Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giải cứu nông sản mùa dịch Covid-19: chuyện mới từ hệ lụy… cũ

Loan Thảo

 

(VNTB)  – Nông sản ở Hải Dương phải ‘giải cứu’ vì ‘ngăn sông – cấm chợ’ do dịch Covid-19. Thế nhưng…

 

Thực ra thì tiêu thụ nông sản nhiều năm qua vốn bấp bênh, vụ được giá, vụ mất giá. Nay dịch Covid-19 bùng phát khiến mùa thu hoạch nông sản năm nay của nông dân thêm thua nặng hơn mà thôi.

Ông Lê Minh Hoan, cựu Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, nhận xét: “Cần xóa tình trạng mua mùa, bán mùa như hiện nay. Muốn vậy phải có thông tin minh bạch trong thị trường mua bán nông sản, từ đó mới có thể biết được lĩnh vực nào trồng bao nhiêu, sản lượng bao nhiêu là đủ. Thị trường nông sản hiện nay rối quá. Không phải chỉ Covid-19 làm cho nông sản ùn ứ mà cứ lâu lâu lại có một đợt ùn ứ dưa hấu, thanh long, hành tím… Rất bất cập!”.

Nhà báo đã nghỉ hưu H.X.H., từng chuyên trách về nông nghiệp, nhận xét: “Ở ta, một số nơi lãnh đạo đi đâu có thói quen thúc địa phương phải sản xuất cái gì, trồng cây gì, nuôi con gì, nhưng việc làm gì, sản xuất gì lại do thị trường quyết định. Ngược lại, họ chưa quan tâm đúng mức tới việc bán hàng, tạo đầu ra hàng hóa, giúp người dân và doanh nghiệp bán được hàng.

Chính sách hỗ trợ với nông nghiệp vẫn nặng về hỗ trợ đầu vào, lo cho nông dân từ giống cây trồng, nước tưới, đủ thứ đầu vào khác để họ sản xuất – điều này giờ doanh nghiệp tư nhân làm tốt hơn Nhà nước. Cái doanh nghiệp không làm được là tạo lập thị trường tiêu thụ nông sản thì Nhà nước chưa chú trọng đúng mức”.

Ở góc nhìn khác tầm vĩ mô, Covid-19 hiện không còn là thứ dịch bệnh đột xuất, nên theo ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), thì sau hơn 1 năm, nền kinh tế đã đi vào giai đoạn “bình thường mới”, nên điều này đặt các địa phương phải có phương án giống với Bộ Y tế khi đưa ra các kịch bản nếu dịch bệnh xảy ra, kinh tế, hàng hoá trên địa bàn phải ứng phó như thế nào.

“Nông sản có mùa vụ hết cả rồi. Địa phương cần lên kế hoạch vào mùa cao điểm, dịch bùng phát thì quy trình thu hoạch, giãn cách, luân chuyển hàng hoá như thế nào. Covid-19 không còn là sự bất ngờ như thiên tai, lũ lụt, thay vào đó cần có sự chuẩn bị kỹ”, ông Nguyễn Quang Đồng ý kiến.

Theo ông, tư duy giải cứu cần phải bỏ, thay vào đó là tư duy mới: Xử lý, thông thương hàng hoá trong giai đoạn dịch như thế nào với các quy trình, quy định, cách làm mới. “Giải cứu kiểu từ thiện sẽ không phù hợp cho nền kinh tế”, ông Đồng nói và nhấn mạnh “Điều này cũng phản ánh các cơ quan chức năng làm kế hoạch kém”.

Mà cơ quan chức năng ở đây là ai? Theo như nhận định của nhà báo T.V., chuyên mảng chính trị – xã hội, thì đó toàn bộ là các đảng viên được đảng ‘cơ cấu nhân sự’ vào các chức danh từ cấp lãnh đạo ở Chính phủ, đến cấp địa phương tỉnh, thành. Nhân sự này thời gian qua đã làm gì để góp phần vào chuyện liên quan “giải cứu” nông sản?

Không quá lời khi nói rằng có một thực tế, là thông tin về an toàn y tế của các sản phẩm được sản xuất tại các tỉnh đang xảy ra ca lây nhiễm cộng đồng dịch Covid-19, người ta vẫn chờ đợi chính quyền, cùng các cơ quan chuyên môn có liên quan như ngành nông nghiệp và ngành y tế, đưa ra chính thức những khuyến cáo liên quan về chuyện an toàn thực phẩm ở vùng dịch. Chính điều này đã tạo tâm lý e dè của thương lái và người tiêu dùng.

Và rất có thể mai đây sẽ tiếp tục có những hệ lụy đáng tiếc quanh chuyện giải cứu nông sản mùa dịch Covid-19.


Tin bài liên quan:

VNTB – Phóng sự ảnh: Hóa giải những đau thương vẫn đang còn day dứt

Trương Thế Tử

VNTB – ‘Tướng’ nào bị đưa ra ‘tòa án binh’ trong cuộc chiến với ‘giặc’ Covid?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sao không giảm thuế VAT cho hàng thiết yếu?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo