VNTB – Giọt mưa thu

Truyện ngắn Trần Thế Kỷ (VNTB) Trên bầu trời âm nhạc tiền chiến, Đặng Thế Phong như một vì sao sáng vừa xuất hiện đã vụt tắt.


Từ giã cuộc đời ở tuổi 23, ông chỉ kịp để lại vài ca khúc nhưng thảy đều là những tác phẩm bất hủ: Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu. Tất cả đều in đậm một nỗi u buồn như tiên báo cho một đời ngắn ngủi. Riêng Giọt Mưa Thu, người nhạc sĩ tài hoa sáng tác bài này là để tặng người con gái ông vô cùng yêu mến.

Đặng Thế Phong và giọt mưa thu
Tôi và Quỳnh Như ở cùng phố Sinh Từ, cách nhau hơn trăm thước. Ở phố này, hoa Ti gôn mọc rất nhiều và phía trước nhà nào có nhiều hoa này nhất chính là nhà Quỳnh

Như. Đấy là loại hoa dây, lá giống lá nho. Có hai loại, trắng và hồng. Đầu hè hoa nở thành từng chùm rất đẹp, đến đông thì lá rụng, hoa tàn.

Đặng Thế Phong là bạn thân của tôi. Anh thường đến lớp nhạc của tôi chơi. Anh thích hát các ca khúc thịnh hành thời ấy và cả những bản nhạc do chính anh sáng tác. Giọng hát Phong không thực hay nhưng rất có hồn, lôi cuốn người nghe như hôm nào anh ôm đàn say sưa hát Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến tại rạp Olympia ở Hà Nội. Chính đấy là nơi Phong và Quỳnh Như lần đầu gặp gỡ. Nàng yêu tài năng của chàng và chàng yêu cái đẹp trong sáng, hồn nhiên của nàng, cái đẹp của một người con gái tuổi vừa đôi tám có đôi mắt nhung đen màu hạt huyền. Lúc ấy là đầu hè và tình yêu của họ tươi đẹp như những cánh hoa Ti gôn. Phong kể với tôi, mổi lần đến thăm nàng thì khi chia tay, anh bao giờ cũng ngắt một cành hoa về làm kỷ niệm.

Mối tình đẹp nảy nở theo thời gian. Mấy lần tôi gặp hai người tay trong tay dạo qua những phố phường Hà Nội hoặc ven bờ hồ Hoàn Kiếm… Những lúc ấy tôi ước mình cũng được như Phong, có một người yêu để dắt tay dạo phố.

Nhưng một ngày kia, sau khi Phong đi Cao Miên về, sức khỏe của anh trở nên sa sút. Anh bảo mắc bệnh lao. Nước da của anh không còn trắng hồng mà trông khá xanh xao.

– Dạo còn học ở trường Mỹ thuật Đông Dương, ông thầy người Pháp khi nhìn nét vẽ của tôi, bảo tôi sẽ chết yểu. Phong bảo tôi. Anh có tin không?

– Tin thế nào được. Tôi cười trấn an. Ông ta chỉ nói đùa. Anh chịu khó nghỉ ngơi bồi bổ thì chẳng mấy chốc sẽ khỏe lại thôi.

Nghe tôi nói, Phong chỉ cười, nụ cười không tươi. Đáng buồn là từ hôm ấy, dù đã đi nhiều thầy thuốc, bệnh tình của anh vẫn không thuyên giảm mà xem ra còn nặng hơn. Có lần đang cùng tôi chơi đàn, Phong chợt ho lên rũ rượi rồi khạc ra cả búng máu. Gia đình Phong liền đưa anh đến nhà thương Lanessan ở Hà Nội. Nơi này trước kia tôi đã từng đến thăm Nguyễn Nhược Pháp khi anh nằm ở đấy vì sốt thương hàn rồi mất sau đó.

Trên giường bệnh, Phong chỉ tôi gói bánh ở đầu giường, nụ cười hốc hác:

– Đấy là quà của Quỳnh Như. Nàng nhờ người ta gửi cho tôi.

Tôi để ý trên gói quà có kèm theo một đóa Ti gôn, loài hoa mà Phong rất thích.

– Quỳnh Như lo cho anh lắm đấy. Chúc anh sớm bình phục để còn lấy vợ nữa chứ!

Tôi cầm bàn tay gầy guộc của Phong, cố nói vài câu cho anh vui. Nhưng hình như anh không vui bao nhiêu.

Tuần sau tôi lại đến thăn Phong. Đang nằm trên giường, Phong gượng ngồi dậy. Trông anh có vẻ tỉnh táo hơn hôm nọ. 

– Quỳnh Như có tới thăm anh không? Tôi hỏi. 

– Dường như dạo này cô ấy bận việc nên ít thấy tới. Phong đáp, vẻ mặt đầy nghỉ ngợi. 

Tôi ân cần khẽ bóp đôi vai anh. Gần đây có anh chàng nào đấy trông khá bảnh trai thường lui tới thăm Quỳnh Như. Nghe nói anh ta học ở Pháp về và là con một nhà kim hoàn giàu nhất nhì phố Hàng Bạc. Tôi muốn nói điều này với Phong nhưng lại thôi. Thế rồi Phong loay hoay lấy gì đó dưới tấm nệm giường. Anh lấy ra một quyển sách mỏng, trong đó để một bản nhạc viết tay. Phong đưa tôi bản nhạc: 

– Đây là bài “Giọt mưa thu” tôi mới viết. Giọng anh thều thào, nhờ anh gửi cho Quỳnh Như, bảo tôi lúc nào cùng nhớ nàng. 

Tôi cầm lấy sáng tác mới của Phong: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi…”. Trên tờ nhạc có lấm chấm những vết máu. Tôi xót xa. Hẳn trong khi viết nhạc Phong đã ho rất nhiều. Cuối bài hát có nét chữ run rẩy của Phong: “Mến tặng Quỳnh Như với tất cả tình yêu của anh”. 

Bản nhạc này, sáng tác sau cùng của người nhạc sĩ vắn số, tôi thấy không cần thiết phải đưa cho Quỳnh Như vì ngay hôm sau được biết nàng đã làm lễ đính hôn với anh chàng hôm nọ. Người ta đến với nhau nhanh thật! 

Sau đấy tôi lại đến Lanessan thăm Phong nhưng không thấy anh đâu. Bác sĩ cho biết Phong khó lòng qua khỏi nên gia đình đã đưa anh về quê từ hôm trước. 

Tôi liền đến nhà anh ở phố Hàng Đồng, Nam Định cùng với gói thuốc bổ mua ở hiệu thuốc gần nhà. Hôm ấy trời rất xấu với gió rét căm căm và mưa cứ rơi rả rích suốt đoạn đường tôi đi từ Hà Nội vào Nam Định. 

– Quỳnh Như nhờ tôi gởi anh chút quà. Tôi đặt túi thuốc lên đầu giường Phong. Anh nằm im trên chiếc giường tre ọp ẹp, thân hình chỉ còn da bọc xương. Sự sống thực sự sắp rời bỏ anh. Không còn hy vọng gì. Nhìn túi quà tôi đua với đôi mắt hỏm sâu, Phong chợt hỏi tôi với giọng đầy yếu ớt: 

– Sao không có hoa? 

Tôi giật mình. Chết thật. Tôi nói dối là quà của Quỳnh Như nhưng lại quên kèm theo một đóa Ti gôn.

– Có lẽ nàng quên đấy thôi. Tôi đáp, giọng lấp lửng. 

Tất cả chìm trong im lặng. Đôi mắt Phong nhìn đăm đăm lên trần nhà rồi nhắm nghiền lại. Hình như anh khẽ lắc đầu. Sự sơ xuất này khiến tôi ray rứt mãi về sau. 


Ngày hôm sau, ngày 11 – 9 – 1942, Phong trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà cũ kỹ nghèo nàn, nơi ngày nào anh cất tiếng khóc chào đời. Cũng ngày hôm ấy, sau này tôi được biết Quỳnh Như đã lên xe hoa về nhà chồng. Cả phố Sinh Từ rộn ràng pháo cưới. Nhà trai rước dâu với đoàn xe ô tô mới toanh. Cô dâu lộng lẫy trong chiếc áo cưới trắng muốt như một nàng công chúa bên chàng hoàng tử là anh con trai tiệm vàng. 

Nhưng tôi không buồn nhớ chuyện ấy. Tôi chỉ biết rằng mình vừa mất đi một người bạn thân yêu. Đặng Thế Phong, một trong những nhạc sĩ tiền phong của nền tân nhạc Việt nam, đã vĩnh biệt “dương thế bao la sầu” để vào cõi thiên thu khi tuổi còn rất trẻ,để lại niềm thương tiếc vô bờ trong lòng bạn bè và những người yêu mến anh. 

Sau khi tiễn đưa Phong về nơi an nghỉ, tôi trở về căn nhà nhỏ của anh. Ở góc nhà, ngồi bên chồng sách ngày nào anh vẫn đọc, tôi lấy ra quyển “Ngày xưa” của Nguyễn Nhược Pháp. Quyển này trước đây tôi đã tặng Phong. Trong quyển thơ nằm ép khô một đóa Ti gôn. Khi tôi khẽ cầm lấy đóa hoa thì, lạ thay, từ nó chợt thoảng ra một mùi hương dìu dịu thể như nó hãy còn tươi thắm. 
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)