Nguyễn Thị Huyền
(VNTB) – Một số cơ quan truyền thông hài cả tên tuổi người bị nhiễm, thậm chí còn đi quá xa khi đề cập đến chuyện đời tư… Có ai đã bị nhắc nhở hay nghiêm trị chưa?
Tôi trân trọng công sức vất vả ngày đêm của cả hệ thống phòng dịch vì sức khỏe cộng đồng. Nhưng cũng nên quan tâm tới di chứng tâm lý của bệnh nhân suốt quãng đời còn lại của họ. Một vài con sâu trong hệ thống có thể làm rầu nồi canh. Dĩ nhiên không chỉ riêng ngành Y, mà còn ý thức của truyền thông, và pháp luật được thực thi nghiêm túc. Không thể xem thường, và để đời tư của công dân bị công khai như thế.
Bị nhiễm virus không phải là tội. Bị cách ly hay tự cách ly thì buồn lắm. Nhưng chắc chắn sẽ buồn hơn, ray rứt suốt đời nếu quyền riêng tư của mình không được bảo vệ.
Tuy nhiên nói đi thì cũng cần nói lại, là thời điểm dịch bệnh đến từ con virus Vũ Hán, rất cần tới sự minh bạch mọi nguồn lây nhiễm, bao gồm trong nhiều trường hợp cần thiết phải hài danh tính – chức phận, vì ai cũng quá rõ hệ lụy giấu diếm sự thật của truyền thông định hướng Tuyên giáo đảng trong suốt mấy chục năm qua.
Tôi đồng ý là ca nhiễm thứ 17 vừa qua truyền thông có vẻ khai thác phần đời tư quá mức cần thiết cho chuyện dịch tễ. Thế nhưng với ca 21 thì rất cần chi tiết, vì đây là một người đang làm việc trong bộ máy cầm quyền đảng. Đây là người đàn ông có danh và phận trong bộ máy của đảng cầm quyền.
Ca 21 là ‘bề trên’, khi ngồi ở vị trí phó ban lý luận trung ương. Ca 21 cần chi tiết hơn nữa về lịch trình bay, để xem dịch tễ ra sao mà đến nay ca 21 lại dường như không thấy báo chí đưa tin về nghi vấn đã lây nhiễm con virus Vũ Hán này cho ai?
Nếu thực sự ca 21 không lây nhiễm cho bất kỳ ai, thì đây là một ca đặc biệt thú vị rất cần nghiên cứu vì mục đích y khoa. Còn nếu đó vẫn là ca lây nhiễm tương tự những ca khác, thì cần thiết xem xét lại toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam trong vấn đề minh bạch về dịch bệnh; bởi đây là yếu tố sống còn của cả dân tộc khi đang đối mặt với đại dịch toàn cầu.