thì làm sao mà giàu có được? Chỉ có mỗi cái miệng thì rảnh nên tha hồ nói hay nói đẹp.
Ông lại nói: nói thật với ông chi phí trả cho ông trong vụ này chỉ bằng 1/10 một công ty luật báo giá cho tôi thôi. Ông có muốn tôi bù đắp thêm không?
“Tôi chỉ lấy đúng sức lao động của tôi thôi, công ty còn phải nhiều chi phí, còn tôi thì không. Cám ơn ông nhưng vậy đủ rồi!”.
Ông gật gù: Ông làm tôi thay đổi cách nghĩ về người Việt Nam đấy.
Nghĩ cũng vui và cũng buồn cho Việt Nam”.
Luật sư Lê Hùng chia sẻ tự sự khác: “Tôi là người Hà Nội và là người Bắc 100%m nhưng cũng phải chạnh lòng cho sự thiệt thòi của miền Nam.
Về nhân sự thì mọi người thấy rõ trong ‘cơ cấu’ lãnh đạo vừa rồi.
Về kinh tế tổng GDP toàn quốc, miền Nam chiếm 2/3. Chẳng thấy ai di cư ra Bắc để sống cả. Ra phi trường bay ra Hà Nội, 10 ông cắp cặp thì có đến 8 ông ra để ‘xin’, xin cơ chế không phải xin tiền, mà muốn xin được thì phải ‘cho’.
Thấy rõ nhất là giao thông vận tải. Chỉ có mấy cây cầu lớn nhưng lại là của nước ngoài Nhật, Úc, Hàn quốc xây dựng cho vay vốn ưu tiên hoặc đổi hạ tầng. Chỉ có hai con đường cao tốc thì cũng lại do các công ty của phía Bắc thu phí. Trong khi đó ra Bắc thì hoa cả mắt vì các loại đường cao tốc.
Tham nhũng đi tù cũng vậy hơn 80% là lãnh đạo phía Bắc.
Văn hoá xã hội cũng vậy , con người mới xã hội chủ nghĩa tràn vào miền Nam mang theo nói tục chửi bậy, nghênh ngang ăn tục nói phét.
Sơ sơ vậy thôi để thấy miền Nam quá thiệt thòi, và không được đối xử công bằng, dù rằng miền Nam khi nào cũng tràn ngập ánh nắng.
Tôi không phân biệt vùng miền, và cũng không có ý phê phán ai cả chỉ nói lên những gì mắt thấy tai nghe…”.
Giờ là đến phần của “xọ chuyện kia”.
Số là ở ngày cuối tuần, trên mạng xã hội của bà con Sài Gòn rần rần chuyện “thơ nghị quyết!”.
Nhà báo Ái Mỹ, kể: Thấy mọi người cười thơ á – quán quân, tui tập tễnh ghé mắt dòm thử.
Kẻ phàm đâu dám bình thơ hay dở, chỉ thấy hai bài thơ trong chùm thơ á-quán quân thơ Văn nghệ rất xứng đáng được trao giải, mà căn cứ xét duyệt là các Quyết định số 775/2018 của Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020; Quyết định 1772/2016 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020….
Nhiều vô kể chương trình, nghị định, chính sách dành cho vùng núi, vùng dân tộc thiểu số nhưng bà con mình vẫn nghèo, vẫn mất trộm gà, lợn liên miên đến độ thành nguồn cảm hứng cho thi ca!
Nhớ “thi thực” Đỗ Phủ đời Đường viết “Cửa son rượu thịt ôi/ Ngoài đường xương chết rét”. Ông ghi lại cái nghèo trong sự đối lập, vừa quặn lòng thương xót lớp bần cùng vừa phẫn nộ cái xa hoa thừa mứa của tầng lớp bề trên.
Cái chân, cái thiện làm nên cái mỹ của thơ, của người làm thơ là ở giữa những từ/ ngữ/ nghĩa ấy. Nó không phải ngô nghê, võ vẽ, đánh vần cái sự tốt bụng, lạc quan tếu như thế!
Nguyên văn bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của Tòng Văn Hân:
“Những lần gà nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
-Cái đứa trộm gà ơi
Ta cầu mong cho ngươi
Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!
Những lần lợn con nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
-Đứa nào trộm lợn nhà tôi
Thì hãy có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé !
Từ thuở bé đến giờ
Hễ nhà mình mất gà mất lợn
Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế
Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa
Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường
Nhan sắc không bằng đám bạn
Khéo léo không bằng người ta
Thế mà có hẳn bốn nhà
Muốn được tôi làm con dâu của họ”.
Ý tưởng “phúc đức tại mẫu” chấp nhận được. Người mẹ có tấm lòng rộng lớn thì người con sẽ gặp nhiều báo đáp may mắn. Tuy nhiên, tác giả viết quá vụng về, nên phơi bày sự ngây ngô. “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” được chọn đăng trên báo, đã là một sự châm chước. Còn trao giải cho “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” thì hơi xem thường độc giả và xem thường thi ca.