Phương Nguyên
(VNTB) – Có doanh nghiệp dệt may đứt gãy đơn hàng, kéo dài tới năm 2025.
Ông Lê Hoàng Tài – Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – nhìn nhận năm nay, ngành dệt may sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp dệt may đã đứt gãy đơn hàng từ năm 2023. và thậm chí có trường hợp kéo dài tới năm 2025. Thông tin này được ông Tài đưa ra tại buổi họp báo sáng 23-2-, giới thiệu về Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may 2024 (VIATT 2024).
Đơn cử, Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán: GMC) có địa chỉ trụ sở chính tại quận Gò Vấp, TP.HCM tính đến sau Tết Giáp Thìn này vẫn chưa tìm được đơn hàng nào để có thể khôi phục sản xuất. Trước đó, khách hàng của Garmex Sài Gòn là các thị trường xuất khẩu như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản với các đối tác như Decathlon (Pháp), New Wave (Thụy Điển), Nits (Nhật Bản), Columbia (Mỹ), Cutter&Buck (Mỹ) hay Sport Master (Nga).
Trong năm ngoái, ngày 31-3, công ty giảm từ 1.982 người xuống còn 185 người, tương đương giảm 91%. Tưởng chừng như không giảm thêm được nữa nhưng rồi tới ngày 30-9, cả công ty chỉ còn 37 nhân viên. Hồi tháng 9, tại cuộc họp đại hội cổ đông bất thường, lãnh đạo công ty cho biết chi phí nhân sự hàng tháng khoảng 651 triệu đồng. Ban điều hành đã thỏa thuận với người lao động để giảm tiền lương ngay từ những tháng đầu năm. Trong năm 2024, công ty sẽ tiếp tục rà soát vấn đề nhân sự, tùy theo tình hình để tiếp tục điều chỉnh lương cho sát thực tế.
Giai đoạn rực rỡ nhất của Garmex Sài Gòn là năm 2018 với doanh thu vượt 2.045 tỷ đồng và lợi nhuận 121 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động. Năm 2019, công ty cũng có lợi nhuận tốt đạt 104 tỷ đồng. Thế rồi dịch giã bùng phát, cùng với các quy định siết chặt trong phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam đã đẩy doanh nghiệp này vào chuyện mất dần đơn hàng, phải sa thải số đông người lao động.
Garmex Sài Gòn cho biết năm 2022, công ty chủ yếu sản xuất các đơn hàng gia công. Đồng thời từ giữa tháng 8, công ty phải tạm ngừng sản xuất ở một số nhà máy để khắc phục chất lượng nên hầu hết hàng sản xuất ra phải lưu kho. Bước sang quý IV, công ty nhận sản xuất các đơn hàng gia công số lượng nhỏ, giá cạnh tranh, năng suất thấp nên doanh thu giảm đáng kể.
Garmex Sài Gòn bị giảm doanh thu vì không còn ghi nhận bán hàng từ Gilimex. Trong khi cùng kỳ năm trước, đối tác này góp 224 tỷ đồng, chiếm 81% tổng doanh thu Garmex Sài Gòn. Còn năm 2022, doanh thu từ Gilimex chiếm 77% cơ cấu.
Về mặt khách quan, Gilimex là đối tác chính của Amazon giai đoạn 2014 – 2022, đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất để xây dựng kho bằng thép và vải dùng để chứa hàng hóa của Amazon. Amazon là khách hàng lớn nhất của Gilimex với tổng giá trị đơn đặt hàng lên đến 146,6 triệu USD vào năm 2021. Để đáp ứng nhu cầu của Amazon, Gilimex bỏ qua các khách hàng lớn khác như IKEA, Columbia Sportswear. Tuy nhiên, sau đó Gilimex cáo buộc Amazon đã vi phạm cam kết khiến công ty gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Vụ việc này ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Gilimex và đồng thời làm Garmex Sài Gòn – đơn vị đối tác bị ảnh hưởng theo, khi một phần doanh thu phụ thuộc vào các đơn hàng từ Gilimex.
Trong tình cảnh đó, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã liên tục đề xuất, đối với gói hỗ trợ 40 ngàn tỷ đồng cho giảm lãi suất 2% đang triển khai rất chậm tại các ngân hàng thương mại, đề nghị Nhà nước nghiên cứu chuyển sang hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh để đáp ứng các quy định mới của thị trường.
Ngoài ra cần thiết giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, sửa đổi quy định hưởng lương hưu để giảm số lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần, sửa đổi quy định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp để tránh lao động nhảy việc, giảm tỷ lệ doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn về tối đa 1% và giảm tỷ lệ nộp lên công đoàn cấp trên tối đa 15%.
Năm nay, ngành dệt may được dự báo vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do xu hướng giảm đơn hàng, rủi ro trong chuỗi cung ứng, xu hướng chuyển đổi số – xanh hóa của ngành.
Các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA)… đối với doanh nghiệp dệt may hiện chưa thể tận dụng được sức mạnh do Nhà nước Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ như thỏa thuận về các công ước của Tổ chức Lao động thế giới.