VNTB – Giấc mơ công đoàn độc lập trong giới xã hội dân sự?

VNTB – Giấc mơ công đoàn độc lập trong giới xã hội dân sự?

Định Tường

 

(VNTB) – Giờ là tuần cuối của năm 2023. Hình như dịch giã Covid đã khiến ‘nguội’ đi nhiều hoạt động của giới xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam.

 

Gần như giờ ít còn ai nhắc đến tổ chức Liên đoàn Lao động Việt Tự do. Sở dĩ gọi là liên đoàn vì kết hợp của ba tổ chức xã hội dân sự gồm Công đoàn độc lập Việt Nam, Hiệp hội đoàn kết công nông Việt Nam và Phong trào lao động Việt với các tên tuổi hay được nhắc đến là Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Lê Thị Công Nhân.

Tháng 7-2020, trên một số tờ báo điện tử tiếng Việt như BBC, VOA, RFA đưa tin “Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam vừa được thành lập với hy vọng đại diện cho quyền lợi chính đáng của người lao động, sẵn sàng “cạnh tranh” với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Theo các kênh truyền thông này thì Tổng thư ký của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU) là ông Benn Đặng, sống ở Hà Nội.

Trong diễn ngôn thành lập của mình, VIU viết rằng: “Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam là một tổ chức gồm những người xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, với mục tiêu thành lập các Nghiệp đoàn tự do. Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong CPTPP và EVFTA.

Chúng tôi cũng kêu gọi các công nhân trong các doanh nghiệp, những người lao động tự do trong các ngành nghề lao động khác cũng như những lao động trí thức hãy gia nhập đội ngũ Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam. Từng bước, Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam sẽ hướng dẫn các bạn thành lập những Nghiệp đoàn cho ngành nghề của các bạn tại các cơ sở để chung tay bảo vệ quyền lợi thiết thực của chính các bạn”.

Rất nhanh sau đó, ở các chuyên mục quen thuộc trên báo chí Đảng “Chống diễn biến hòa bình” đã chụp mũ đây là một tổ chức chiêu trò “mượn gió bẻ măng” của các thế lực thù địch.

Quan sát hàng loạt các hoạt động trước đây của Liên đoàn Lao động Việt Tự do, cá nhân người viết bài này cho rằng đó mới thực sự là tiền thân của việc hình thành các nội dung về quyền tự do công đoàn mà về sau Việt Nam đã cam kết thỏa thuận trong những ký kết FTA, vì những thành viên cụ thể đến từ Liên đoàn Lao động Việt Tự do đã trực tiếp tìm đến với người lao động ở doanh nghiệp để lắng nghe và lên tiếng bảo vệ họ trên căn cứ của pháp luật lao động hiện hành. Cũng chính lẽ này nên những Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng… mới vướng vòng lao lý.

Sau khi mãn hạn tù đày, vì nhiều lý do riêng tư, các gương mặt một thời đại diện cho người lao động đó dần rút lui khỏi giới xã hội dân sự.

Có một lưu ý cần nhấn rõ là về pháp lý thì dường như những tổ chức với cung cách vận hành của VIU sẽ chịu sự điều chỉnh của luật về hội, chứ không phải nội dung của luật lao động.

Tài liệu pháp lý về thỏa thuận liên quan quyền tự do công đoàn ở các FTA, tóm tắt như sau: Quyền thành lập Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp của người lao động mà không phải xin phép trước; Quyền của công đoàn cơ sở được lựa chọn đăng ký hoạt động với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để hoạt động độc lập; Quyền tự quyết của công đoàn cơ sở đăng ký hoạt động độc lập trong bầu đại diện, xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức quản lý, thực hiện hoạt động đại diện…; Quyền của công đoàn cơ sở đăng ký hoạt động độc lập được liên kết với nhau ở cấp cao hơn (cấp ngành/vùng);

Một tổ chức công đoàn cấp trên không có quyền đại diện đương nhiên đối với những người lao động không tham gia công đoàn nào, và chỉ có quyền đại diện cho những người có đề nghị đại diện.

Như vậy, nếu nhìn đúng vấn đề về pháp luật lao động, có thể thấy rằng tính cho đến nay ở Việt Nam ngoài phong trào mang tính tự phát trước đây như Liên đoàn Lao động Việt Tự do với những hình thức của “công đoàn cơ sở”, thì sau khi Hà Nội đã chấp nhận quyền tự do công đoàn trong sửa đổi luật lao động, người ta vẫn đang chờ đợi việc hình thành ra sao về những tổ chức công đoàn cơ sở độc lập ở tương lai.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    van nguyen 6 months

    Bài viết có quá nhiều sai lầm đáng tiếc. Tác giả nhầm lẫn giữa “Công đoàn cơ sở” và “tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp”. Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Tác giả viết: “tổ chức công đoàn cơ sở độc lập ở tương lai” là sai lầm bởi “công đoàn cơ sở” là cấp thấp nhất trong hệ thống công đoàn VN trực thuộc Tổng liên đoàn lao động VN, là 1 bộ phận của đảng CSVN, nên không có chuyện công đoàn cơ sở “độc lập”. Độc lập là “tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp”. Tổ chức này được cho phép ở Bộ luật lao động 2019, nhưng trong thực tế không/chưa được thành lập bởi nhà nước cho tới nay không ban hành Nghị định hướng dẫn việc thành lập. Nếu được thành lập thì “tổ chức người lao động tại doanh nghiệp” sẽ hoạt động song song với Công đoàn cơ sở, là “đối thủ” cạnh tranh với Công đoàn cơ sở. Do dó toàn bộ phần cuối của bài viết cần phải được sửa chữa lại