Hà Nguyên – Cát Tường
(VNTB) – Nhân quyền Việt Nam vẫn là thứ xa xỉ
Với những gì mà báo chí nhà nước đang nói về vụ án “Tịnh thất Bồng Lai” từ cáo buộc theo điều 331 của Bộ luật hình sự, hay trước đó nữa về điều luật 117 như đối với ứng viên chính trị độc lập Lê Trọng Hùng, với Phạm Đoan Trang… cho thấy nhân quyền Việt Nam vẫn là thứ xa xỉ.
Ở đây người viết muốn nói đến bản chất pháp lý và ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội.
Trên giảng đường trường luật, các thế hệ sinh viên đều được dạy rằng con người và quyền con người là giá trị quan trọng và trở thành đối tượng ưu tiên bảo hộ của pháp luật trong tố tụng hình sự.
Bảo đảm quan trọng cho việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lá chắn quan trọng và vững chắc nhất đối với quyền con người, quyền công dân nhằm phòng ngừa và ngăn chặn những vi phạm từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng là việc thừa nhận và ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội.
Ở môn luật hình sự, suy đoán vô tội là nguyên tắc “kinh điển” nhất của tố tụng hình sự được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế quan trọng như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, (Điều 11.1); Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (khoản 2, Điều 14). Đặc biệt, bản Tuyên ngôn nêu trên đã coi nguyên tắc này là “phẩm giá của văn minh nhân loại”.
Ở phạm vi bao quát hơn và chắc chắn hơn, Nhà nước pháp quyền dù có hay không từ tố “xã hội chủ nghĩa” đều thừa nhận một nguyên tắc phổ quát của pháp luật khi nói về mối quan hệ giữa phạm vi đã được thể chế hóa và phạm vi không thể chế hóa. Đó là nguyên tắc suy đoán về tính hợp pháp của hành vi.
Nguyên tắc này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với thái độ của xã hội, của Nhà nước trong việc dùng pháp luật để điều chỉnh các hành vi xã hội, trong quan hệ của Nhà nước đối với cá nhân. Nguyên tắc suy đoán về tính hợp pháp của hành vi có nghĩa là: Hành vi của cá nhân phải luôn luôn được coi là hợp pháp khi chưa chứng minh được điều ngược lại.
Nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự và nguyên tắc suy đoán về tính hợp pháp của hành vi, đến lượt chúng, lại là những biểu hiện ở những mức độ khác nhau của một nguyên tắc pháp luật cao hơn. Đó là nguyên tắc: “Có thể làm tất cả những gì luật không cấm”.
Nói theo ngôn ngữ Tuyên giáo Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử lập Hiến của Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đặt ra quy định tại Chương II – “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1, Điều 31 Hiến pháp năm 2013).
Đó chính là nội dung đầy đủ của một nguyên tắc pháp lý quan trọng: Nguyên tắc suy đoán vô tội.
Để thi hành Hiến pháp, bảo đảm sự phù hợp của pháp luật tố tụng hình sự với Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự tại Điều 13 đã quy định một nguyên tắc hoàn toàn mới của tố tụng hình sự Việt Nam, đó là “nguyên tắc suy đoán vô tội” với nội dung như sau:
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Thử nhớ lại tin tức ở thời gian nhà báo Phạm Chí Dũng vướng vòng lao lý. Hầu hết các tờ báo đều đăng cùng bản tin được phía cơ quan an ninh đưa ra cho chuyện mặc định phạm tội của một công dân bị cáo buộc vi phạm điều 117 Bộ luật hình sự.
Trong khi đó thì pháp luật hình sự hiện hành lại nói rằng người bị buộc tội phải được coi là vô tội cho tới khi tội và lỗi của người đó được chứng minh.
Nói khác đi, đây là nguyên tắc “lỗi không được chứng minh, đồng nghĩa với sự vô tội được chứng minh”. Yêu cầu này đã tạo ra sự an toàn pháp lý cho người bị buộc tội trong toàn bộ quá trình tố tụng hình sự. Yêu cầu đó đặt ra trong nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị năm 1966.
Theo đó, “mọi người đều có quyền hưởng tự do và an ninh cá nhân, không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Người bị buộc là phạm một tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi tội của người đó được chứng minh theo pháp luật” (điều 14.2).
Tiếc là trước và sau nhà báo Phạm Chí Dũng, tiếp tục có nhiều người chịu sự cáo buộc tương tự về điều 117, Bộ luật hình sự, song lại không được thực thi theo nguyên tắc “lỗi không được chứng minh, đồng nghĩa với sự vô tội được chứng minh”.