Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giá đất đấu thầu ở Thủ Thiêm: ăn trên xương máu đồng bào

thủ thiêm

Thới Bình

(VNTB) – Khu đô thị mới Thủ Thiêm là nơi được quy hoạch ‘ăn’ trên xương máu của đồng bào

 

Vượt qua 15 đơn vị tham gia đấu giá và 70 lượt trả giá đầy cạnh tranh, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt – công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh – đấu giá thành công lô đất mang ký hiệu 3-12 thuộc khu chức năng số 3 khu dân cư phía bắc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Với 24.500 tỷ đồng (1,1 tỷ USD), đây là lô có giá trị cao nhất trong tổng số 4 lô đất tại Thủ Thiêm được TP.HCM bán đấu giá trong ngày 10-12. Con số này tương đương 2,45 tỷ đồng/ m2. (1)

Một chủ doanh nghiệp quan tâm đến cuộc đấu giá này nhận xét: Căn cứ vào đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, lô đất 3-12 mà  công ty con Ngôi Sao Việt của Tân Hoàng Minh vừa đấu giá trúng 2,45 tỷ/ m2 có tổng diện tích sàn xây dựng (GFA) là 90.000 m2, hệ số sử dụng đất là 8,95 lần và số căn hộ dự kiến là 570 căn.

Với công thức đó, khi lô đất 3-12 được mua vào với giá 24.500 tỷ đồng thì giá mỗi căn hộ bán ít nhất 360 triệu đồng/ m2 với tỷ lệ xây 75% GFA. Đây là mức giá chưa bao gồm chi phí xây dựng và lợi nhuận doanh nghiệp. Như vậy muốn hòa vốn chứ chưa nói đến lãi và các chi phí abcd, Tân Hoàng Minh phải bán ra căn hộ với giá thấp nhất 400 triệu đồng/ m2, mức giá chưa dự án nào ở Thủ Thiêm đạt được một nửa chứ đừng nói bằng!

Các doanh nghiệp tham gia đấu giá bỏ cuộc đua vì sau khi tính toán họ nhận thấy không có lợi với giá đó, chứ chẳng phải khả năng tài chính thua Tân Hoàng Minh. Bởi đây là mức giá cao hơn rất nhiều so với những dự án hiện hữu tại khu vực Thủ Thiêm hiện nay, thậm chí ở những lô đất đẹp hơn. Điều này càng đặt ra câu hỏi về kế hoạch phát triển của chủ sở hữu lô đất.

Còn về cách giải thích, chấp nhận trả giá cao một phần vì được giao đất sạch một cách minh bạch, đường hoàng, đó lại là lối ngụy biện vì ai cũng biết khu đô thị mới Thủ Thiêm là nơi được quy hoạch ‘ăn’ trên xương máu của đồng bào mình, và đến nay người dân bán đảo này vẫn tiếp tục khiếu kiện.

Cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Đặng Hùng Võ ngờ vực động thái mà Tân Hoàng Minh hướng đến sau phiên đấu giá “không tưởng” có khả năng nhằm kích giá ảo cho thị trường bất động sản, không phải là đánh bóng tên tuổi.

“Khu vực Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi được coi là ‘trung tâm thương mại’ của TP.HCM nên đất ở đây là đắt nhất. Nếu Thủ Thiêm đắt gấp đôi và đối chiếu với quy luật giá trị, đúng là có nhiều bất thường” – vị chuyên gia đặt câu hỏi liệu ai sẽ sẵn sàng chi 2,5 tỷ đồng/ m2 để đầu tư vào đất Thủ Thiêm và kinh doanh gì để có thể hoàn lại vốn, chứ chưa nói đến chuyện có lãi.

“Ngay cả việc xây chung cư hay biệt thự thì cũng không ổn rồi, kể cả hoạt động sản xuất kinh doanh cũng không tạo ra được lợi nhuận đủ để ‘chở’ cái giá 2,5 tỷ đồng/ m2”, ông Võ nhìn nhận. Hệ lụy ở đây là khi giá bất động sản tăng bất thường không theo nhịp độ phát triển kinh tế, người dân sẽ dồn vốn vào thị trường bất động sản khiến cho không còn ai muốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh nữa.

Thị trường không mong muốn những hoạt động kích giá ảo như vậy.

