Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giảm thuế: làm đi, đừng hẹn nữa

Hàn Lam

 

(VNTB) – Nhiều doanh nghiệp đứng trước thách thức phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, sa thải nhân công.

 

Ngoài lãi suất đã cao, doanh nghiệp thuỷ sản còn đang chịu thêm các khoản phí khác như phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD),…

Vốn và… phí

Trong công văn số 59/CV-VASEP, tổ chức Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn có liên quan cho ngành thuỷ sản trong giai đoạn hiện nay. Văn bản này đã được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Văn bản cho biết, doanh nghiệp thủy sản chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu thường vay USD. Từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1-2,8% lên 3-3,3% và thậm chí đến 4,5%, và hiện tại thì đa phần đang ở mức cao 4,1-4,9%, có những doanh nghiệp phải chịu ở mức cao hơn 5% trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất-xuất khẩu thủy sản.

Theo VASEP, một vấn đề đáng quan ngại nữa là việc “siết tín dụng”, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó.

Ngoài các khoản phí của ngân hàng như đề cập trên, nếu tính cả các khoản phí như phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD),… thì các khoản chi phí cho đơn hàng lên rất cao.

Áp lực từ chính sách không hợp lý

Việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng lại phải chịu áp mức trần này.

“Vốn-tín dụng-lãi suất vay đang là áp lực lớn và căng thẳng nhất hiện này với ngành hàng. Hiệp hội mong Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quan tâm xem xét. Một số kiến nghị chính của Hiệp hội cho vấn đề này như sau: Điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4-6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý 2-3/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.

Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên – bao gồm thủy sản, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, và tạo cơ sở thúc đẩy sinh kế cho chuỗi nông-ngư dân phía trước.

Sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp” – trích kiến nghị của VASEP gửi Chính phủ qua ‘trung gian’ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Giảm thuế: làm đi, đừng hẹn nữa

Trong nhóm đề xuất về các giải pháp liên quan khác để giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất-nhập khẩu, duy trì chuỗi cung ứng, việc làm, phía VASEP cũng đưa ra những đầu việc cụ thể.

Theo đó, hiện nay các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức từ vấn đề lao động: khi các đơn hàng giảm mạnh, tồn kho nhiều, áp lực chi phí tài chính cao – nhiều doanh nghiệp đứng trước thách thức phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, sa thải nhân công.

Thực trạng trên dẫn đến thách thức từ tăng chi phí của doanh nghiệp, như: chi phí nguyên vật liệu, lãi vay, logistic, điện, bao bì, nhân công ….Và những bất cập trong việc cấp phép và hướng dẫn thủ tục doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà để sử dụng cho sản xuất của doanh nghiệp (chế biến, trang trại nuôi tôm-cá) và không phát lên lưới điện chung.

Một số kiến nghị chính của Hiệp hội cho vấn đề này là: Chính phủ chỉ đạo tiếp tục cho doanh nghiệp vay từ ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động, tránh việc sa thải người lao động.

Chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nếu được triển khai với toàn bộ nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp khi nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Kiến nghị mở rộng phạm vi áp dụng giảm 2% với tất cả các hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất giá trị gia tăng 10%, và không loại trừ.

Cho phép và hướng dẫn thủ tục để doanh nghiệp thủy sản có thể lắp đặt điện mặt trời áp mái không phát lên lưới (Zero export) để sử dụng cho sản xuất của doanh nghiệp (chế biến, trang trại nuôi tôm-cá)…


Tin bài liên quan:

VNTB – Chủ tịch Ngân hàng Sacombank và trò đùa Cá tháng Tư

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Ngân hàng vẫn đầy tiền

Do Van Tien

VNTB – Lạm phát đã hiện hữu tại Việt Nam

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo