Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giấc mơ Mỹ đã gần hơn với người Việt tị nạn tại Thái Lan

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Chương trình Welcome Corps – Bảo Lãnh Tư Nhân để hỗ trợ những người Việt đang tị nạn tại Thái Lan sớm được định cư tại Hoa Kỳ.

Trung tuần tháng 1, nhạc sĩ Nam Lộc, một nhà hoạt động nhân quyền kỳ cựu tại Hoa Kỳ đã tới Thái Lan để gặp gỡ người Việt tị nạn ở đây. Trong chuyến đi này, ông Nam Lộc đã có nhiều buổi nói chuyện để giới thiệu chương trình Welcome Corps – Bảo Lãnh Tư Nhân để hỗ trợ những người Việt đang tị nạn tại Thái Lan sớm được định cư tại Hoa Kỳ.

 

Thế kỷ 21: người Việt vẫn còn vượt biên xin tị nạn

 

Hiện nay ước lượng có khoảng 400 gia đình người Việt tị nạn đang sống tại Thái Lan. Những người này phải từ bỏ quê hương vì nhiều lý do. Một số người bị đàn áp về tôn giáo, đức tin; một số người là thuyền nhân, phải vượt biên từ sau năm 1975 sau khi Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam.

Đối với các sắc tộc thiểu số thì Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã cướp đất đai, ruộng vườn, nhà cửa, bằng các chính sách “thu hồi đất” bất công, khiến họ không thể sống tại mảnh đất của ông bà nhiều đời truyền lại. Ngoài ra cũng có nhiều nhà bất đồng chính kiến, hoạt động dân chủ, nhân quyền, bị đàn áp, đối diện nguy cơ tù tội nên buộc phải sang Thái Lan ẩn trốn an ninh Việt Nam.

Hiện nay, Thái Lan vẫn chưa ký công ước về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Vì vậy, người tị nạn tại vương quốc này được coi là cư trú bất hợp pháp, có thể bị bắt và trục xuất về nước bất cứ lúc nào. Năm 2015, Thái Lan đã “bàn giao” hơn 100 người Uyghur (người Duy Ngô Nhĩ) trở về Trung Quốc, đất nước bị Hoa Kỳ cáo buộc phạm tội diệt chủng với người thiểu số Hồi giáo. Năm 2021, Nhà nước Thái Lan cũng “gửi” bốn nhà bất đồng chính kiến trở lại Campuchia. Những người này bắt giam ngay khi bước qua biên giới của chính quyền thủ tướng Hun Sen.

Hồi tháng 4 năm ngoái, ông Đường Văn Thái, một người bất đồng chính kiến nổi tiếng, đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc khi đang tị nạn tại Thái Lan. Trước đó, năm 2019, ông Trương Duy Nhất, một nhà báo, blogger bất đồng chính kiến cũng đã “mất tích bí ẩn” tại Bangkok khi đang xin tị nạn tại đây. Sau đó, ông Nhất “bất ngờ” xuất hiện trong trại giam Việt Nam.

Những vụ trục xuất và bắt cóc này khiến cho cộng đồng người Việt tị nạn tại Thái Lan vô cùng hoang mang, lo lắng trước tính chất nguy hiểm và manh động của Cơ quan an ninh Việt Nam. Có thể nói không nơi nào tại Đông Nam Á là an toàn với người tị nạn.

Cô Đào Thị Bích Nga, sinh năm 1968 nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo: “Tôi đã vượt biên sang Thái Lan từ năm 1990, nhưng năm 1996 thì bị chính quyền trục xuất về Việt Nam. Tại quê hương mình, tôi không chịu nổi cảnh đàn áp của Cộng sản; nên tới năm 2017, tôi và con gái buộc phải vượt biên thêm một lần nữa. Chúng tôi tị nạn ở Thái Lan trong thân phận bất hợp pháp, không có việc làm ổn định, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị trục xuất. Năm 2020 tôi bị đột quỵ nhưng may mắn qua khỏi, cư trú bất hợp pháp thì bệnh tật ốm đau đi bệnh viện cũng rắc rối lắm. Hiện nay mẹ con tôi chỉ mong được các tổ chức quốc tế hỗ trợ tái định cư sớm để yên ổn, con tôi có tương lai tốt đẹp hơn cuộc đời tôi”.