Quá khứ, Tân Hoàng Minh từng không ít tai tiếng về các dự án bất động sản. Đơn cử, Tân Hoàng Minh đang vận hành dự án D’. Le Roi Soleil (498 căn tại 59 Xuân Diệu, quận Tây Hồ), D’. El Dorado I (448 căn tại 659A Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) và D’. Le Pont D’or (308 căn tại 36 Hoàng Cầu, quận Đống Đa). Doanh nghiệp đang triển khai dự án D’. Capitale (3.000 căn tại Đống Đa), D’ Palais Louis (242 căn tại Cầu Giấy) và D’ Metropole Hà Tĩnh (gồm 61 căn shophouse và 140 căn hộ tại Hà Tĩnh).

Tuy nhiên, vào năm 2017, hàng loạt dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội bị Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận sai phạm. Cụ thể, dự án D’.Palais Louis có một số gói thầu thi công đã hết hiệu lực; hồ sơ quản lý chất lượng không có biên bản nghiệm thu thiết bị thi công; có 8 nhà thầu không mua bảo hiểm theo cam kết của hợp đồng…

Hai dự án khác của Tân Hoàng Minh tại Hoàng Cầu và Quảng An cũng vướng nhiều sai phạm như chủ đầu tư thẩm định công tác thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình chưa đúng mẫu quy định trước khi phê duyệt; một số gói thầu, cán bộ tư vấn giám sát không thực hiện giám sát theo đề cương đã được chủ đầu tư chấp thuận và quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Tân Hoàng Minh cũng từng đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng để thâu tóm lô “đất kim cương” tại ngã tư Hàng Bài (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), mục đích xây trung tâm thương mại và tái định cư. Doanh nghiệp bắt đầu được giao đất từ năm 2011 nhưng sau đó cho rằng với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt thì dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế dẫn đến thua lỗ. Để tháo gỡ khó khăn, chủ đầu tư đã nhiều lần xin thay đổi quy hoạch từ trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư sang trung tâm thương mại, khách sạn. Sau đó, dự án lại được chuyển thành mục đích trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở…

Khu đất 22-24 Hàng Bài, đối diện Tràng Tiền Plaza, còn có một mặt tiền khác tại 25-27 Hai Bà Trưng sau đó bị bỏ hoang nhiều năm. Cuối cùng, Tân Hoàng Minh sang tay cho Masterise Homes để triển khai dự án bất động sản “hàng hiệu”.

Theo Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm, tại khu đô thị này hiện còn 51 lô đất với diện tích hơn 793.000 m2. Tất cả diện tích này là đất thương phẩm, là nguồn thu để thực hiện cân đối tài chính trong dự án đầu tư khu đô thị này từ đầu đến nay.

***

Ông Đỗ Anh Dũng sinh ngày 30-07-1961. Ông là nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, ông còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Minh Việt.

Xuất thân là công chức nhà nước, ông có 5 năm làm việc tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước tại Hà Nội và TP.HCM.

Năm 1993, ông Dũng thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (nay là Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Khi mới thành lập, Tân Hoàng Minh hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất và xuất khẩu mây tre đan, kinh doanh vận tải hành khách công cộng và xây dựng.

Năm 1995, ông Dũng bắt đầu xây dựng và kinh doanh vận tải hành khách công cộng với hệ thống Taxi V20. Thương hiệu Taxi V20 từng rất nổi tiếng trong những năm 2000, chiếm 20-25% thị phần vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nha Trang…

Đến năm 1998, ông Dũng thành lập nhà máy sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ với thương hiệu RATEX. Những sản phẩm mây tre đan này được xuất khẩu sang các nước châu Âu như: Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Ý… và mang lại nguồn lợi nhuận từ 35 triệu USD mỗi năm cho Tân Hoàng Minh.

Từ năm 2006, ông Dũng chuyển hướng Tân Hoàng Minh đầu tư vào thị trường bất động sản và tập trung vào phân khúc cao cấp.

_______________

Ghi chú:

(1) https://vietnamthoibao.org/vntb-gia-dat-cao-nhat-the-gioi-thuoc-ve-thu-thiem-viet-nam)


Tin bài liên quan:

VNTB – Tham nhũng trong đấu thầu là hệ quả của lũng đoạn chính trường?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tổng bí thư đang ở đâu?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Việt Nam dừng đón khách đến từ Nga

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo