VNTB – Hà Nội có tránh được bẫy nợ của Bắc Kinh?

VNTB – Hà Nội có tránh được bẫy nợ của Bắc Kinh?

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ về cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Trung Quốc đang là chủ nợ của 1.100 tỷ USD nợ thông qua dự án Vành đai và Con đường. Khoảng 80% khoản vay được dùng để hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn về tài chính.

Trong 10 năm qua, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Bắc Kinh chủ yếu tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều này mặc dù giúp Trung Quốc nâng cao đáng kể quyền phát ngôn quốc tế, nhưng cũng khiến họ phải đối mặt với xung đột địa chính trị ngày càng tăng, vấn đề nợ của các nước dọc tuyến BRI, cũng như các thách thức như kinh tế suy giảm, buộc họ phải điều chỉnh quy mô đầu tư và chuyển đổi mô hình sang lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao.

Các tổ chức tài chính Trung Quốc đã cho các nước đang phát triển vay 1,34 ngàn tỷ USD từ năm 2000 đến năm 2021, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ tại AidData cho biết trong một báo cáo được Reuters viện dẫn trong một bài viết phát hành ngày 7-11-2023 (*).

Năm 2013, khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới đang phát triển, các ngân hàng chính sách của Trung Quốc chiếm hơn một nửa số tiền cho vay. Thị phần của họ bắt đầu giảm từ năm 2015 và còn 22% vào năm 2021.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE), cơ quan quản lý dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc, chiếm hơn một nửa số cho vay vào năm 2021, gần như toàn bộ là cho vay cứu trợ.

Báo cáo của AidData, phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đại học William và Mary, cho biết: “Bắc Kinh đang đảm nhận một vai trò xa lạ và không thoải mái – là nước đòi nợ chính thức lớn nhất thế giới”. Báo cáo cho thấy phần lớn các khoản cho vay giải cứu ngày càng tăng của Trung Quốc được tính bằng đồng nhân dân tệ, với các khoản vay bằng đồng tiền Trung Quốc đã vượt qua đô la Mỹ vào năm 2020. Các khoản thanh toán quá hạn cho các nhà cho vay Trung Quốc cũng tăng lên.

Khoản vay từ các ngân hàng Trung Quốc đã giúp xây dựng đường sắt ở Kenya, các nhà máy điện ở Campuchia, cùng hàng ngàn dự án khác. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi Trung Quốc tăng các khoản vay, số lượng dự án bị đình chỉ hoặc hủy bỏ cũng tăng. Với tỷ lệ cho vay cao dành cho các quốc gia đang hoặc có nguy cơ gặp khó khăn về tài chính, Bắc Kinh ngày càng lo lắng về nguy cơ vỡ nợ.

Tuy vậy, tại diễn đàn kỷ niệm 10 năm Vành đai và Con đường vào tháng 10 vừa qua, ông Tập Cận Bình thông báo Bắc Kinh sẽ bơm hơn 100 tỷ USD vốn mới vào BRI.

Giám đốc điều hành của AidData – ông Bradley Parks nhận định: “Trung Quốc sẽ không đứng nhìn sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu chủ chốt của nước này tan tành. Bắc Kinh hiện đang trong ‘nhiệm vụ giải cứu’ để tối thiểu gánh nặng nợ và chính phủ Trung Quốc cũng đang có chiến lược dài hạn. Nước này đang đặt ra một bộ bảo vệ hoàn nợ được thiết kế để phòng vệ trong tương lai cho Sáng kiến Vành đai, Con đường”.

Quan sát trên hệ thống báo chí nhà nước ở Việt Nam cho biết từ chuyến công du Bắc Kinh mới đây của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cho thấy dường như đang thúc đẩy kết thúc đàm phán Kế hoạch kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với sáng kiến Vành đai và con đường.

Khả năng cuối năm nay, Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Việt Nam và chắc chắn khi Tập sang, sẽ có một số thoả thuận được ký kết, trong đó có BRI. Có lẽ dự án đường sắt Lào Cai – Hải Phòng sẽ do phía Trung Quốc cho vay và trực tiếp thực hiện xây dựng. Và khi ấy, nếu áp dụng hình thức vay vốn từ các định chế tài chính lớn của Trung Quốc, gánh nặng nợ vay và bài toán nợ công sẽ trở thành vấn đề rất đáng lo ngại cho các thế hệ người Việt.

_____________

Tham khảo:

(*) https://www.reuters.com/world/china/china-lent-134-trln-2000-2021-focus-shifts-belt-road-rescue-finance-report-2023-11-06/


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)