Welcome Corps – Bảo Lãnh Tư Nhân: Ánh sáng nơi cuối con đường

Hiểu được hoàn cảnh của người tị nạn, nhiều năm qua, ông Nam Lộc và bạn bè, tình nguyện viên đã vận động chương trình Bảo Lãnh Tư Nhân tại Canada. Thấy được sự hiệu quả của chương trình này, các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nghiên cứu và đưa vào áp dụng tại xứ cờ hoa từ năm 2023, sau thông báo của Ngoại trưởng Antony Blinken.

Chương trình Bảo Lãnh Tư Nhân được quản lý bởi Welcome Corps này sẽ thành lập các Group Of 5″ (Nhóm tối thiểu 5 Người/ Nhóm 5 Người) có quốc tịch Hoa Kỳ (thuộc cùng một tiểu bang) để bảo lãnh một gia đình tị nạn. Người đứng đầu “Nhóm 5 Người” sẽ phải trải qua một khóa đào tạo online ngắn hạn, còn các cá nhân sẽ phải trải qua một bài kiểm tra nền tảng (background check), đồng thời lên một kế hoạch chi tiết (Welcome plan) để đảm bảo có đủ điều kiện bảo lãnh và hỗ trợ người tị nạn.
 
Theo ông Nam Lộc, hiện nay bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức mở rộng Giai Đoạn 2 (tức Phase 2 – Naming), cho phép các “Nhóm 5 Người” được quyền bảo lãnh bất cứ người tị nạn nào mà họ lựa chọn. Với hai điều kiện, một là người lưu vong đã được cấp quy chế tị nạn chính thức của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, hai là họ đã có mặt tại quốc gia tạm dung (Thái Lan) trước ngày 30/9/2023.

Ông Nam Lộc được biết đến như là một nhạc sĩ tài hoa với nhiều bài hát đi sâu vào tâm khảm người Việt hải ngoại, như “Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt”, “Mây lang thang”… Từ khi sang Hoa Kỳ ông đã dành phần lớn cuộc đời mình để vận động dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

“Đối với cá nhân tôi, việc Hoa Kỳ thông qua chương trình Bảo Lãnh Tư Nhân là phần thưởng cuối đời mà Thượng Đế đã ban cho mình khi bước vào tuổi 80. Lời hứa là sẽ hoàn tất trách nhiệm đối với người tị nạn trước khi buông tay, xem như vừa thực hiện xong. Tôi và các vị tình nguyện viên đã làm tất cả những gì có thể làm được để chính phủ Mỹ mở rộng cánh cửa cho phép người tị nạn VN được định cư tại quốc gia này, thay vì cứ nhỏ giọt vài gia đình một năm như thời gian trước đó”. Ông Nam Lộc viết.

“Gặp được chú Nam Lộc và biết được chương trình bảo lãnh này thì tôi mừng lắm. Đây giống như ánh sáng nơi cuối con đường tìm tự do của cuộc đời tôi. Hi vọng kiều bào Việt Nam tại Hoa Kỳ chung tay cùng chú Nam Lộc để những người lưu vong chúng tôi không còn phải sống cảnh ẩn dật, vất vưởng bất hợp pháp nữa”. Cô Đào Thị Bích Nga nói với phóng viên VNTB.
 
Để biết thêm chi tiết, hoặc cần hỗ trợ trong quá trình nộp đơn bảo lãnh, xin liên lạc về hai địa chỉ email sau đây:
⁃ Nhạc sĩ Nam Lộc: namlocnguyen@yahoo.com
⁃ Giáo sư Can Nguyễn (ĐH George Mason): canxnguyen@yahoo.com
⁃ Tìm hiểu thêm về chương trình tại trang web:

https://welcomecorps.org/resources/sponsor-someone-you-know/


_______________
Tham khảo:

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/canh-cua-tu-do-da-mo-rong/

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đốt pháo ngày tết: cấm thì mất vui, không cấm thì nguy hiểm, vậy phải làm sao?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Quan hệ Việt – Trung: tình hữu nghị viển vông

Do Van Tien

RFA – “Đường Văn Thái chưa bao giờ có ý định trở về Việt Nam!”

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.