Phương Nguyên
(VNTB) – Giá đô la chợ đen ngày 16-1 đã lên tới mức giá mua vào là 27.900 đồng VN/ USD.
Tính đến đầu giờ chiều ngày 16-1, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 74 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 76,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Tại DOJI, giá vàng ở mức 73,95 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 76,45 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng ở mức 74,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 76,45 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Tại PNJ, giá vàng ở mức 74,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 76,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra…
Trên thị trường thế giới, giá vàng nhích nhẹ với vàng giao ngay tăng 6,6 USD lên 2.055,3 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.059 USD/ounce, tăng 7,4 USD so với rạng sáng 15-1.
Trước đó, từ đầu ngày 15 đến rạng sáng 16-1, do thị trường chuẩn bị đóng cửa kỷ niệm Ngày Martin Luther King Jr nên nhà đầu tư hạn chế giao dịch. Điều này làm cho giá vàng thế giới chỉ biến động trong khoảng 5-10 USD/ounce. Mặt khác, đồng USD, lãi suất trái phiếu và chứng khoán Mỹ cũng thưa thớt người giao dịch và biến động không nhiều.
Cùng với xung đột tại Ukraine, cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ được nhiều tổ chức đánh giá có quy cơ phá tan hi vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong năm con rồng này. Trong bối cảnh đó, vàng được xem như một kênh trú ẩn và do vậy có thêm động lực để tăng giá. Các nhà phân tích cho rằng nếu bất ổn chính trị trên toàn thế giới leo thang sẽ sớm đẩy giá vàng trở lại mức 2.100 USD/ounce.
Tỷ giá USD/VND tăng trở lại trong thời gian gần đây trên cả thị trường niêm yết và thị trường tự do. Theo lý giải của SSI Research, áp lực từ tỷ giá niêm yết có thể đến từ nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh giai đoạn trước Tết Nguyên đán và cần phải theo dõi thêm trong thời gian tới khi thông thường, nguồn cung ngoại tệ vẫn có thể bù đắp được nhu cầu nhập khẩu.
Giá vàng tăng vọt và tỷ giá cao cũng tác động xấu tới cổ phiếu.
Thông thường, thị trường chứng khoán thường giao dịch “rất khó chịu” thời điểm trước kỳ nghỉ lễ Tết Âm lịch, làm khó người cầm nắm cổ phiếu. Tâm lý bán và không sở hữu cổ phiếu trước nghỉ lễ là điều dễ hiểu.
Một số tổ chức cũng đồng loạt nhận định rằng thị trường chứng khoán bước vào pha hồi phục trong bối cảnh lãi suất đang ở mức thấp, vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận bắt đầu tạo đáy. Đáng chú ý yếu tố liên quan vấn đề chính trị như sức khỏe Tổng bí thư ra sao cũng góp phần ít nhiều vào thị trường. Theo đó, hôm Tổng bí thư xuất hiện ở nghị trường Quốc hội: Chỉ số chứng khoán chuẩn (VNI) tăng 0,5% trong phiên giao dịch buổi sáng ngày thứ Hai, sau khi đóng cửa giảm 0,65% vào thứ Sáu khi những lo ngại về sức khỏe của ông Trọng lan rộng.
Bước sang ngày thứ hai của kỳ họp Quốc hội bất thường, tin tức về sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng im ắng với nhiều ngờ vực đã khiến thị trường diễn biến xấu ngay từ đầu giờ giao dịch với lực bán luôn chực chờ. Khoảng 9g45, VN-Index thủng mốc 1.150 điểm nhưng nhanh chóng cải thiện chỉ 10 phút sau đó. Từ cuối buổi sáng đến nửa buổi chiều, chỉ số đại diện sàn HoSE rung lắc quanh tham chiếu.
Từ 14 giờ, chỉ số này dần tăng tốc đi lên. VN-Index vọt lên và đóng cửa ở mức hơn 1.163 điểm, tăng 9 điểm so với hôm qua. Toàn sàn HoSE có 318 cổ phiếu tăng, nhiều hơn hẳn số lượng 163 cổ phiếu giảm. Đà tăng được dẫn dắt bởi các mã VHM, HPG, MSN, MWG, BID. Bán lẻ là nhóm có chỉ số ngành tăng mạnh nhất. Nổi bật có MWG với thanh khoản cao nhất thị trường, đạt hơn 765 tỷ đồng và thị giá tích lũy thêm 3,3%.
Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 13.100 tỷ đồng, cao hơn 470 tỷ so với hôm qua. Dòng tiền tập trung ở nhóm ngân hàng, bất động sản và dịch vụ tài chính. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng ở phiên thứ ba liên tiếp. Giá trị mua ròng đạt gần 150 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với phiên trước. Nhóm này gom mạnh MWG, STB, VPB và VCB.